Sửa đổi quy định mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải giao dịch tập trung, các doanh nghiệp được đàm phán giãn hoãn thời gian trả gốc và lãi với nhà đầu tư. Nghị định 08 của Chính phủ với các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ khi có hiệu lực đã góp phần khơi thông dòng vốn và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với kênh huy động vốn quan trọng trong trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau 1 năm ban hành Nghị định 08

Khoảng 64 doanh nghiệp phát hành trái phiếu đạt được thỏa thuận gia hạn thời gian thanh toán lãi và gốc với nhà đầu tư, tương ứng tổng giá trị hơn 111.000 tỷ đồng, nhưng không vì thế doanh nghiệp được chây ì trả nợ.

“Bản thân doanh nghiệp cần liên tục, chủ động tìm cách trả nợ trước hạn chứ không thể đến hạn lại xin giãn hoãn, đặc biệt cần có cơ chế để bù đắp cho sự chờ đợi của nhà đầu tư trái phiếu”, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, cho biết.

Các doanh nghiệp, đặc biệt ở nhóm ngân hàng và bất động sản cũng đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn, năm 2023, tổng giá trị được mua lại là 238.000 tỷ đồng. Đặc biệt từ cuối tháng 7 năm ngoái, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung được triển khai theo tinh thần công khai, minh bạch của Nghị định 65 của Chính phủ, dòng vốn đã được khơi thông.

Gần 900 mã trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã giao dịch tập trung trên sàn HNX, giá trị chuyển nhượng mỗi ngày khoảng 1.800 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần chỉ sau 5 tháng giao dịch.

Từ đó, nút thắt trong phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được tháo gỡ, khoảng 270.000 tỷ đồng đã huy động được ở nhiều lĩnh vực. Đáng nói người mua chủ yếu là những nhà đầu tư chuyên nghiệp cả trong và ngoài nước, với kỳ hạn dài.

“Trong đó có nhiều đợt phát hành cho các tổ chức nước ngoài, có nghĩa niềm tin không chỉ đến từ nhà đầu tư nội, mà nhà đầu tư ngoại cũng tin tưởng và mua trái phiếu giúp ngân hàng củng cố nguồn lực vốn, từ đó hỗ trợ cho nền kinh tế”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết, cho hay.

Bên cạnh phát hành riêng lẻ, kênh phát hành ra công chúng cũng đã chiếm tỷ lệ khoảng 10%, trong đó yếu tố xếp hạng tín nhiệm đã được doanh nghiệp chú trọng.

“Có những doanh nghiệp tự nguyện không trong diện phải xếp hạng tín nhiệm cũng xếp hạng và công bố để minh bạch thông tin”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin.

Năm 2024, giá trị đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp là hơn 300.000 tỷ đồng. Áp lực là không nhỏ, nhưng khi các nút thắt về chính sách liên tục được tháo gỡ sẽ giúp niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại, từ đó thị trường có thể phát triển lành mạnh và hiệu quả./.

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-sau-1-nam-ban-hanh-nghi-dinh-08-33212.html