web analytics

5K + vắc-xin + khoa học – công nghệ: Thế kiềng ba chân phòng, chống Covid-19 12/07/2021

(KDTT) – Đã có hai ngày Việt Nam ghi nhận tổng số ca mắc mới Covid-19 vượt mốc 1.000 ca. Điều đó cho thấy tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức khó lường, không cho phép chúng ta chủ quan. Thực tiễn đã đặt ra cho các cấp, các ngành và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, xây dựng các chiến lược phòng, chống dịch trong điều kiện mới một cách hiệu quả.

30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca được Chính phủ mua lại từ Công ty VNVC theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Ảnh: Trà Phương.

Phòng ngự chặt, phản công nhanh

Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ đề nghị cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả, sức mạnh tổng lực là những “từ khóa” được chính phủ đưa ra. Từ đợt bùng phát dịch đầu tiên đến nay, chúng ta đã thực hiện quyết liệt và hiệu quả, huy động sức người, sức của một cách tối đa từ doanh nghiệp và người dân. Những nỗ lực đó đã giúp chúng ta đứng vững, không bị “vỡ trận” trước đa dạng các biến chủng và điều kiện khó khăn của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, với biến chủng mới có sức lây lan mạnh hơn, đã khiến tình hình dịch bệnh hết sức khó lường. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách gây ra nhiều khó khăn về kinh tế cũng như đời sống xã hội của nhân dân. Do đó, Chính phủ đã kêu gọi người dân “hết sức thông cảm nếu phải phong tỏa diện rộng”.

Rõ ràng, phong tỏa, giãn cách… đã phát huy tác dụng trong thời gian qua khi góp phần hạn chế nguồn lây, kiểm soát tình hình, truy vết… Nhưng nếu áp dụng mãi phương thức này sẽ khiến nền kinh tế chịu tổn thất nặng nề, tinh thần và sức lực của đội ngũ chống dịch và người dân cũng hao mòn. Vì vậy, cần thiết phải có một chiến lược mới trong công tác phòng, chống dịch để đảm bảo hiệu quả mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Có lẽ, sớm nhận thấy điều này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin phòng Covid-19.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện  mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân. Tiếp đó, một tháng sau Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP về mua vắc xin phòng Covid-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam (VNVC). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, trước những diễn biến mới của dịch bệnh, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược “5K + vắc-xin”.

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vắc xin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc-xin trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.

Trong khi đó, thông điệp 5K vẫn được tuyên truyền và thực hiện hiệu quả. 5K bao gồm: khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khẩu trang và khai báo y tế. Thông điệp này đã phát huy tính hiệu quả khi đến nay người dân đã hình thành được “phản xạ” trong phòng, chống dịch. Trong thời gian tiếp theo, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác 5K, bên cạnh đó vắc-xin là một “vũ khí mới” được trông đợi sẽ góp phần “bẽ gãy” sức tấn công của đại dịch.

Hiện tại, Việt Nam đã tiêm được khoảng 3,8 triệu liều vắc-xin trong tổng số 4,9 triệu liều đã nhận được, trong đó số người đã tiêm 1 mũi là khoảng 3,5% dân số và tiêm 2 mũi là 0,2% dân số. Như vậy, so với tỷ lệ tiêm bình quân của thế giới là 12,63% dân số tiêm 1 mũi và 11,04% dân số tiêm 2 mũi thì tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam thuộc nhóm rất thấp và thấp nhất ASEAN (Bảng 2). So với yêu cầu 70% dân số được tiêm 2 mũi năm 2021 thì tỷ lệ hiện nay của Việt Nam 0,2% là quá thấp. Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác đàm phán, mua vắc-xin từ các đối tác nước ngoài. Đồng thời, cần đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Điểm sáng là vắc-xin phòng Covid-19 Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vắc-xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021. Tính đến ngày 2/7, hơn 900 tình nguyện viên đầu tiên (trên tổng số 12.000 người tham gia đợt 2 của giai đoạn 3) được tiêm thử nghiệm vắc-xin “sản xuất tại Việt Nam”. Như vậy, việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin trong nước đã có những kết quả bước đầu khả quan, mang lại hi vọng về vắc-xin made in VietNam để có thể chủ động nguồn cung, hạ thấp giá thành…

Như vậy, với chủ trương lấy vắc-xin làm “vũ khí” chính trong cuộc chiến chống Covid-19, chiến lược đã thay đổi từ phòng ngự – phong tỏa, truy vết sang tấn công – tiêm vắc-xin. Tấn công là đẩy mạnh tiêm chủng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Muốn vậy phải có vắc-xin và phải có đủ số lượng cần thiết. Do đó, một chiến lược vắc-xin là không thể thiếu. Chiến lược này đã được hình thành trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Từ chiến lược này đã ra đời Qũy vắc-xin, tính đến nay đã nhận được trên 8.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp. Vấn đề tài chính về cơ bản đã nhận được sự đồng lòng của cả nước. Về nguồn cung, chúng ta đã đa dạng hóa các nguồn vắc-xin. Từ nguồn ngoại giao như Nhật, Mỹ, Trung Quốc… đến đàm phán mua bằng tiền tươi thóc thật và cả chủ động sản xuất.

Thế kiềng ba chân

Bluezone được coi là “ứng dụng quốc dân” khi xuất hiện trên hàng triệu chiếc smartphone ở Việt Nam.

Chiến lược đã rõ, bước đi đã vững. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới một yếu tố quan trọng góp phần vào công tác phòng, chống dịch hiện nay, đó là khoa học-công nghệ.

Còn nhớ, hồi tháng Sáu, khi dịch lên cao trào tại Bắc Giang với hàng nghìn ca nhiễm, nỗi lo về một mùa vải thiều buồn đã dấy lên. Nhưng rất nhanh chóng, quả vải thiều không những trở thành cứu cánh cho kinh tế tỉnh này mà còn là biểu tượng về cách thức linh hoạt, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện đại dịch hoành hành. 6 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” của Bộ Công Thương do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì. Viettel Post tổ chức kết nối hệ thống xe tải đa điểm và liên tục từ Bắc Giang tới tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Đặc biệt, gian hàng vải thiều của doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng đã được triển khai trên sàn thương mại điện tử Alibaba, tạo ra một kênh xuất khẩu mới qua hình thức B2B sang thị trường Trung Quốc.

Câu chuyện quả vải thiều Bắc Giang “lên sàn” hay ứng dụng các công nghệ, kĩ thuật nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh bùng phát đã minh chứng hiệu quả cho việc khoa học công nghệ sẵn sàng, đủ lực để tiếp ứng với công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nói cách khác, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân. Tuy nhiên, đây cũng không phải là bài toán đơn giản, cần sự chung tay của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để trong tương lai, với sự hỗ trợ của công nghệ, người tiêu dùng ở đâu cũng có thể mua bất kỳ đặc sản nào của Việt Nam qua sàn thương mại điện tử.

Không chỉ là câu chuyện từ quả vải, khoa học-công nghệ đã và đang tiếp sức cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Công nghệ -đặc biệt là công nghệ thông tin, chính là một trong ba mũi nhọn của chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong giai đoạn mới. Thời gian qua, đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển, đóng vai trò là “trợ thủ” đắc lực, giúp nhà quản lý và người dân chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tại các tuyến biên giới, việc ứng dụng AI Camera vào việc xác định các đối tượng nhập cảnh trái phép được xem là giải pháp hữu hiệu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) Bùi Thế Duy đánh giá, AI giúp giảm gánh nặng công việc cho đội ngũ y tế, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh từ xa… Công nghệ chuyển hình ảnh thành chữ viết với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ, đưa lên hệ thống đang phát huy sức mạnh trong việc phòng, chống dịch hiệu quả. Tại các khu cách ly, bệnh viện, AI đã hiện hữu với người máy (robot) giúp khử khuẩn, vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, thu gom rác thải… phục vụ người bệnh và có thể hỗ trợ công tác thăm, khám bệnh nhân.

Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất người lao động trong các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp bắt buộc sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) trong thực hiện khai báo y tế; cài và bật ứng dụng khi đến những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người. Các địa điểm công cộng, cơ quan công sở thực hiện kiểm soát người ra – vào bằng công nghệ quét mã QR. Việc sử dụng Bluezone khi đến những nơi công cộng, khi tiếp xúc đông người không chỉ giúp bản thân và cộng đồng, mà còn hỗ trợ thực hiện khoanh vùng, dập dịch, truy vết bệnh nhân Covid-19 nhanh chóng, hiệu quả.

Bộ cũng đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Trung tâm sẽ là đầu mối điều phối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để phòng, chống dịch; phát triển hoặc nhận chuyển giao những giải pháp công nghệ mới trong phòng, chống dịch; quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, khai báo di chuyển nội địa, kiểm soát ra – vào các điểm kiểm dịch Covid-19…

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống và điều trị Covid-19 sẽ giúp Việt Nam sớm khống chế dịch bệnh, đồng thời phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Có thể thấy, từ chỗ bị động, phòng thủ bằng cách khoanh vùng, giãn cách diện rộng, đến nay chúng ta đã chuyển hướng sang thế trận “phòng ngự – phản công”, một mặt vẫn tiến hành truy vết, khoanh vùng nhưng ở diện hẹp, một mặt tìm cách tấn công dựa trên “vũ khí” vắc-xin và “trợ thủ” khoa học-công nghệ. Mặc dù hiện tại ở khu vực phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, nhưng với quyết tâm, chiến lược cụ thể và các “mũi tấn công” sắc bén, chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi để đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường.

THÀNH NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT