web analytics

NSƯT Đức Trung: Ông Phan “Hướng dương ngược nắng” – “Vai diễn ngược nắng” 18/05/2021

(KDTT) – “Hướng dương ngược nắng”, bộ phim đang “hút” khán giả màn ảnh nhỏ cả nước bởi những phân cảnh rất “đời” dần đi đến những tập cuối. Theo NSƯT Đức Trung (vai Phan), đây là một vai diễn có tâm lý nhân vật đan xen phức tạp, thậm chí là “ngược nắng” với ông và đã thu hút diễn viên gạo cội này ngay từ khâu đọc thử kịch bản.

“Ngược nắng” ở ngưỡng tuổi 81

Đã hơn 10 năm từ sau phim “Bí thư Tỉnh ủy”, nghệ sĩ Đức Trung mới lại góp vai trong một bộ phim truyền hình dài tập, đó là nhân vật ông Cao Mạnh Phan – Chủ tịch Tập đoàn Cao Dược trong “Hướng dương ngược nắng”. Ông hãy chia sẻ về sự “đổi vai” này.

NSƯT Đức Trung: Tôi được đạo diễn Vũ Trường Khoa và Đỗ Thanh Hải mời đích danh cho nhân vật này và chỉ nhận được kịch bản trước khi quay đúng một tuần. Đọc kịch bản xong, tôi thấy nhân vật có dáng dấp của mình ở ngoài đời nhưng tôi không có độc đoán và gia trưởng như ông trong phim đâu nhé (cười).

Có thể nói NSƯT Đức Trung đã đóng đinh với các vai diễn có khuôn khổ, chính luận, vậy ông gặp khó khăn gì trong việc thể hiện vai diễn “ngược nắng”?

Sở trường của tôi là các vai chính diện, các vai có vị trí trong xã hội như Bí thư, Chủ tịch… Nhưng Phan là vai diễn phức tạp, có cả cái tốt, cái xấu, và bao dung. Phải nói rằng lâu lắm rồi mới có một nhân vật khiến tôi hứng thú đến vậy. Nhưng cũng mất mấy tập đầu còn “trung chiêng” lắm. Sau đó thì “diễn như không diễn”. 

Để hóa thân vào một ông chủ tịch của tập đoàn lớn, tôi phải tự tạo cho mình cách diễn với phong thái, hành động cử chỉ của một doanh nhân đã trải qua gần hết đời người trên thương trường. Hơn thế nữa, nhân vật ông Phan còn là một người có tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ, khao khát có cháu trai để nối dõi sản nghiệp nhà họ Cao, đây đều là những tính cách trái ngược hoàn toàn với tôi ngoài đời. Đây là nhân vật khá phức tạp, nhưng tựu chung lại là tình yêu gia đình của ông chủ Cao Dược. Đó là một tình yêu vừa nghiêm khắc vừa mềm mại, là sự kỳ vọng của một người đứng đầu gia tộc mong muốn con cháu kế thừa truyền thống của gia đình, cũng là những lời tâm sự thủ thỉ bên bàn trà, là giọt nước mắt của “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, là cái ôm chặt với đứa cháu gái lớn (nhân vật Minh Châu) thoát “cửa tử” trở về bình an.

Một cô trong nhóm biên kịch khen tôi là có những phân cảnh chú diễn cho tâm lý nhân vật còn vượt ngoài sức tưởng tượng của cháu (cười). Mỗi ngày đi làm phim đối với tôi như được trở về nhà.

Ở ngưỡng tuổi đã khá cao (81 tuổi – PV), ông có gặp khó khăn gì trong việc bắt nhập với các diễn viên trẻ?

Không hề, tương tác giữa tôi và các diễn viên như NSND Thu Hà, NSND Mạnh Cường và các tài năng trẻ Hồng Đăng, Hồng Diễm, Việt Anh, Đình Tú, Lương Thu Trang, Quỳnh Nguyễn… rất tốt. Bàn tay của đạo diễn đã kết nối được các thế hệ với nhau, khiến cho tôi và các diễn viên trẻ không “kênh” nhau. Và khán giả cho rằng “không chê được ai từ già đến trẻ”.

Tiếp tục cống hiến

Chi tiết nào đáng nhớ nhất đối với ông trong Hướng dương ngược nắng?

Đó là tập cuối cùng của phim, phân cảnh độc thoại khi cả gia đình tổ chức mừng thọ cho nhân vật ông Phan, riêng phần lời thoại đã dài gần 4 trang giấy. Câu nói cuối cùng của nhân vật Cao chủ tịch: “Dưới vòm trời này, dù đi bốn phương tám hướng, hướng nào cũng được nhưng nhớ rằng hướng xuất hành luôn phải là hướng thiện”.

Ông thấy mình nhận được gì từ vai diễn này?

Vai diễn này chứa cả cái sai và đúng, có bệnh về tư tưởng như trọng nam khinh nữ. Nhưng Phan cũng toát lên ý thức giữ gìn gia đình, sự nghiệp. Dưới sự chăm lo của ông Phan, tất cả đều đi đúng hướng. Đến cuối cùng thì nhân vật này cũng nhận cái sai, để tìm đến cái chung. Bây giờ đi đâu tôi cũng được khán giả “lôi kéo” vào, tôi coi đó là thành công.

Khép lại Hướng dương ngược nắng, đọng lại trong ông là gì?

Tôi cho rằng đây là một trong số ít phim truyền hình thành công nhất trong thời gian qua. Qua đây tôi thấy rằng để làm diễn viên đã khó, nhưng để dung nạp tất cả tính cách phức tạp trong một nhân vật và để lại ấn tượng trong lòng khán giả như vậy, đó là thành công, dù nhỏ nhưng mở ra những tia hi vọng mới để tôi tiếp tục cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà.

NSƯT Đức Trung (sinh năm 1940) được khán giả biết tới với những vai diễn chính diện trong đó phải kể tới những lần hóa thân thành Bác Hồ trên sân khấu và cả trên màn ảnh. Ông nguyên là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, một trong những gương mặt gạo cội của Nhà hát Tuổi trẻ. Ông chuyển công tác về Nhà hát từ năm 1979, trước đó ông gia nhập Đoàn nghệ thuật của Tổng cục Chính trị.

KIM NGỌC (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo KDPT