(KDTT) – Tính trong 7 tháng của năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% tương ứng tăng 57,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 30,92 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 26,53 tỷ USD).
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 7-2022 đạt 61,14 tỷ USD, giảm 6% tương ứng giảm 3,93 tỷ USD so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu là 30,61 tỷ USD, giảm 6,8% (tương ứng giảm 2,23 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 30,53 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 1,7 tỷ USD).
Tính trong 7 tháng của năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% tương ứng tăng 57,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 30,92 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 26,53 tỷ USD).
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 74 triệu USD. Tính trong 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 1,08 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng là 42,29 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng của năm 2022 lên 299,26 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 39,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này là gần 22,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng của doanh nghiệp FDI lên gần 159 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 22,23 tỷ USD) so với 7 tháng của năm 2021 và chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7-2022 là 19,89 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 7 tháng của năm 2022 đạt 140,26 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD) so với 7 tháng của năm 2021, chiếm 64,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7-2022 đạt thặng dư 2,51 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 7 tháng của năm 2022 lên mức thặng dư 18,74 tỷ USD.
Đáng chú ý, đến hết tháng 7 xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 66,99 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 30,8% kim ngạch cả nước.
So với cùng kỳ năm ngoái, thị phần xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng thêm 1,8 điểm phần trăm (cùng kỳ năm ngoái chiếm 29%).
Là thị trường lớn nhất nên dễ dàng nhận ra sự có mặt của tất cả các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 10 tỷ USD trở lên, Hoa Kỳ đều giữ vị trí là thị trường số 1.
Lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 11,35 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là: dệt may đạt 11,14 tỷ USD, tăng 21,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 8,62 tỷ USD, tăng 27,1%; điện thoại và linh kiện đạt 8,04 tỷ USD, tăng 54,6%; giày dép đạt gần 6,1 tỷ USD, tăng 28,6%.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn là thị trường lớn quan trọng hàng đầu của nhiều ngành hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta như: Gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng; đồ chơi, dụng cụ thể thao…
Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng năm 2022, Việt Nam đã chi 8,69 tỷ USD để nhập khẩu các loại hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 4% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy, trong 7 tháng của năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 58 tỷ USD sang thị trường Hoa Kỳ.
MINH THÀNH