Ngày 7/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng

Tại cuộc họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho ý kiến về Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo TTXVN, sau khi nghe Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, báo cáo nội dung Đề án, Bộ Chính trị đã thảo luận, thống nhất đánh giá, trong những năm đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, nhận thức chung trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn.

Bộ Chính trị đánh giá, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học; là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đội ngũ này trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nhân – nông dân – trí thức.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chưa hoàn thiện, đồng bộ.

Nghị quyết chậm được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách; thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành; đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; chưa có nhiều cơ sở khoa học, giáo dục, văn hóa, kinh tế mạnh.

Cơ cấu của đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành nghề, khu vực, độ tuổi; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới; chưa nhiều các công trình sáng tạo lớn.

Bộ Chính trị khẳng định, trí thức Việt Nam là bộ phận nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động sáng tạo có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia, cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững; làm cơ sở nâng cao chất lượng liên minh công – nông – trí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội… là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Xác định việc tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội; tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, chính là tạo môi trường, điều kiện và động lực căn bản để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức.

Bộ Chính trị giao cho Ban Chỉ đạo Đề án tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên cứu công nghệ cao Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tại lễ kỉ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (24/3/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể để thúc đẩy, giải phóng năng lượng nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi của đội ngũ nhà khoa học, trí thức nước nhà.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Nối tiếp truyền thống của dân tộc, vận dụng những quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và phát triển trí thức. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức.”

Theo Tổng Bí thư, tình hình thế giới và trong nước những năm tới tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia. Tình hình đó đòi hỏi các tổ chức Khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức Khoa học Công nghệ Việt Nam, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn, có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm hỏi, động viên đội ngũ trí thức, nhà khoa học tại buổi Lễ kỉ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (24/3/2023).

Vai trò, thành tựu đội ngũ trí thức mang lại là vấn đề đã được khẳng định. Tuy nhiên, như các chuyên gia nhận định, hiện nay chúng ta đang thiếu thước đo để đánh giá trí thức thông qua kết quả tạo ra những sản phẩm có giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.

Thiếu thước đo quan trọng này gây ra những khó khăn trong việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.

Ngoài ra, việc sử dụng bằng cấp để xác định đội ngũ trí thức là đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế, có những người, do những điều kiện khác nhau, không có bằng cấp cao, nhưng lao động của họ là lao động trí óc, sáng tạo, chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội.

Nhiều nhà trí thức, khoa học đề xuất, trong thời gian tới, trong triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 cần xác định rõ nội hàm khái niệm “trí thức” trong tình hình mới; xây dựng các tiêu chí phân loại “trí thức” theo ngành, lĩnh vực để có các chính sách phù hợp.

Việc định vị vị trí, sứ mệnh của trí thức phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đẩy mạnh thu hút các chuyên gia đầu ngành tham gia các dự án, các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức.

Theo PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, chất xám đối với sự phát triển của đất nước là vô cùng quan trọng, vì sự đóng góp của khoa học công nghệ là “quốc sách” hàng đầu.

Rất cần có thêm các chính sách, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ trí thức, bảo đảm để trí thức được hưởng thỏa đáng lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo.

Nếu tận dụng được hết trí tuệ trong đội ngũ trí thức sẽ góp phần cho tăng trưởng bền vững, vì phát triển kinh tế – xã hội dựa vào nền tảng chất xám khoa học.

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội – PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, để phát huy hết khả năng và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, rất cần sự tôn trọng người tài, có cơ chế thu hút và sử dụng đúng năng lực của họ, để họ hăng hái trong lao động sáng tạo. Cơ chế đầu tiên là thu hút các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, sau đó là sử dụng và phát huy trí tuệ của họ, tạo thành sức mạnh nội lực. Nội lực phát triển, nội sinh đi lên sẽ là điều kiện góp phần giúp chúng ta nâng cao vị thế trong quá trình hội nhập, cạnh tranh bình đẳng, và “thắng trên sân chơi hội nhập bằng nội lực của mình”. Do đó, chúng ta buộc phải quan tâm, đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức chính là đầu tàu.

Có thể nói, hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và trách nhiệm góp phần vào sự nghiệp khó khăn nhưng vô cùng vẻ vang ấy. Tuy nhiên, để từng bước tiến hành có kết quả và đến đích thành công trong cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo thì đội ngũ trí thức giữ vai trò và trọng trách nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Đội ngũ trí thức ở nước ta hiện nay với tư cách là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt và mang trên vai sứ mệnh cao cả, cần phát huy tốt hơn nữa khả năng của mình để xứng đáng với truyền thống vẻ vang, góp phần nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.