Bước phát triển lĩnh vực công nghệ số trong những năm gần đây

Doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam trong 4 năm qua đã có những bước phát triển và trưởng thành đáng khích lệ. Khi có hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực và hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực này thì nước ta hoàn toàn có thể sáng tạo ra những ứng dụng chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Nhìn lại chặng đường 4 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng ‘Make in Vietnam’ của các sản phẩm công nghệ tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43% với hơn 1.400 doanh nghiệp, doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.

Ứng dụng công nghệ số - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Bộ TT&TT)

Những sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” được xem là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

“Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Vì chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành và vì vậy sự phát triển chuyển đổi số ở Việt Nam rất chậm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V.

Cơ hội phát triển công nghệ số của doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn nhân lực về công nghệ của Việt Nam được đào tạo bài bản, hàng năm có gần 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, cung cấp một nguồn tài năng công nghệ cao, chi phí thấp tham gia vào thị trường lao động.

Nền kinh tế những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng cao với thị trường nội địa lớn và đa dạng, số lượng người tiêu dùng sử dụng công nghệ số ngày càng tăng và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

Ứng dụng công nghệ số - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Doanh nghiệp cần song hành cùng công nghệ trong chặng đường cách mạng công nghệ 4.0. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Việt Nam có trên 64.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số. Trong đó có các doanh nghiệp có chiến lược phát triển phù hợp với cách mạng công nghệ 4.0 như VNPT với Chiến lược VNPT 4.0, Viettel có chiến lược dẫn dắt và lan tỏa về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất… Các doanh nghiệp này có khả năng phát triển sản phẩm nhanh, đã phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch COVID-19, giúp giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh, giảm áp lực doanh thu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể khai thác được hết tiềm năng của thị trường nội địa và duy trì sự bền vững cần sự sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm mới để thuận tiện và an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Các hoạt động chuyển giao công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tham gia vào sự phát triển chung của toàn cầu. Mặc khác, đầu tư vào ngành công nghệ của các nhà đầu tư trong nước ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực màu mỡ này.

Cổ phần của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng được các công ty công nghệ nước ngoài quan tâm. Bên cạnh đó, đầu tư trong hoạt động khởi nghiệp bằng kinh doanh công nghệ số đã thu hút nguồn đầu tư đa dạng từ các nhà đầu tư trong nước thông qua các chương trình khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, có một yếu tố thúc đẩy sự phát triển công nghệ số của Việt Nam đó là dân số trẻ, nhạy bén với cái mới, số người dùng thiết bị thông minh chiếm tỷ lệ cao. Theo UNFPA, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và sẽ kết thúc vào năm 2040. Số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây chính là tiềm năng cho phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có ngành công nghiệp công nghệ số.

Những thách thức cho các doanh nghiệp số

Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ trong khu vực ASEAN là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Các nước ASEAN cũng có thế mạnh về nhân công giá rẻ, ngoài ra còn được sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển doanh nghiệp công nghệ như Trung Quốc hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp phát triển các công nghệ lõi nhằm giảm sự phụ thuộc nước ngoài. Bên cạnh đó, các nước khu vực còn bảo vệ thị trường trong nước bằng sự bảo hộ quốc gia.

Để có thể đối mặt với cạnh tranh và nghiên cứu phương hướng phát triển, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần chủ động giải quyết các vấn đề đang tồn tại như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, năng lực sáng tạo, năng lực thiết kế công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực AI… tiếp tục nghiên cứu – phát triển công nghệ số mới. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam do việc chuyển đổi số chỉ vừa mới được thực hiện trong những năm gần đây.

Vì vậy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có đủ nội lực cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực. Nhà nước cần tham mưu xây dựng các chính sách, hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhanh chóng cập nhật xu hướng thế giới, vươn tầm phát triển./.