web analytics

Lô gạo thơm đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu theo EVFTA 22/09/2020

(KDTT) – Ngày 22/9, tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời chính thức tổ chức lễ xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Buổi lễ công bố được diễn ra tại nhà máy lương thực Thoại Sơn (ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn). Lô hàng là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 sẽ “lên đường” sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.

Ảnh minh họa.

Các giống thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43%-46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3,0 triệu tấn

Để vào được thị trường EU, Tập đoàn Lộc Trời đã mất nhiều năm xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Mặc dù là đơn vị đầu tiên nằm trong danh sách doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo thơm sang EU theo EVFTA, nhưng thực tế từ trước đó, Tập đoàn Lộc Trời chiếm 17% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU (nhưng chưa được hưởng thuế 0% theo EVFTA-PV), riêng gạo Jasmine chiếm hơn 50%.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, khi EVFTA được thực thi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm, trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Đây là cơ hội rất lớn để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường về giá và chất lượng.

Theo thống kê, hằng năm, Việt Nam xuất khẩu từ 6,4-7,0 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỷ USD. Tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU là 50.000 tấn gạo, đạt 28,5 triệu Euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; so với các nước ASEAN khác xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.

Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng bởi gạo Việt Nam đã chuyển sang chế biến sâu, chú trọng các khâu an toàn thực phẩm, thực hiện đúng cam kết về truy xuất nguồn gốc, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác quốc tế, các nước thành viên EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đặc biết là các mặt hàng nông sản như thủy sản, trái cây, cà phê và gạo.

LÂM KHANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT