Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Hướng dẫn tra cứu thông tin và giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ”, chương trình này đã thu hút được sự tham dự của hơn 170 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Theo nghiên cứu của Goldman Sachs công bố ngày 6/7, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075, Ấn Độ không chỉ vượt qua Nhật Bản và Đức mà còn cả Hoa Kỳ. Thị trường Ấn Độ mở rất nhiều tiềm năng hợp tác kinh doanh trên nhiều lĩnh vực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để phát triển các mối kinh doanh với các đối tác Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các thông tin về doanh nghiệp đối tác.

Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ.

Ông Thướng đã hướng dẫn các doanh nghiệp về việc sử dụng một số công cụ để tra cứu thông tin về đối tác Ấn Độ trên các cổng thông tin của chính phủ như Bộ Doanh nghiệp (MCA), tra cứu thông qua mã số thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và thông qua mã số xuất nhập khẩu (IEC). Đồng thời, ông Thướng đã giới thiệu sơ bộ về quy trình khiếu nại với Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ trong trường hợp xảy ra tranh chấp thương mại.

Tiếp theo, ông Đỗ Duy Khánh, Bí thư thứ Nhất đã hướng dẫn các doanh nghiệp bằng cách thao tác trực tiếp trên các Cổng thông tin điện của Ấn Độ để tìm kiếm các thông tin về doanh nghiệp và hướng dẫn gửi khiếu nại tại Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ.

Ông Khánh nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc tìm hiểu thông tin cơ bản về doanh nghiệp Ấn Độ khi kinh doanh với các đối tác này. Các thông tin bao gồm tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, website, đại diện pháp nhân, mã số doanh nghiệp, mã số thuế GST và mã xuất nhập khẩu IEC.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia đàm phán với các đối tác Ấn Độ cần hết sức cẩn thận, làm từng bước và cần thể hiện bằng văn bản hoặc Email, khi ký kết hợp đồng cần tìm hiểu kỹ từng điều khoản để tránh các trường hợp khiếu nại tranh chấp về sau.

Theo KDPT