Đánh giá của Savills Prospects được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang vấp phải nhiều khó khăn, thậm chí nhiều chuyên gia bất động sản còn bày tỏ quan điểm kém lạc quan về sự hồi phục của thị trường bất động sản trong nước trong năm 2023.
Theo quan điểm của các chuyên gia Savills, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang dần được cải thiện, đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn hơn. Đây là “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Savills lấy ví dụ doanh nghiệp CapitaLand của Singapore đã công bố kế hoạch phát triển dự án phức hợp quy mô 8 ha gồm 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp tại TP.HCM trong năm 2022. Giá trị đầu tư của dự án này lên đến 1 tỷ USD.
Xét về thị trường cho thuê thương mại tại Việt Nam, Savills cho biết, trong quý 3/2022, mặt bằng giá cho thuê văn phòng và mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội ghi nhận đang trong xu hướng tăng.
Đối với loại hình văn phòng cho thuê, giá cho thuê trong quý 3 đạt trung bình 728.000 đồng/m2/tháng, tăng 1% so với quý trước đó, đi kèm tỷ lệ hấp thụ dao động từ 92% – 97% tùy từng phân khúc.
“Mặc dù doanh nghiệp thắt chặt chi phí văn phòng do ảnh hưởng kinh tế vĩ mô nhưng nguồn cầu văn phòng phân khúc 25 – 30 USD/m2/tháng chưa bao gồm chi phí dịch vụ sẽ tăng mạnh”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội nói.
Đối với loại hình mặt bằng thương mại cho thuê, sau khi các chính sách hỗ trợ mùa dịch bắt đầu từ quý 3/2021 hết hiệu lực, giá thuê cũng đã ghi nhận tăng thêm 1% theo quý và tăng 6% theo năm. Công suất cho thuê ghi nhận đạt bình quân 92%.
Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu bán lẻ tại thị trường này ghi nhận tăng 21% trong 9 tháng đầu năm 2022 và tăng 26% theo năm. Khách thuê nước ngoài tiếp tục mở rộng do thị trường tiêu dùng trong nước nói riêng, tình hình kinh tế nói riêng, tăng trưởng ổn định.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, các thương hiệu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 44% diện tích bán lẻ được lấp đầy, tập trung vào ngành ăn uống, kinh doanh đồ gia dụng.
Cũng trong quý 3/2022, các thương hiệu siêu thị tên tuổi tiếp tục quan tâm đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Đơn cử như Central Group sẽ đầu tư 828 tỷ USD, Thiso Retail đặt mục tiêu mở 20 siêu thị, AEON Mall dự kiến mở 10 siêu thị trong giai đoạn 2022 – 2027. WinMart cũng có kế hoạch mở 1.100 cửa hàng đến hết năm 2022.
Bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết thêm, Việt Nam cũng được xem là thị trường trọng yếu trong việc mở rộng quy mô cửa hàng trong năm 2023 của các thương hiệu chuyên về thời trang, mỹ phẩm, đồ thể thao đến từ Singapore, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Còn đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này và lĩnh vực logistics với mục tiêu đa dạng hóa trong chiến lược “Trung Quốc +1”.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà ổn định và tăng trưởng mạnh khi ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư FDI. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang có hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện và lành mạnh hóa thị trường bất động sản Việt Nam. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng được đẩy mạnh phát triển để nâng cao tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực.
“Điều này là dấu hiệu tốt, tạo tiền đề cho việc thanh khoản và các hoạt động đầu tư trong tương lai”, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nói.
Bên cạnh Việt Nam, 2 quốc gia được Savills Prospects đánh giá là điểm sáng đầu tư bất động sản trong thời là Singapore và Nhật Bản.