(KDTT) – Nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế… là những giải pháp trọng tâm đặt ra để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới của ngành Hải quan.
Gần 200 công chức xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số
Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Ngô Như An cho biết: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về chuyển đổi số đang được ngành Hải quan tập trung thực hiện là chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, cốt lõi là tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ và xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số.
Để xây dựng hệ thống CNTT nêu trên, Tổng cục Hải quan đã huy động nguồn lực toàn Ngành với gần 200 cán bộ, công chức là chuyên gia thuộc các lĩnh vực trong toàn Ngành để thực hiện rà soát, tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, xây dựng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và các thủ tục cần thiết khác.
Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan Ngô Như An. (Ảnh: Tạp chí Hải quan) |
Về triển khai chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành; các đơn vị có liên quan.
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý nội Ngành. Trong đó tập trung xây dựng Hệ thống CNTT quản lý nội bộ ngành Hải quan hiện đại, tự động hóa các hoạt động quản lý nội ngành, đồng bộ với việc triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, thực thi các thủ tục hành chính nội bộ (quản lý nguồn nhân lực, quản lý kết quả công việc, quản lý tài chính, tài sản điện tử…) theo phương thức quản lý văn phòng điện tử.
Phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống chính trị của Việt Nam, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và Hải quan số.
Nâng cao nhận thức, kỹ năng số
Về những giải pháp chính đẩy mạnh triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan trong thời gian tới, ông Ngô Như An cho biết có 5 giải pháp trọng tâm cần thực hiện gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hải quan cho cán bộ, công chức hải quan trong toàn Ngành, cho người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, trong đó tập trung qua Cổng thông tin điện tử của ngành Hải quan và qua Tạp chí Hải quan điện tử, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng… Đồng thời khuyến khích tăng cường tương tác giữa cán bộ Hải quan với người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội…).
Thứ hai, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng hoàn thiện pháp luật về Hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch phù hợp với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan sửa đổi, đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, biên giới thông minh và Hải quan xanh.
Thứ ba, phát triển công cụ để thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan, xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số. Đây là công cụ quan trọng giúp ngành Hải quan triển khai các nội dung chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hệ thống phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số.
Thứ tư, Tổng cục Hải quan chủ động nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý nhà nước về hải quan.
Cụ thể tập trung triển khai trong: Xây dựng Hải quan số và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp…
Thứ năm, đảm bảo nguồn lực triển khai chuyển đổi số, để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số về kỹ năng làm việc; sử dụng và quản trị hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các công nghệ số trong môi trường số…/.