Mặc dù vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải gây ra nhiều tai họa, là vấn đề bức xúc trong suốt nhiều năm qua và lãnh đạo Chính phủ cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhiều lần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm, thế nhưng việc khắc phục vấn nạn này chưa hiệu quả, như là “bắt cóc bỏ đĩa”…

Theo Bộ GTVT, hiện nay, cả nước có trên 3.000 tuyến xe vận tải hành khách cố định liên tỉnh được mở phục vụ người dân đi lại từ thành phố đến các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Các đơn vị kinh doanh vận tải cũng đã kịp thời đầu tư đổi mới phương tiện, công tác đảm bảo ATGT được quan tâm đẩy mạnh, trong nhiều năm, tai nạn giao thông đã giảm sâu.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, phát triển nhanh và mạnh bao giờ cũng có những “phản ứng phụ”. Bên cạnh việc nhiều thương hiệu uy tín trong kinh doanh vận tải hành khách ra đời, đã thực sự đưa đến cho người dân dịch vụ vận tải chất lượng, thì hiện tượng “xe dù, bến cóc” vẫn còn tồn tại, tạo môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh; gây thiệt hại cho hành khách khi có sự cố hay tai nạn xảy ra và đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không bảo đảm an toàn giao thông.

Có những phương tiện ngang nhiên hàng ngày đón trả khách, ngay gần các bến xe, các điểm “nóng” ùn tắc giao thông mà vẫn không bị xử lý. Ngoài ra cũng có nhiều chủ phương tiện lợi dụng vị trí văn phòng, đại lý bán vé… biến các khu vực này thành “bến cóc” để đón và trả khách. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Nhức nhối “bến cóc” giữa điểm nóng ùn tắc

Trong vai hành khách từ Hà Nội đi Hải Phòng, chúng tôi đã gọi điện đặt chỗ của nhà xe Anh Huy – Đất Cảng. Gắn phù hiệu xe chạy tuyến cố định bến xe Thượng Lý – Yên Nghĩa, nhưng nhà xe này lại hẹn khách lẻ ra văn phòng ở địa chỉ 293 Khuất Duy Tiến (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) để đi xe. Ngoài văn phòng kể trên, hãng xe này còn ngang nhiên lập bến cóc trái phép ở ngõ 285 Khuất Duy Tiến làm nơi đón khách, bốc xếp hàng hóa.

Nói về hoạt động của hãng xe Anh Huy – Đất Cảng, ông Nguyễn Đình Long, lái xe ôm tại khu vực toà nhà Thăng Long Number One, cho biết: “Hằng ngày, họ vẫn dừng đỗ để đón, trả khách tại khu vực này. Các xe còn vô tư đi vào đường có biển cấm ôtô để vaod văn phòng đón khách, gây ra tình trạng lộn xộn, có lúc xảy ra xô xát, đánh nhau. Theo tôi, các ngành chức năng không sớm dẹp bỏ tình trạng này thì khu vực trên sẽ trở thành điểm đen về tai nạn giao thông và hành khách có thể còn bị “tai bay vạ gió”.

Thậm chí, khi theo xe Anh Huy – Đất Cảng từ Hải Phòng đi Hà Nội, chúng tôi thấy hoạt động của hãng xe này vô cùng lộn xộn; tình trạng xe dừng đỗ, đón trả khách trái phép trên nhiều tuyến đường diễn ra rất phổ biến và nhiều xe còn ngang nhiên lập “bến cóc” đón khách tại các điểm nóng ùn tắc giao thông như đường dẫn vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường vành đai 3 trên cao, gầm cầu vượt Mễ Trì, Đại Lộ Thăng Long,…

Ngoài các bến cóc trên, hiện dọc đường gom đại lộ Thăng Long còn xuất hiện nhan nhản các xe khách của hãng xe này đón trả khách trái phép, trong đó nhức nhối phải kể đến như: Hai bên gầm cầu vượt Phú Đô, hai bên gầm cầu vượt tại Km7 (khu vực trụ sở Cảnh sát Biển Việt Nam)…

“Dẹp chỗ này, phình chỗ khác

Ngày 17/10/2022, toà soạn Kinh doanh và Phát triển đăng bài viết: Sau chỉ đạo của Bộ GTVT, “xe dù – bến cóc” vẫn rầm rộ ở điểm “nóng” Hà Nội phản ánh tình trạng các xe khách tuyến cố định lập bến cóc trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông tại tuyến đường Giải Phóng và khu vực Bến xe Giáp Bát (Q.Hoàng Mai). Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Sở GTVT Hà Nội, liên ngành quận Hoàng Mai và Phòng CSGT Hà Nội đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nhờ vậy, tình trạng này có phần giảm nhiệt, bớt nhức nhối hơn. Các tuyến đường trước đây vốn là “điểm nóng” như: Giải Phóng, Kim Đồng, cổng bến xe Giáp Bát… đã trật tự hơn khi các hãng xe không đón, trả khách dọc đường.

Thế nhưng quá trình xử lý gặp khó khăn bởi các nhà xe, bến xe trái phép vẫn hoạt động ngày càng tinh vi, tìm đủ cách qua mặt lực lượng chức năng.

Ngày 18/10, tại khu vực ngã tư Pháp Vân, trong khoảng 30 phút, phóng viên ghi nhận hàng loạt xe khách BKS: 36B-015.88 (nhà xe Khiêm Oanh), 73B-007.90 (Hoàng Linh); 18B-003.76 (Hải Hậu); 38F-000.95 (Phong Lương); 37B-028.02 (Thơm Phụng); 36B-034.48 (Doanh Lý); 35F-001.03 (Cty Xe khách Ninh Bình),… khi di chuyển qua cổng bến xe Nước Ngầm bất ngờ tấp vào ngã 3 Pháp Vân để chèo kéo, đón khách, nhận hàng đã được tập kết sẵn trên vỉa hè.

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Sở GTVT Hà Nội, đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các phương tiện vi phạm.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã đề nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tập trung xử phạt các xe ô tô vi phạm quy định kinh doanh vận tải hành khách, gây cản trở, ùn tắc giao thông; chỉ đạo lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm xe chạy chậm dưới tốc độ cho phép sau khi xuất bến, đi sai phần đường, làn đường, tranh giành khách gây mất trật tự ATGT; tăng cường phạt nguội qua hệ thống camera giám sát.

Quá trình tìm hiểu viết bài này, chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của ông Thân Văn Thanh, nguyên chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia. Theo ông Thanh, chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật khá quy củ quy định về lĩnh vực này; cơ quan quản lý nhà nước thì có đội ngũ Thanh tra giao thông hùng hậu, lực lượng Cảnh sát giao thông có mặt ở hầu khắp các tuyến đường. Tại sao tình trạng trên lại xảy ra?

Để tăng cường công tác phối hợp quản lý, thực hiện đúng quy định, đảm bảo ổn định trật tự vận tải, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, chống ùn tắc giao thông, thực hiện đúng thẩm quyền về tổ chức giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, mới đây, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội.

Rà soát việc tổ chức, phân luồng giao thông, bố trí hành trình cho hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh đi/đến và đi thông qua địa bàn Hà Nội đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, chống ùn tắc giao thông và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; đảm bảo sự kết nối với loại hình vận tải khác trong hoạt động vận tải.

Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo CATP, Sở GTVT Hà Nội kiên quyết xử lý hiện tượng xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn thành phố gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải tuyến cố định.

NHÓM PV

Theo KDPT