web analytics

Trung Quốc kìm hãm “đế chế” Alibaba bằng cuộc điều tra chống độc quyền 24/12/2020

(KDTT) – Trung Quốc đã khởi động cuộc điều tra về các hoạt động chống độc quyền, yêu cầu Tập đoàn Alibaba và công ty liên kết Ant Group đến một cuộc họp cấp cao về các quy định tài chính, đồng thời tăng cường giám sát đối với hai “ông lớn” trong đế chế internet của tỷ phú Jack Ma.

Theo Bloomberg, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đang điều tra Tập đoàn Alibaba. Cụ thể, các cơ quan quản lý bao gồm ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát ngân hàng sẽ triệu tập riêng công ty liên kết Ant Group đến một cuộc họp với mục đích đưa ra các quy định tài chính nghiêm ngặt. Ant cho biết trong một tuyên bố trên tài khoản WeChat chính thức, rằng họ sẽ xem xét và tuân thủ tất cả các yêu cầu.

Hệ sinh thái internet của Trung Quốc từ lâu đã được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của Google và Facebook bằng cách chi phối các “gã khổng lồ” công nghệ là Alibaba và Tencent. Các công ty này từng được coi là động lực đứng sau sự thịnh vượng kinh tế, biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của đất nước hơn 1 tỷ dân. Nhưng giờ, họ bị đưa vào tầm ngắm của Bắc Kinh và phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, sau khi thu hút hàng trăm triệu người dùng và thống lĩnh hầu hết lĩnh vực của đời sống người tiêu dùng.

Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đang điều tra Tập đoàn Alibaba, cụ thể sẽ triệu tập riêng công ty liên kết Ant Group đến một cuộc họp với mục đích đưa ra các quy định tài chính nghiêm ngặt. (Ảnh: Reuters).

Cổ phiếu Hồng Kông của Alibaba đã giảm xuống mức đáy còn 7,7% trong 5 tháng, trong khi Tencent và “gã khổng lồ” dịch vụ internet Meituan giảm hơn 1%. Cổ phiếu của SoftBank Group Corp – cổ đông lớn nhất của Alibaba, đã giao dịch ở mức thấp hơn 2,7% tại Tokyo.

Các nhà đầu tư đang hoang mang và đắn đo khi chính quyền Trung Quốc tỏ ra quyết tâm “chặn đứng” Alibaba – tập đoàn lớn nhất châu Á sau Tencent, và những công ty công nghệ khác bằng việc chuẩn bị ban hành một loạt các quy định chống độc quyền mới.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc không chia sẻ gì về việc họ có kế hoạch kìm hãm như thế nào hoặc tại sao họ quyết định hành động ngay lúc này.

Dong Ximiao – một nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Internet Zhongguancun cho biết: “Đó rõ ràng là sự tăng tốc trong việc kìm hãm đế chế của Jack Ma – một biểu tượng cho những thực thể “quá lớn để thất bại”. Chính quyền Trung Quốc muốn thấy một công ty nhỏ hơn, ít chi phối hơn và tuân thủ phép tắc nhiều hơn”.

Jack Ma vẫn “im hơi lặng tiếng” kể từ khi thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) của Ant Group thất bại.

Trong bài phát biểu kéo dài 20 phút, tại hội nghị ở Thượng Hải hồi tháng 10 của tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba chỉ trích các quy định lạc hậu sẽ bóp nghẹt sự đổi mới của ngành công nghiệp tài chính. Ngay sau đó, các quan chức Bắc Kinh đột ngột yêu cầu hoãn đợt IPO của Ant Group cùng với những quy tắc chống độc quyền mới. Giá trị vốn hóa của Alibaba bốc hơi 140 tỷ USD, tương đương 17%.

Như vậy, Jack Ma đã gián tiếp đẩy thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD Ant Group vào bế tắc. Đợt IPO có thể nâng định giá của Ant lên 300 tỷ USD và giúp tài sản của ông Ma đạt 61 tỷ USD.

Tencent, Alibaba và Ant Group đã đầu tư vào một loạt các công ty khởi nghiệp Trung Quốc trải dài các lĩnh vực từ truyền thông xã hội đến thương mại trực tuyến. Biểu đồ xếp hạng theo định giá, tính bằng tỷ. (Ảnh: Finance yahoo).

Đến tháng 11, cơ hội để Ant có thể hồi sinh danh sách cổ phiếu khổng lồ của mình vào năm tới đang ngày càng mong manh khi Trung Quốc “đại tu” các quy định quản lý ngành công nghiệp fintech, trong những năm qua đã bùng nổ như một giải pháp thay thế cho hoạt động cho vay truyền thống được nhà nước hậu thuẫn.

Trung Quốc đã thành lập riêng một lực lượng chuyên biệt để giám sát Ant Group, do Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính, một cơ quan quản lý hệ thống tài chính, dẫn đầu cùng với các bộ phận khác nhau của ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý khác. Nhóm này thường xuyên liên hệ với Ant để thu thập dữ liệu và các tài liệu khác, nghiên cứu sự tái cấu trúc của nó cũng như soạn thảo các quy tắc khác cho ngành công nghiệp fintech.

Theo đó, Ant phải xem xét lại hoạt động kinh doanh, tuân thủ quy tắc mới và tăng cường giám sát. Trong quá trình này, gã khổng lồ fintech cần bổ sung hàng tỷ USD vốn. Ngoài ra, Ant có thể bị tước một trong hai giấy phép cho phép hoạt động các nền tảng tín dụng vi mô (microlending) là Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend).

Các cuộc điều tra về hoạt động độc quyền hiện tại là lời nhắc nhở của chính quyền với Jack Ma. Ông Andrew Polk – đồng sáng lập kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế tại Trivium China (Bắc Kinh), nhận xét: “Các vị có thể giàu có. Các vị có thể có một công ty khổng lồ. Nhưng các vị phải chơi theo luật của chúng tôi”.

Mark Tanner – Giám đốc điều hành của công ty tư vấn China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Trung Quốc đã sắp xếp hợp lý rất nhiều bộ máy hành chính, vì vậy các cơ quan quản lý khác nhau làm việc với nhau sẽ dễ dàng hơn. Trong tất cả các rào cản về quy định, có lẽ đây là rào cản lớn và khắc nghiệt nhất dành cho tỷ phú Jack Ma”.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT