Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Những con số phần nào cho thấy, kinh tế Việt Nam mặc dù có độ mở lớn, nhưng đã kiên cường vượt sóng để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới.Năm nay, công nghiệp và xây dựng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% – mức tăng thấp nhất trong 13 năm. Dù vậy sự phục hồi tốt của các hoạt động thương mại, tiêu dùng, du lịch đã bù đắp tích cực. Khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, hơn 62% vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm

Kinh tế Việt Nam kiên cường vượt qua “cơn gió ngược”. (Ảnh minh họa)

Ông Andrea Coppola – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ, một chỉ số nói lên tiêu dùng cá nhân, ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8”.

Dù vậy, việc nhiều đối tác thương mại lớn tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới kết quả tăng trưởng cuối cùng trong năm của các quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.

Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận định: “Việc giữ mức tăng trưởng trên 5% là rất ấn tượng. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây là tín hiệu rất khả quan so với các nền kinh tế có độ mở lớn, theo hướng xuất khẩu như Thái Lan, Malaysia…”.

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) vừa công bố, dù còn nhiều khó khăn, song tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam có nhiều tín hiệu thuận lợi, ở mức khoảng 7% nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động và nhiều hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, năm 2023 là năm khó khăn chung trên toàn cầu – năm của những “làn gió ngược” toàn cầu. “Làn gió ngược” toàn cầu chủ yếu nói về lạm phát tăng cao dẫn đến đầu tư giảm và lạm phát tăng cao tiêu dùng cũng sẽ giảm dẫn tới thị trường bị thu hẹp.

“Tại Việt Nam “làn gió ngược” này còn nặng hơn là chúng ta phải đi ngược lại xu thế đó bởi Việt Nam là nước phát triển dựa vào xuất khẩu. Chúng ta xuất khẩu trong bối cảnh thế giớ thu hẹp thị trường, nên phải đi ngược với “làn gió ngược”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Trong bối cảnh, nhiều khó khăn, thách thức tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng kinh tế thì sự ổn định của kinh tế vĩ mô càng trở nên có ý nghĩa. Mặc dù bị tác động không nhỏ từ những yếu tố bên ngoài, song dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thận trọng và linh hoạt đã giúp chp kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đã và đang tiếp tục là một điểm tựa cho nền kinh tế.

Giá cả ổn định, ít biến động của nhiều hàng hóa thiết yếu là điều mà nhiều người dân cảm nhận rõ, nhất là trong dịp cuối năm này. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2023 tăng 3,25% so với năm trước – thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Kinh tế vĩ mô ổn định được giữ vững là những nền móng vững vàng cho nền kinh tế.

Không chỉ tạo nền móng vững vàng mà sự ổn định kinh tế vĩ mô còn trở thành trụ lực chính để gia tăng và củng cố sức chống chọi, chịu đựng của kinh tế Việt Nam trước những biến cố của kinh tế thế giới.

Với nhiều khó khăn, thách thức, ngoài cả dự báo và nhiều khó khăn chưa có trong tiền lệ nhưng năm 2023, kinh tế Việt Nam đã rất nỗ lực và vững vàng vượt khó, đạt những kết quả rất tích cực. Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5%, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một nhiệm vụ rất khó.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% là rất khó khăn bởi dự báo bối cảnh thế giới năm 2024 không phải thuận lợi. Hầu hết các chỉ số dự báo sang năm 2024 của các nước là đều giảm xuống… Rõ ràng Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng rất lớn khi thị trường thế giới chưa chắc được phục hồi. Tuy nhiên, mục tiêu trên ở Việt Nam vẫn có cơ hội nếu chúng ta nỗ lực để đạt được.

“Bởi nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá tốt. Như vậy, tất cả các yếu tố từ bên trong bên ngoài nếu không có biến động bất thường xu thế đi lên đó sẽ tiếp tục. Xu thế đó của năm 2024 tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, có nhiều tiền đề có thể chúng ta kỳ vọng sự biến chuyển về kinh tế thế giới năm 2024. Chẳng hạn, năm 2024 tốc độ tăng trưởng giảm xuống nhưng lạm phát dự báo sẽ nhẹ hơn và lạm phát nhẹ hơn chúng ta không quá lo trong việc gồng mình lên để chống lạm phát. Từ đó dành tâm trí, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều hơn…”, ông Hoàng Văn Cường lý giải.

Năm 2024, dự báo là một năm vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ vẫn giảm nhẹ. Mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm tới đạt từ 6 – 6,5% là một thách thức. Tuy vậy, kết quả và những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023, nhất là những tháng gần đây sẽ tạo đà cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của năm tới.

Thêm vào đó là kinh nghiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, điều hành chúng ta có niềm tin rằng nền kinh tế của đất nước sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn trước mắt để bứt phá và hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch. Đây cũng là năm đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải dồn lực, tăng tốc để về đích. Bởi 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, năm có ý nghĩa quyết định đến thành công của cả nhiệm kỳ./.

HƯƠNG LAN

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/viet-nam-la-diem-sang-trong-boi-canh-kinh-te-toan-cau-sut-giam-33182.html