web analytics

Càng hội nhập, càng phải giữ bản sắc của dân tộc mình 19/06/2019

(KDTT) – Trước những hiện tượng xô bồ, vô ý thức của một số người có hành xử thiếu hóa, với hoa sen – một loài hoa được coi như là Quốc hoa của Việt Nam. Dư luận đã rất phẫn nộ lên án những hành vi thiếu văn hóa. Là người có nhiều năm giữ trọng trách trong ngành Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên về hiện tượng này.

 Những ngày gần đây, dư luận đang rất bất bình trước một số người có những biểu hiện thiếu văn hóa, thậm chí nude bên cạnh hoa sen của Việt Nam. Ông có ý kiến gì về hiện tượng này?

Trước hết tôi muốn nói về thái độ của tôi là rất bất bình trước hành xử thiếu văn hóa này. Bởi vì người Việt Nam ta gần như ai cũng biết câu thơ:

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Như thế, đã thấy rằng hoa sen là biểu tượng đẹp, thanh tao. Cao hơn nữa, bông sen còn là biểu tượng của Phật giáo. Đó là sự tôn nghiêm của một thế giới tâm linh đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ Việt Nam. Một cái sự linh thiêng, thế mà dám mang cái sự ô uế đến cái đầm sen như thế. Tôi mà nói thì khủng khiếp. Tôi mới nói như thế, tôi cảm nhận được đó là sự lố bịch, thiếu sự chuẩn mực của văn hóa. Đó là muốn làm nổi mình nhưng chính là làm mình chìm nghỉm. Không ai người ta chấp nhận được cái nền tầng văn hóa quá thấp. Nên cứ tưởng ở đâu đẹp là mình xuất hiện nhưng phải là chỗ nào. Chứ không phải bỗng dưng đầm sen đẹp như thế, mọi người mặc áo dài, áo tứ thân, có những hành vi ứng xử rất văn hóa như nam thanh nữ tú có thể cầm tay nhau chèo thuyền trên đầm sen đẹp biết bao nhiêu. Tại sao cứ phải lột truồng nhau ra ở đấy làm gì.

Có dư luận cho rằng, bây giờ thời kỳ hội nhập nên văn hóa Việt Nam cũng phải thoáng. Vậy quan điểm của ông trong vấn đề này như thế nào?

Không phải. Nước nào hội nhập cũng phải giữ bản sắc văn hóa. Càng hội nhập càng phải có bản sắc, bản sắc chính là nét riêng trong thời kỳ hội nhập nếu không sẽ bị xóa nhòa. Các nền văn hóa sẽ bị xóa nhòa hết, thế chúng ta còn gì là nét riêng của dân tộc này với dân tộc khác, đất nước này với đất nước khác, của khu vực này đến khu vực khác, của Châu này đến Châu khác. Đó chính là hòa nhập không phải xóa nhòa, hội tụ không phải hòa tan. Đó chính là hội tụ và lan tỏa ảnh hưởng của mình chứ không phải là hòa tan mình. Và không phải là vì hội tụ, hội nhập mà bao nhiêu cái xấu xa của các nước khác như người ta dùng súng bắn nhau, mình cũng dùng súng bắn nhau, ma túy, mại dâm… ra đường cũng chỉ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, rất ít những lời cảm ơn và xin lỗi. Vậy thì văn hóa ở đâu.

Vậy theo ông, những nhận thức về văn hóa, dẫn đến hành xử văn hóa thiếu chuẩn mực nguyên do vì đâu?

Đương nhiên nhìn một cách thấu đáo chúng ta thấy rằng đời sống của người dân Việt ngày càng được tăng lên không còn cảnh ăn no mặc ấm như xưa mà nhu cầu bây giờ là “ăn ngon mặc đẹp”, luôn cập nhật những xu thế của thế giới. Nhưng điều này đã kéo theo một lỗ hổng trong việc giáo dục về nhân cách sống, văn hóa sống và cách hành xử chuẩn mực của người Việt Nam trong xu thế hội nhập đó. Một điều nữa là gần đây có cái thiệt thòi bởi vì cha mẹ, phụ huynh, người lớn, mải mê với miếng cơm manh áo, bon chen với sự kiếm tiền mà sao nhãng cái giáo dục trẻ em từ thuở còn trong nôi, từ những lời ru. Rồi lớn lên trong môi trường gia đình, nhà trường, xã hội. Đây là ba cái môi trường có sự kết nối liên tục, tạo nên giá trị văn hóa. Cái giá trị văn hóa trong gia đình đó là sự yêu thương và vâng lời ông bà, cha mẹ; đến thầy cô cũng tương tự như vậy. Ra đường người lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng chứ không phải tấm gương mờ, tấm gương đục như thế này. Cộng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, Internet, truyền thông đập vào các em hàng ngày làm cho các em, các cháu bị mê mải, thậm chí là “lên đồng” với những bộ phim bạo lực, phim tình ái… rồi văn hóa phản cảm. Đã thế các môi trường như gia đình, nhà trường, xã hội không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời làm cho các em bị lệch chuẩn.

 Được biết trước những hành xử thiếu văn hoá, phản cảm của người chụp ảnh bên hoa sen của Hồ Tây, Hà Nội; mới đây UBND phường Nhật Tân đã ra quy định về việc chụp ảnh tại khu vực này. Nhưng đấy chỉ là cấp phường, dư luận cho rằng cần có cơ quan hữu quan có một văn bản pháp lý chính thức để ngăn chặn những hành xử thiếu văn hóa, không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Chúng ta đã từng có quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, quy định của Chính phủ về việc nghệ thuật biểu diễn, về việc phải thể hiện phong cách như thế nào không phản cảm. Cũng như đi thi hoa hậu, không phải cứ cởi hết ra mà nó phải có cái chừng mực. Tất nhiên là làn ranh, ranh giới của nó rất mỏng manh. Nhưng thế nào là cái đẹp, thế nào là cái phản cảm, cái không đẹp nữa là phản cảm, thì chúng ta đã có rồi, nhưng việc thực thi thì thật sự kém. Tôi đã biết là, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khi tôi còn làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thì cũng đã xin ý kiến của tôi về việc phải ra thông tư về việc ăn mặc, biểu diễn, đi lại thế nào không phản cảm, để không mất đi cái giá trị nhân văn của con người Việt Nam, và cái giá trị văn hóa con người.

Trước hiện tượng này, ông có ý kiến gì với giới trẻ hiện nay về văn hóa trước công chúng, ở cộng đồng?

Cái đẹp không phải là khoe ra ở bất kì đâu, cái đẹp phải đúng lúc, đúng chỗ, và không phải là cứ đưa ra cộng đồng là cộng đồng chấp nhận được. Vì thực tế, chúng ta thấy  được là diễn viên, ca sĩ muốn thể hiện mình, muốn trở thành sao đã thể hiện một cách lố bịch, ăn mặc rất hở hang thậm chí không mặc gì vẫn cho đấy là đẹp. Nhận được sự đánh giá, bình giá, của dư luận xã hội hết sức ngượng ngạo.nên khi đã có văn bản hướng dẫn, văn bản quy phạm pháp luật thì phải thực hiện cho đúng. Còn nếu phát sinh vấn đề mới như là chụp ảnh bên đầm sen, chụp ảnh bên bảo tàng, chụp ảnh bên tượng Phật, hay bên cạnh tượng của các danh nhân văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, mình có được thể hiện phản cảm như thế không. Như đài tưởng niệm liệt sĩ anh có thể nude một cách vô văn hóa, vô giáo dục như thế không. Bao nhiêu người hy sinh thầm lặng cho bao nhiêu cuộc chiến. Đó chính là tầng bậc văn hóa, giá trị văn hóa, sự hiểu biết và thẩm thấu văn hóa của từng cá nhân. Hình như ở đâu đó, họ đang đánh mất đi, bị mai một đi.

Theo KDPT