Thành phố Olso, Nauy – một trong 10 thành phố thông minh nhất trên thế giới

Đô thị thông minh là gì?

Hiện nay, chưa có sự thống nhất trong việc đưa ra tiêu chí xác định thành phố thông minh. Đánh giá mức độ tiệm cận đến mô hình đô thị thông minh của các thành phố châu Âu, các nghiên cứu về đô thị thông minh thường đưa ra 6 nhóm trụ cột/đặc điểm chính của một đô thị thông minh, bao gồm:

Thứ nhất, quản trị thông minh. Đó là sự tham gia của chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả và tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính. Đặc điểm quản trị thông minh được đánh giá dựa trên các tiêu chí về sự tham gia của người dân trong quá trình quản lý đô thị, các dịch vụ tiện ích và hoạt động hành chính.

Một đô thị có quản trị thông minh là đô thị mà cư dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạt động quản lý nhằm giúp đô thị vận hành hiệu quả hơn. Để đạt được mục tiêu trên, công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị thông minh

Thứ hai, nền kinh tế thông minh. Đặc điểm nền kinh tế thông minh xét đến những yếu tố thể hiện tính cạnh tranh, như: Đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, năng suất và tính linh hoạt của thị trường lao động cũng như sự hội nhập trong thị trường nội địa và quốc tế.

Thứ ba, giao thông thông minh hướng đến mục tiêu xanh, sạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải. Hệ thống giao thông thông minh trong đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển thông thường mà còn cung cấp thông tin về giao thông cho người dân thông qua các ứng dụng, nâng cấp hệ thống giao thông sẵn có trở nên hiện đại và mang tính bền vững hơn, trong đó người dân có thể thay đổi dễ dàng giữa các cách di chuyển sao cho tiết kiệm thời gian và chi phí nhất. Để thực hiện được điều này, hệ thống giao thông thông minh phải cung cấp nguồn dữ liệu thông tin dựa trên thời gian thực tế của các phương tiện để người dân có thể truy cập vào hệ thống này và lựa chọn phương tiện di chuyển hiệu quả hơn. Do đó, hệ thống này mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và chính phủ.

Thứ tư, môi trường thông minh. Môi trường thông minh được đánh giá dựa trên tiêu chí điều kiện môi trường sống, diện tích mảng xanh, vấn đề ô nhiễm và tính hiệu quả của các biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm. Tương tự như các đặc điểm của đô thị thông minh, một đô thị có đặc điểm môi trường thông minh là đô thị áp dụng công nghệ cao trong quản lý môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Cũng có quan điểm cho rằng, đô thị thông minh phải sử dụng “năng lượng thông minh” (Smart Energy) bao gồm các nguồn năng lượng có thể tái sử dụng, phải áp dụng hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông trong các mạng lưới truyền tải năng lượng (Energy Grids) khi đo lường, giám sát và kiểm soát ô nhiễm. Công nghệ thông tin và truyền thông được áp dụng để tạo ra các “tòa nhà xanh”, các “quy hoạch đô thị xanh”.

Thứ năm, người dân thông minh. Đó là tiêu chí dựa vào tỷ lệ dân số có trình độ giáo dục phổ thông, kỹ năng ngoại ngữ, tham gia vào học tập trọn đời, thành thạo kỹ năng vi tính, tỷ lệ bằng sáng chế ứng dụng trên mỗi người dân. Trụ cột về người dân thông minh không chỉ đơn thuần dựa trên trình độ học thức của cư dân đô thị, mà còn đánh giá trên mức độ tương tác với cộng đồng của mỗi cá nhân và sự liên kết giữa người và người trong xã hội. Thành phố có đặc điểm người dân thông minh là đô thị mà các cá nhân ở đó có cơ hội được học tập suốt đời, chính quyền phải tìm cách làm tăng khả năng hội nhập xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, tạo cơ hội và động lực nâng cao tinh thần sáng tạo của người dân, đồng thời, người dân được bảo đảm có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu mở mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, người dân thông minh là những cá nhân có các kỹ năng về giao tiếp điện tử và có thể làm việc trong môi trường áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Thứ sáu, cuộc sống thông minh, bao gồm các điều kiện để bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân. Cuộc sống thông minh phải lành mạnh và an toàn với nhà ở chất lượng cao, người dân có vốn xã hội biểu hiện qua mức độ gắn kết xã hội cao. Ở đô thị có cuộc sống thông minh, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được quản lý một cách “thông minh”, môi trường đô thị bền vững cần được tạo ra với các kế hoạch “thông minh” cho đường sá, không gian công cộng, cơ sở vật chất. Quan trọng hơn hết, các kế hoạch phát triển và quản lý đô thị cần hướng tới một mục tiêu chung là cải tiến và đánh giá được các mặt về chất lượng sống cư dân đô thị.

Sáu trụ cột trên thường được áp dụng trong việc đánh giá một đô thị thông minh theo thông lệ quốc tế; mặt khác, chúng cũng chính là mục tiêu phát triển của đô thị. Sáu trụ cột trên thường được xây dựng dựa trên ba nền tảng quan trọng: Công nghệ, thể chế và con người. Trong đó, công nghệ bao gồm: kết cấu hạ tầng, công nghệ thông minh, công nghệ di động, công nghệ ảo, mạng kỹ thuật số; con người bao gồm: Nguồn nhân lực và vốn xã hội; thể chế bao gồm: Quản trị, chính sách và các quy định. Ba nền tảng này đóng vai trò như phương tiện, công cụ giúp đạt được sáu mục tiêu là sáu trụ cột của đô thị thông minh .

Trung tâm điều khiển và giám sát hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố Hà Nội

Hà Nội hướng tới xây dựng đô thị thông minh

Phát triển đô thị thông minh, hướng đến tăng trưởng xanh ở Việt Nam là bước đi cần thiết để bắt nhịp với xu thế chung của quốc tế. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đô thị thông minh, như Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1-8-2018, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đối với Hà Nội, đây là định hướng để Thủ đô có kế hoạch, lộ trình cụ thể phát triển đô thị thông minh. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định, đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo định hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”. Ngày 21-11-2022, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018 – 2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, như nền tảng kết cấu hạ tầng, các cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, các hệ thống thông minh trong những lĩnh vực thiết yếu: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, môi trường và an ninh, trật tự. Giai đoạn 2 (2020 – 2025), hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025), phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.

Hà Nội đang từng bước phát triển thành một siêu đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới, con người văn hóa, văn minh. Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội tập trung vào hai vấn đề lớn là phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh (chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông thông minh…) và hình thành lớp cư dân thông minh.

Làng phần mềm tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội

Những rào cản cần vượt qua

Thực tế Hà Nội đang đứng trước nhiều rào cản trong xây dựng đô thị thông minh. Dễ thấy, diện tích Thủ đô hiện nay sau khi mở rộng địa giới hành chính đã lên tới hơn 3,300 km2 cùng với đó là tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học nhanh chóng khiến Thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường…

Vì thế, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội hiện nay là làm sao bảo đảm sự phát triển bền vững, tạo ra một đô thị xanh thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và những biến đổi của môi trường, khí hậu.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông Hà Nội hiện tại giống như một mạng lưới dày ken đặc với hệ thống các phương tiện giao thông, đang dần khiến Thành phố trở nên chật chội, “khó thở” hơn. Đây thực sự đang là “điểm nghẽn” khó tháo gỡ đối với Hà Nội trước thách thức phát triển bền vững.

Theo đánh giá của chuyên gia xây dựng, hiện nay hình hài các đô thị vệ tinh vẫn không rõ ràng, không có sức hút đối với cư dân, khiến dân số nội đô vẫn phát triển một cách không kiểm soát được. Trên thực tế, phần lớn các dự án hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng các căn hộ thông minh đơn lẻ. Còn đối với một thành phố thông minh thì việc kiểm soát, vận hành và ứng dụng công nghệ phải được tiến hành trên toàn bộ không gian của khu đô thị đó.

Còn theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, sự phát triển đô thị của Thành phố trong giai đoạn vừa qua còn nhiều tồn tại. Quy mô việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn. Việc tạo lập khu vực “hành lang xanh” với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn Thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chức năng và trò của Thủ đô Hà Nội.

Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững… Những tồn tại, bất cập gây bức xúc như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, các khu đô thị phát triển “xôi đỗ”, chậm di dời các cơ sở ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành… cho thấy, việc tổ chức thực hiện theo định hướng của quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội còn nhiều bất cập.

Do vậy, vấn đề quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình để từ đó có lộ trình cụ thể, đúng hướng, nhằm tạo ra sự đồng bộ trong phát triển đô thị.

Trong bối cảnh hiện nay, để “chạy đua” với lộ trình xây dựng thành phố thông minh đã được đặt ra, theo các chuyên gia, Hà Nội cần tính đến các giải pháp như công tác quy hoạch đô thị, nhận thức xã hội, đến trình độ văn hóa, ý thức cộng đồng cũng như các nguồn lực đầu tư về công nghệ, chính quyền số…

Theo đại diện lãnh đạo Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh tại Hà Nội trước hết là phải đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch. Đô thị phải có quy hoạch thông minh, phải duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên cũng như cảnh quan đặc trưng từ điều kiện tự nhiên của đô thị. Chú trọng phát triển mới với cải tạo nâng cấp khu hiện hữu, các khu mở rộng. Gắn kết khu hiện hữu và mở rộng với nhau cả hạ tầng và cảnh quan. Các khu phát triển mới phải là khu đô thị hoàn chỉnh với trung tâm đa chức năng.

PGS. TS Phạm Thị Thanh Bình – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị thông minh hay thành phố thông minh yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và phải chia sẻ đầu tư cho nhiều lĩnh vực. Hiện, các hình thức liên kết, hợp tác giữa chính quyền đô thị và doanh nghiệp, trường đại học, viên nghiên cứu chưa được hoàn thiện, chưa có quy định rõ ràng cụ thể, do đó, chưa huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển.

Để quá trình xây dựng đô thị thông minh đạt hiệu quả, Hà Nội cần: Thứ nhất, việc xây dựng đô thị thông minh là một quá trình lâu dài, nên cần có kế hoạch, đề án dài hạn, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Thứ hai, cần tập trung phát triển yếu tố hệ thống quản trị có tính liên minh và tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội. Thứ ba, cung cấp hệ thống wifi miễn phí tại các khu vực công cộng, khu vui chơi giải trí để người dân có thể truy cập và được sử dụng các tiện ích bất kỳ lúc nào. Thứ tư, kết nối các trung tâm dữ liệu, điều hành để kịp thời tiếp nhận và xử lý phản ánh của nhân dân. Thứ năm, thay đổi thói quen, nhận thức và hành vi của người dân để người dân cùng tham gia trách nhiệm với chính quyền thành phố.

PGS. TS Phạm Thị Thanh Bình – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị thông minh hay thành phố thông minh yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và phải chia sẻ đầu tư cho nhiều lĩnh vực. Hiện, các hình thức liên kết, hợp tác giữa chính quyền đô thị và doanh nghiệp, trường đại học, viên nghiên cứu chưa được hoàn thiện, chưa có quy định rõ ràng cụ thể, do đó, chưa huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển.

Do vậy, TP. Hà Nội cần xây dựng định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn và khung pháp lý thống nhất nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các đối tác, các thành phần kinh tế trong xã hội cho phát triển đô thị thông minh, tạo ra được cơ chế để các bên có thể phối hợp được với nhau.

Còn theo TS. Phùng Chí Kiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, với những nguồn lực lớn, Hà Nội cần tập trung đầu tư hiệu quả vào quá trình hoàn thiện không ngừng hệ thống chính sách về chính quyền số, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho những hoạt động cụ thể có liên quan.

Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội gặp không ít khó khăn về nguồn lực kinh tế; cơ chế, chính sách; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thiết kế đô thị… Song, với khát vọng vươn lên, với tiềm lực, lợi thế của mình, Hà Nội sẽ biến thách thức thành cơ hội. Khi đó, Hà Nội – kinh đô ngàn năm văn hiến, sẽ là thành phố thông minh và đáng sống./.

Theo KDPT