Thực tế, ngay từ đầu năm Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã xác định năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới, xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm.
Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương thành phố đã phối hợp tổ chức các hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu, kết nối các doanh nghiệp với ngân hàng, chương trình phát triển doanh nghiệp và sản phẩm các ngành chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp về lao động, hỗ trợ các hoạt động kích cầu tiêu dùng…
Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng không chịu ngồi im mà chủ động thích ứng linh hoạt. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, trong bối cảnh còn nhiều bất lợi thì bản thân các doanh nghiệp càng phải chủ động để “xoay sở.” Theo đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không bán sản phẩm thô mà đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến có thương hiệu riêng của mình nhằm gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam và đa dạng hoá lựa chọn cho người tiêu dùng.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các biến động bất lợi thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc Công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh để thích ứng, thay vì xây dựng kế hoạch dài hạn từ 1-2 năm thì cần linh hoạt chuyển sang kế hoạch ngắn hạn 3-6 tháng, thậm chí điều chỉnh cho từng tháng.
Bởi kế hoạch dài hạn đòi đỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự đông để điều tiết, đầu tư vốn lớn cho tích trữ nguyên liệu nhưng trong bối cảnh không đoán định được thị trường thì việc đầu tư đó sẽ đi cùng rủi ro, đặc biệt là rủi ro về mất cân đối tài chính đối với những doanh nghiệp vay ngân hàng lãi suất cao.
Với quan điểm “trong nguy có cơ” từ khi các thị trường xuất khẩu truyền thống chững lại, doanh nghiệp không ngồi im chờ mà chủ động tìm kiếm các thị trường mới, trong đó tập trung vào thị trường châu Âu và Nga. Nhờ đó, từ việc chỉ xuất khẩu cà phê chế biến, hiện nay đơn vị đang được khách hàng đề xuất cung cấp thêm các loại nông sản khác của Việt Nam như gạo, bưởi… Năm 2023 công ty sẽ tập trung khai thác thị trường châu Âu và liên kết với các doanh nghiệp nông sản khác để hỗ trợ, phối hợp xuất khẩu một cách hiệu quả.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dù kinh tế năm 2023 được nhận định tiếp tục bất lợi với một số ngành nhưng vẫn có cơ hội cho những ngành khác. Ví dụ như giai đoạn hiện nay, dệt may, da giày, đồ gỗ đang khan hiếm đơn hàng nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp đang tăng ca sản xuất nhờ có những thị trường truyền thống, sản phẩm có uy tín trên thị trường.
Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò là địa phương đi đầu cả nước về xuất nhập khẩu. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 cho hay, năm ngoái, địa phương này dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với 47,5 tỷ USD. Theo sau là Bắc Ninh 45 tỷ USD; Bình Dương 34,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, xuất nhập khẩu của TP.Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn và bị suy giảm. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của thành phố đã giảm 5 tỷ USD do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, tác động từ việc cắt giảm tiêu dùng trên toàn thế giới.
Nhiều doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng mới, tình trạng này được dự báo có thể kéo dài đến hết năm 2023.
Ảnh hưởng mạnh nhất là ngành da giày, may mặc, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, điện tử – linh kiện. Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh cho biết, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản nửa đầu năm đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước tới hơn 37%; sản phẩm điện tử, linh kiện và máy vi tính giảm 31%; cà phê giảm tới 30%.
Kết quả khảo sát hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong tháng 6/2023 cho thấy có đến 30-50% doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là ngành da giày, may mặc với doanh thu giảm từ 30-50%; sản xuất kinh doanh ngành gỗ giảm 31%; ngành cao su-nhựa giảm doanh thu 20%, giảm lao động 30% do đơn hàng giảm sâu. Đặc biệt, ngành thép thể hiện sự khó khăn nhất khi có tới 95% số doanh nghiệp báo lỗ, doanh thu giảm từ 40-50% và hàng tồn kho ngày càng tăng lên, sức mua nội địa giảm.