web analytics

WWF Việt Nam cùng chung tay quản lý và khai thác cát vùng đồng bằng sông Cửu Long 06/11/2020

(KDTT) – Tình trạng khai thác cát quá mức sẽ làm trầm trọng hơn các tình trạng nguy cấp mà đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt, đặc biệt là sạt lở bờ sông. Do đó, việc quản lý kháng sản lòng sông một cách hiệu quả, bền vững cần những giải pháp căn cơ và lâu dài. Liên quan tới vấn đề này, mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã làm việc với một số địa phương khu vực ÐBSCL về dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công – tư trong khai thác cát bền vững vùng ÐBSCL”.

Khai thác cát trên sông Hậu.

Theo WWF, lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho ÐBSCL với tỷ lệ bồi tụ trung bình hằng năm từ 0,3-1,8mm. Ðây là đối trọng duy nhất chống lại sụt lún và mực nước biển dâng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014.  Theo các nhà khoa học, trầm tích lưu vực Mekong khoảng 150-170 triệu tấn/năm và ĐBSCL trung bình nhận khoảng 79 triệu tấn/năm. Trong số này khoảng 9-13 triệu tấn lắng đọng ở các vùng ngập lũ và phần còn lại góp phần mở rộng châu thổ và làm phì nhiêu các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển.

Tuy nhiên, do các đập thủy điện và khai thác cát, làm cho trầm tích giảm ngày càng giảm, trong 20 năm trầm tích giảm hơn một nửa, tác động đến nguồn nước và trầm tích ĐBSCL cũng ngày càng lớn. Hầu hết bờ biển của ĐBSCL đều bị xói lở với nhiều mức độ khác nhau. Mỗi năm sạt lở đã “ngốn” đến 500 ha đất của vùng với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến 3.040 m/năm. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu xâm nhập mặn càng làm cho ĐBSCL dễ bị tổn thương.

Việc khai thác cát không có kiểm soát, không theo quy định để phục vụ nhu cầu xây dựng làm gia tăng sụt lún và các tác động khác như: sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Cùng với đó, quy định lỏng lẻo trong khai thác đã dẫn tới tỷ lệ khai thác cao hơn khả năng tự bổ sung của sông Mekong.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trữ lượng khoáng sản cát lòng sông không ổn định theo thời gian, do tác động của dòng chảy và việc cấp phép khai thác cát của các tỉnh giáp ranh trong khu vực đã ảnh hưởng đến tính ổn định của trữ lượng. Bên cạnh đó, việc lắp đặt, quản lý thiết bị giám sát hành trình của phương tiện khai thác cát, vận chuyển cát san lấp trên sông theo Nghị định số 23/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Do chưa có quy định về tiêu chuẩn, tính năng kỹ thuật, phần mềm hệ thống giám sát, cũng như đơn vị quản lý, giám sát…

Trước thực trạng trên, WWF Việt Nam, với đối tác chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phối hợp 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện Dự án giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ĐBSCL. Mục tiêu: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng/tổng lượng trầm tích (chủ yếu là cát, sỏi) cho ĐBSCL. Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL. Tăng cường khả năng truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát, sỏi trong lĩnh vực xây dựng. Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát, sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL. Và cuối cùng là: Chung tay quản lý và khai thác cát bền vững.

Đại diện WWF Việt Nam (thứ nhất và thứ hai bên phải) làm việc tại Trà Vinh, ngày 14/10/2020

Để hoàn thành mục tiêu dự án, WWF Việt Nam thu thập thông tin từ các tỉnh ĐBSCL về: Trữ lượng tài nguyên cát của tỉnh và phương thức xác định trữ lượng. Công tác quản lý tài nguyên cát của các tỉnh, những kinh nghiệm và thách thức. Các thông tin liên quan đến Dự án. Các chính sách (của các tỉnh) liên quan đến thăm dò, khai thác, quản lý và sử dụng cát, chuỗi cung ứng cát trong tỉnh,…

Giám đốc dự án Quốc Gia của WWF Việt Nam, bà Trịnh Thị Long, cho biết: Trong quá trình xây dựng dự án này, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời và trở thành kim chỉ nam để xây dựng các nội dung, hoạt động của dự án. Một chiến dịch truyền thông về tác động của việc khai thác cát, sỏi không bền vững ở ÐBSCL cũng sẽ được WWF thực hiện nhằm thúc đẩy hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề. Việc phổ biến dữ liệu và thông tin liên quan đến tác động của việc khai thác cát sỏi thu được ở ÐBSCL sẽ làm tăng áp lực của cộng đồng đối với việc đề xuất quy định và hợp tác ở khu vực tốt hơn. Hơn nữa, dự án sẽ thúc đẩy sự tham gia và đối thoại giữa các chủ thể chính trong ngành xây dựng Việt Nam, cung cấp thông tin về các rủi ro liên quan đến khai thác cát sỏi và cơ hội tìm nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sỏi tại khu vực ÐBSCL nói chung.

Các đầu ra của dự án bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng về tổng lượng trầm tích cho ÐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về tác động của việc khai thác cát không bền vững, làm gia tăng thiên tai cho khu vực. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững ở ÐBSCL.

Ðể siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát trong khu vực, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất: Chính phủ sớm ban hành quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, về tiêu chuẩn, tính năng kỹ thuật, phần mềm hệ thống giám sát trong quản lý khai thác cát trên sông. Qua đó giúp Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý chặt chẽ khoa học, chính xác, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác trái phép. Trong đó, bắt buộc các phương tiện khai thác cát phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị giám sát sản lượng khoáng sản trong khai thác cát và quy định cơ quan chức năng quản lý về thiết bị giám sát hành trình. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát san lấp cho toàn tuyến sông lớn chảy qua nhiều tỉnh thành như: sông Hậu, sông Tiền và cấp phép khai thác theo lộ trình thích hợp. Việc này đảm bảo tính đồng đều về độ sâu 2 bên bờ, tránh tạo dòng xoáy cục bộ, ổn định đường bờ, tránh sạt lở, không làm mất cân bằng tự nhiên trong lưu vực sông…

Cát không phải nguồn tài nguyên vô hạn và không tái tạo giống như các nguồn tài nguyên khác. Vì vậy, với những chủ trương, chính sách, quản lý của các tỉnh trong khu vực và kết quả thực hiện Dự án của WWF Việt Nam (Dự án thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2023) sẽ cùng chung tay quản lý và khai thác cát bền vững cho khu vực ĐBSCL.

LÂM KHANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT