Bài viết tập trung mô tả các lý thuyết, khái niệm, cách tiếp cận kinh tế xanh và phân tích về mặt lý thuyết sự phát triển kinh tế xanh trong chuyển đổi theo hướng bền vững. Trên cơ sở tổng quan lý luận về kinh tế xanh, nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa nội dung và cách tiếp cận như một điều kiện tiên quyết để áp dụng kinh tế xanh trong thực tiễn.

Tổng quan về kinh tế xanh: Khái niệm và cách tiếp cận thực hiện
Kinh tế xanh bao hàm rất nhiều khái niệm đa dạng và mối liên hệ với tính bền vững không phải lúc nào cũng rõ ràng. (Ảnh minh họa)

1. Giới thiệu

Hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển tổ chức tại Rio de Janeiro (1992) đã đưa ra khái niệm phát triển bền vững là “sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của chính họ”. Hai mươi năm sau, tại hội nghị Rio+20 khái niệm “kinh tế xanh” lần đầu tiên xuất hiện và nó được các tổ chức quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phổ biến, coi đó là con đường hướng tới sự bền vững. Cũng ở thời điểm này, các tiêu chí kinh tế xanh được sử dụng rộng rãi để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và biến đổi khí hậu. Sau đó kinh tế xanh được nhiều quốc gia hướng tới thực hiện, Hàn Quốc được coi là một trong những quốc gia đi đầu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh (TTX) tại Châu Á. Từ năm 2009, Hàn Quốc hàng năm đều dành khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu tư cho TTX. Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2015, đã dành phần lớn đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm của TTX là năng lượng sạch và công nghệ tái tạo. Trong khi Liên minh Châu Âu (EU), triển khai một loạt các biện pháp thực hiện các tiêu chí của kinh tế xanh và đưa nội dung phát triển xanh vào làm nội dung của các chiến lược phát triển, như: Châu Âu 2020 và Lộ trình hiệu quả tài nguyên. Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến của khái niệm kinh tế xanh trong các chương trình và thể chế chính sách quốc gia và quốc tế, thì tính hữu ích và phù hợp của kinh tế xanh như một con đường dẫn đến sự bền vững vẫn có thể bị nghi ngờ. Do đó, những vấn đề thuộc về cơ chế vận hành của khái niệm kinh tế xanh nhằm đạt được sự chuyển đổi theo hướng bền vững và khuôn khổ để thực hiện, giám sát khái niệm này hiện vẫn cần làm rõ. Do đó, việc hệ thống hóa, phân tích khái niệm kinh tế xanh từ nội hàm đến cách tiếp cận thực hiện, đang đặt ra như một nhiệm vụ có tính cấp bách và mang lại giá trị thực tiễn cao.

2. Cách tiếp cận kinh tế xanh từ khía cạnh môi trường, sinh thái và sinh học

2.1. Kinh tế môi trường

Theo các nhà kinh tế tân cổ điển, vấn đề môi trường là do việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả và đánh giá thấp nguồn vốn tự nhiên (Borel-Saladin và Turok, 2013). Giả định cơ bản là vốn nhân tạo và vốn tự nhiên có thể thay thế cho nhau (Bina và La Camera, 2011), tăng trưởng kinh tế và sử dụng bền vững tài nguyên có thể đạt được đồng thời (Porter và Van der Linde, 1995). Đề xuất rằng, quy định về môi trường có thể thúc đẩy đổi mới kinh doanh, cải thiện hiệu quả kinh doanh và do đó mang lại lợi ích không chỉ về mặt môi trường mà còn cả khía cạnh kinh tế (Ambec và cộng sự, 2013). Quan điểm này lạc quan về khả năng của con người trong việc giải quyết mọi vấn đề có thể nảy sinh do cạn kiệt tài nguyên (Brammer và Millington, 2004).

Khởi điểm kinh tế môi trường là khái niệm về tác động bên ngoài. Do đó, chiến lược mà kinh tế môi trường theo đuổi là định giá hợp lý bằng cách đưa ra đánh giá chính xác về nguồn vốn này. Để đánh giá vốn tự nhiên, các tác động bên ngoài được ước tính bằng các phương pháp khác nhau và đưa ra các đề xuất để nội hóa các tác động này (Rennings và Wiggering, 1997). Song, do tính chất của chi phí môi trường được xác định từ bên ngoài nên vì thế mà có thể có nhiều hình thức tính toán khác nhau, cũng như phụ thuộc các tiếp cận của mỗi quốc gia.

2.2. Kinh tế sinh thái

Khái niệm kinh tế sinh thái xuất hiện vào cuối những năm 1980, lấy cảm hứng từ nghiên cứu đa ngành dựa trên khoa học tự nhiên và xã hội. Theo đó, kinh tế sinh thái được định nghĩa là một hệ thống con người của tự nhiên đặt ra các giới hạn cho sự tăng trưởng vật chất trong nền kinh tế. Các hệ thống kinh tế cuối cùng bị hạn chế bởi các giới hạn sinh lý của trái đất và xã hội phải điều chỉnh hệ thống kinh tế của mình cho phù hợp để hoạt động trong một không gian vận hành an toàn (Bina và La Camera, 2011; Kennet và Heinemann, 2006). Phát triển kinh tế sinh thái dựa trên những quan điểm tổng hợp và sinh lý học về tương tác kinh tế – môi trường nhằm mục đích góp phần giải quyết các vấn đề môi trường (Ekins và cộng sự, 2003). Theo đó, các giải pháp cho phát triển kinh tế sinh thái, đặc biệt nhấn mạnh vào những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế – xã hội, hướng đến lối sống phi tập trung quy mô nhỏ hơn dựa trên khả năng tự lực cao hơn nhằm tạo ra các hệ thống kinh tế – xã hội ít tàn phá thiên nhiên hơn (Brammer và Millington, 2004). Với mục đích này, các chỉ số tự nhiên hoặc sinh thái dựa trên khái niệm phi vật chất và bảo tồn vốn tự nhiên không thể thay thế được phát triển (Ekins và cộng sự, 2003; Farley và Kelly, 2008). Như vậy, khái niệm kinh tế sinh thái dựa nhiều hơn vào đo lường vật lý và kiến thức sinh thái để đánh giá các ngưỡng tới hạn bao gồm nghiên cứu về thể chế, chế độ tài sản và cơ chế quản lý môi trường. Tuy nhiên, nỗ lực phi vật chất không phải lúc nào cũng dẫn đến việc giảm tương đối việc sử dụng tài nguyên do hiệu ứng phục hồi, tức là hiệu quả đạt được có thể làm giảm giá và có thể làm tăng mức tiêu thụ (Herring, 2006), hoặc có thể dẫn đến sự chuyển dịch khu vực của các hoạt động gây ô nhiễm. Do đó, cải tiến công nghệ là cần thiết nhưng chưa đủ để đạt được mục tiêu phi vật chất hóa, đồng thời phải tiến hành thêm các thay đổi về cơ cấu và sáng kiến chính sách đầy đủ để đảm bảo quản lý tài nguyên bền vững (Lorek và Spangenberg, 2014).

2.3. Kinh tế xanh

Kinh tế xanh được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau trong nền kinh tế, gồm có:

(i) Sản xuất sạch hơn và hiệu quả sử dụng tài nguyên

Thuật ngữ sản xuất sạch hơn được UNEP định nghĩa vào năm 1990 là “việc áp dụng liên tục chiến lược môi trường tổng hợp vào các quy trình, sản phẩm và dịch vụ nhằm tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường”. Cách tiếp cận này là một sự thay đổi mô hình vì tuyên bố rằng, nỗ lực ngăn ngừa ô nhiễm hơn là xử lý ô nhiễm bằng các kỹ thuật cuối đường ống là phù hợp hơn. Trong những diễn biến gần đây, định nghĩa về sản xuất sạch hơn đã được mở rộng hơn theo hướng hiệu quả tài nguyên – yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh (UNEP, 2016).

Tổng quan về kinh tế xanh: Khái niệm và cách tiếp cận thực hiện
Xu thế toàn cầu hiện nay là phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Do đó, trọng tâm được đặt vào việc phát triển các công nghệ sạch hơn nhằm tạo ra ít ô nhiễm và chất thải hơn, đồng thời giúp sử dụng vật liệu và tài nguyên hiệu quả hơn. Như vậy, thay vì như ban đầu, nỗ lực phát triển “sản phẩm xanh” thường tập trung vào một vấn đề bảo vệ môi trường duy nhất, thì sau này, hướng tiếp cận sản xuất xanh được thiết kế để không tạo ra chất thải, thu hồi và tái sử dụng, trong đó xem xét các tác động môi trường theo chu kỳ sống của sản phẩm. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ này chỉ đúng đối với lao động có tay nghề cao và các chương trình chính sách cụ thể nhằm phân biệt giữa các loại hình đổi mới sinh thái cần được thiết kế (Pfeiffer và Rennings, 2001).

(ii) Phân cấp chất thải: tái sử dụng, sửa chữa, thu hồi và tái chế

Cách tiếp cận phân cấp chất thải cùng với việc ngăn ngừa chất thải là những yếu tố quan trọng của kinh tế xanh bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm nhu cầu về nguyên liệu thô và hướng tới việc đóng các dòng nguyên liệu. Ngăn ngừa lãng phí bắt đầu từ việc thiết kế và chế biến sản phẩm. Tái sử dụng hàng hóa là việc sử dụng lại một sản phẩm cho cùng mục đích ở dạng ban đầu hoặc với sự nâng cấp tối thiểu. Tái chế vật liệu mô tả quá trình thu hồi vật liệu của sản phẩm cho mục đích ban đầu hoặc cho các mục đích khác. Quá trình chuyển đổi vật liệu thành vật liệu mới có chất lượng cao hơn và tăng cường chức năng được gọi là chu trình nâng cao, trong khi quá trình chuyển đổi vật liệu thành vật liệu mới có chất lượng kém hơn và giảm chức năng được gọi là chu trình xuống.

Việc thu hồi nguyên liệu bao gồm việc xử lý và chuyển đổi nguyên liệu ban đầu thành sản phẩm mới. Thu hồi năng lượng biến vật liệu thành nhiệt, điện hoặc nhiên liệu. Xử lý an toàn, tốt nhất là quay trở lại địa điểm khai thác và sản xuất, là lựa chọn cuối cùng để quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên trong kinh tế xanh. Bất chấp những lợi ích về môi trường của việc thực hiện hệ thống phân cấp chất thải, thì chất thải vẫn tạo ra các hoạt động kinh tế và cần có các biện pháp khuyến khích phức tạp để tách tăng trưởng kinh tế khỏi việc tạo ra chất thải (Bartl, 2014).

(iii) Sinh thái công nghiệp và kinh tế tuần hoàn

Sinh thái công nghiệp là một lĩnh vực nghiên cứu quan tâm đến việc tích hợp các khái niệm về tính bền vững vào hệ thống kinh tế và môi trường. Việc sử dụng năng lượng và vật liệu được tối ưu hóa, kéo theo việc tạo ra chất thải được giảm thiểu để chuyển từ thông lượng tuyến tính sang sử dụng vật liệu và năng lượng khép kín (Ehrenfeld và Gertler, 1997). Các yếu tố cốt lõi của sinh thái công nghiệp là việc sử dụng phép loại suy sinh học, sử dụng quan điểm hệ thống, vai trò của thay đổi công nghệ và phi vật chất hóa từ quan điểm hướng tới tương lai (Lifset và Graedel, 2002).

Tổng quan về kinh tế xanh: Khái niệm và cách tiếp cận thực hiện
Khái niệm kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. (Ảnh minh họa)

Khi triển khai hệ sinh thái công nghiệp trong thực tế, cộng sinh công nghiệp (IS) nhằm mục đích thu hút các hoạt động truyền thống riêng biệt trong trao đổi vật chất của vật liệu và dòng năng lượng. Những trao đổi vật chất này có thể xảy ra trong một cơ sở, công ty hoặc tổ chức; giữa các công ty được hợp tác trong một khu công nghiệp sinh thái xác định; giữa các công ty được tổ chức “ảo” trên một khu vực rộng lớn hơn (Chertow, 2000). Mặc dù việc triển khai cộng sinh công nghiệp thường tập trung ở cấp độ khu công nghiệp, nhưng các khu vực khu vực lớn hơn có thể phù hợp hơn để khép kín các vòng nguyên liệu và tạo ra hệ sinh thái công nghiệp bền vững (Sterr, 2004). Hơn nữa, IS gần đây đã được xác định là con đường dẫn đến TTX vì thu hút các tổ chức vào mạng lưới thúc đẩy đổi mới sinh thái và khuyến khích họ thực hiện đầu tư mới và thay đổi phương thức kinh doanh, đồng thời cũng kích thích nghiên cứu và phát triển, kinh doanh mới và hợp tác kinh doanh, liên doanh (Lombardi và Laybourn, 2012).

Khái niệm kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội và được định nghĩa là “một nền kinh tế công nghiệp được phục hồi theo thiết kế và phản ánh bản chất trong việc tích cực tăng cường và tối ưu hóa các hệ thống được vận hành”. Nền kinh tế tuần hoàn được xây dựng dựa trên các khái niệm về ngăn ngừa lãng phí và sử dụng hiệu quả tài nguyên bằng cách chỉ ra nơi nào nhận được lợi ích lớn nhất và bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét tính bền vững của các nguồn nguyên liệu thô cũng như số phận của chúng. Kinh tế xanh bổ sung vào sự phát triển của chính sách tài nguyên và chất thải của EU (Hill, 2015).

(iv) Các công cụ và phương pháp dựa trên vòng đời và dòng nguyên liệu

Hiện nay, đã có một số công cụ dựa trên vòng đời, dòng vật chất của kinh tế và sinh thái công nghiệp để đánh giá tính bền vững của kinh tế xanh. Để phân tích dòng nguyên liệu là đề cập đến việc phân tích thông lượng của chuỗi quy trình bao gồm: Khai thác hoặc thu hoạch, biến đổi hóa học, sản xuất, tiêu thụ, tái chế và xử lý nguyên liệu (Bringezu và Moriguchi, 2002).

Trong khi, cách tính toán công cụ vòng đời sản phẩm dựa trên các tài khoản theo đơn vị vật lý, định lượng đầu vào và đầu ra của các quy trình đó; vòngđời có thể được thực hiện ở cấp độ các chất, nguyên liệu hoặc sản phẩm trong các công ty, ngành hoặc khu vực. Cấp độ kiểm tra vòng đời là một công cụ được sử dụng rộng rãi để đánh giá tác động môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ từ “cái nôi đến nấm mồ” (Göran Finnveden và cộng sự, 2009). Trong mô hình đầu vào, đầu ra mở rộng môi trường, các tác động môi trường (biến đổi khí hậu, axit hóa và phát thải độc hại) được đưa vào, thay vì phân tích dựa trên quy trình sản xuất và hoạt động ở cấp độ ngành của nền kinh tế. Các công cụ để đánh giá khía cạnh kinh tế của kinh tế xanh, bao gồm: Chi phí vòng đời, đo lường tổng chi phí của tài sản trong suốt vòng đời của sản phẩm (chi phí vốn, chi phí bảo trì, chi phí vận hành và giá trị còn lại của tài sản khi hết vòng đời).

(v) Phân tích lợi ích chi phí

Phân tích lợi ích – chi phí là một công cụ hỗ trợ quyết định được sử dụng để đánh giá tác động phúc lợi của một dự án hoặc một khoản đầu tư và có nguồn gốc từ các thước đo phúc lợi của thặng dư người sản xuất và người tiêu dùng (Hanley và Barbier, 2009). Một phân tích lợi ích – chi phí toàn diện có thể được sử dụng để so sánh các khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội của các chiến lược kinh tế xanh khác nhau (UNEP, 2011). Do đó, phân tích lợi ích – chi phí yêu cầu tất cả các bất lợi và lợi thế liên quan đến dự án phải được xác định và kiếm tiền ở mức ký quỹ (giá của một đơn vị bổ sung). Các dòng chi phí và lợi ích trong tương lai được tích hợp với giá trị hiện tại ròng của chúng (tổng giá trị chiết khấu của các dòng chi phí trong tương lai).

Điều kiện tiên quyết để đánh giá phúc lợi đầy đủ là tất cả các chi phí và lợi ích liên quan đến dự án đều được đánh giá. Vì vậy, khái niệm tổng giá trị kinh tế (TEV) thường được sử dụng để bao gồm cả giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng. Chi phí và lợi ích của hàng hóa và dịch vụ không được trao đổi trên thị trường (chẳng hạn như nhiều dịch vụ hệ sinh thái) không có giá thị trường. Các phương pháp ưa thích đã nêu có thể được sử dụng để đánh giá mức sẵn sàng chi trả như một đại diện cho sự thay đổi biên trong tiện ích thu được hoặc các ưu tiên về mức sẵn sàng chi trả có thể thu được từ hành vi của các cá nhân trên thị trường (sở thích được tiết lộ).

(vi) Cơ sở hạ tầng xanh và giải pháp dựa vào thiên nhiên

Khái niệm hạ tầng xanh đã được phát triển để nâng cấp không gian xanh đô thị và ven đô thị cả về chất lượng và số lượng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đa chức năng cũng như vai trò của chúng trong mối liên kết giữa các môi trường sống (Tzoulas và cộng sự, 2007). Hạ tầng xanh thường mang lại lợi nhuận kinh tế cao khi đầu tư thông qua các dịch vụ cung cấp, một chiến lược cụ thể nhằm tăng cường đa dạng sinh học ở các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang là xây dựng lại (Navarro và Pereira, 2012). Việc thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên đòi hỏi phải thiết kế cảnh quan đa chức năng góp phần vào hệ thống quản lý tài nguyên bền vững nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xanh. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể đồng thời mang lại nhiều lợi ích, như: kiểm soát lũ lụt, lưu trữ carbon, nguyên liệu thô, sức khỏe con người và đa dạng sinh học nếu hệ sinh thái khỏe mạnh.

2.4. Kinh tế sinh học

Kinh tế sinh học dựa vào sự phát triển của công nghệ sinh học “ứng dụng khoa học và công nghệ vào các sinh vật sống cũng như các bộ phận, sản phẩm và mô hình của chúng để biến đổi các vật liệu sống và phi sống nhằm sản xuất kiến thức, hàng hóa và dịch vụ” (OECD, 2009). Theo cách tiếp cận của OECD, kinh tế sinh học, kinh tế dựa trên sinh học hoặc kinh tế sinh học dựa trên tri thức có thể được xem là đồng nghĩa (McCormick và Kautto, 2013). Cùng với đó, Ủy ban Châu Âu (2012) định nghĩa kinh tế sinh học là “nền kinh tế sử dụng tài nguyên sinh học từ đất liền và biển cũng như chất thải, bao gồm chất thải thực phẩm, làm đầu vào cho công nghiệp và sản xuất năng lượng và bao gồm việc sử dụng các quy trình dựa trên sinh học cho các ngành công nghiệp xanh”.

3. Vai trò của mỗi cách tiếp cận kinh tế xanh

3.1. Liên kết có tính bền vững yếu và mạnh

Khuôn khổ chung của kinh tế xanh cho thấy, có nhiều các khái niệm và cách tiếp cận khác nhau, chúng đều có thể được sử dụng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững. Tuy nhiên, đã có những nghi ngờ về khả năng kinh tế xanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững (Bina và La Camera, 2011; Lorek và Spangenberg, 2014). Sự nghi ngờ này có thể được giải thích một phần bởi 2 cách nhìn khác nhau về tính bền vững có thể tìm thấy trong 2 lý thuyết kinh tế liên quan đến kinh tế xanh, tức là tính bền vững yếu và tính bền vững mạnh (Neumayer, 2003).

Tính bền vững yếu, kinh tế môi trường cho rằng, “vốn con người’” và “vốn tự nhiên” có thể thay thế được và không cần phải thay đổi hoàn toàn hệ thống kinh tế của chúng ta. Tuy nhiên, một số nội dung của khái niệm và cách tiếp cận liên quan đến kinh tế môi trường (sản xuất sạch hơn, kinh tế sinh học, phân cấp chất thải) lại đưa ra nhận định, vốn tự nhiên có thể được thay thế bằng vốn nhân tạo. Đối với các phương pháp tiếp cận bền vững yếu, giả định tính bền vững có thể được thực hiện bằng độ co giãn thay thế lớn hơn 1, nghĩa là sự mất mát ở một khía cạnh có thể được bù đắp bằng lợi ích ở khía cạnh kia (Neumayer, 2003). Do vậy, những phát triển gần đây từ thúc đẩy tái chế, nâng cao hệ thống phân cấp chất thải đang có xu hướng xem xét tính dễ bị tổn thương của môi trường và nhu cầu bảo tồn.

Tính bền vững mạnh, thường thấy trong kinh tế sinh thái với giả định rằng, vốn nhân tạo và vốn tự nhiên là bổ sung cho nhau nhưng không thể thay thế cho nhau một cách vô hạn. Theo quan điểm này, các khái niệm và cách tiếp cận cố gắng tìm ra giải pháp để duy trì nhân loại trong một không gian vận hành an toàn bằng cách khép lại vòng luân chuyển vật chất (nền kinh tế tuần hoàn và sinh thái công nghiệp) và tôn trọng các ngưỡng quan trọng của trữ lượng vốn tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào vốn tự nhiên (giải pháp dựa vào thiên nhiên). Về mặt kinh tế, độ co giãn thay thế giữa vốn nhân tạo và vốn tự nhiên sẽ nhỏ hơn 1, nghĩa là sự mất mát vốn tự nhiên không thể được bù đắp bằng lợi ích từ vốn nhân tạo và đầu vào của chúng là phần bổ sung (Neumayer, 2003). Vì vậy, những quan điểm sinh thái hơn này chủ yếu bộc lộ một quan điểm vĩ mô đòi hỏi xác định ranh giới tối đa của hệ thống sản xuất.

Những giải pháp tương ứng đòi hỏi nhiều thay đổi về cơ cấu hơn trong xã hội và nền kinh tế, vì có liên quan đến những thay đổi lâu dài và đáng kể trong phương thức sống của con người.

3.2. Kinh tế xanh được định vị trong hoạch định chính sách

Khái niệm kinh tế xanh được chính phủ và doanh nghiệp quan tâm, vì bản thân nó nhằm đến mục đích cung cấp giải pháp đồng thời cho cả vấn đề thất nghiệp và môi trường bằng các ngành công nghiệp xanh mới và các công cụ để giảm thiểu thiệt hại về môi trường (Borel-Saladin và Turok, 2013).

Báo cáo tổng hợp về kinh tế xanh của UNEP dành cho các nhà hoạch định chính sách khẳng định rằng, về lâu dài “cái gọi là “sự đánh đổi” giữa tiến bộ kinh tế và tính bền vững của môi trường là chuyện hoang đường” (UNEP, 2011). Điểm này đáng được quan tâm đặc biệt vì được giả định rằng, có thể có những giải pháp đôi bên cùng có lợi cho cả nền kinh tế và môi trường (Porter và Van der Linde, 1995). Liệu có mối quan hệ giữa các giả định lý thuyết khác nhau về mức độ khả thi của khả năng thay thế. Do đó, mọi xem xét mối quan hệ trong nền kinh tế xanh, đều quan tâm đến mức độ thay đổi và cách đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và môi trường.

Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi thực nghiệm về việc hoạt động kinh tế có thể tách rời khỏi việc tiêu thụ đến mức nào và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được trả lời. Việc tách tác hại môi trường từ sản xuất kinh tế có hai khía cạnh quan trọng, đó là (i) Sự tách rời tương đối, nghĩa là cả hai chỉ số tiếp tục tăng nhưng ở tốc độ chậm hơn; (ii) Sự tách rời tuyệt đối, có nghĩa là chỉ số bị giảm theo thời gian về mặt tuyệt đối (Wernick và cộng sự, 1996). Trong thực tế, hệ số giữa tăng trưởng và môi trường càng giảm xuống thì vấn đề quy mô càng có thể chiếm ưu thế. Hiệu ứng này được gây ra bởi toàn cầu hóa và mở rộng tiếp cận thị trường, làm tăng hoạt động kinh tế và do đó, tổng lượng ô nhiễm được tạo ra. Điều này rất quan trọng đối với ý nghĩa thực tế của kinh tế xanh, vì mâu thuẫn giữa mức độ thay thế khả thi và tính khả thi cuối cùng của việc tách rời tuyệt đối bắt nguồn từ những mối quan tâm lý thuyết đơn thuần. Thông qua các khung pháp lý chặt chẽ và được thiết kế tốt, hành vi công bằng và thân thiện với môi trường, các chủ thể thuộc khu vực tư nhân có thể được khuyến khích và khuyến khích thực hiện các khái niệm và phương pháp tiếp cận kinh tế xanh (Lee và cộng sự, 2014). Quy định, phí, lệ phí, thuế và các công cụ dựa trên thị trường khác như chương trình giấy phép có thể mua bán có thể giúp tăng quy mô đầu tư và nội hóa chi phí của các yếu tố môi trường bên ngoài (Pizzol và cộng sự, 2014) và thực hiện phần bền vững yếu kém của kinh tế xanh. Như vậy, chính phủ sẽ cần kết hợp các giá trị môi trường vào quá trình ra quyết định, lập kế hoạch chi tiêu và kế toán của theo cách không làm cạn kiệt tài sản môi trường (Barbier, 2011). Điều này có thể đòi hỏi phải áp đặt một số ranh giới về mặt chính trị đối với việc tiêu thụ tài nguyên để khai thác toàn bộ tiềm năng đổi mới của kinh tế xanh. Đồng thời cũng nên tập trung vào việc thực hiện các phương pháp tiếp cận kinh tế sinh thái, như: sinh thái công nghiệp, kinh tế tuần hoàn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên của cơ sở hạ tầng xanh.

4. Kết luận

Khái niệm “kinh tế xanh” đã được thiết lập rõ ràng và xuất hiện trong nhiều chương trình nghị sự chính sách của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, những cách hiểu sai có thể có về khái niệm này và việc thiếu các công cụ hỗ trợ quyết định dựa trên cơ sở khoa học phù hợp có thể cản trở việc sử dụng. Hiện tại, vẫn tồn tại những lỗ hổng kiến thức lớn về cách thức thực hiện sự thay đổi phát triển xanh trong thực tế. Các ngành kinh tế khác nhau cũng có thể yêu cầu các biện pháp khác nhau, nhưng quyết định về kinh tế xanh là những mong muốn phát triển một nền kinh tế sinh thái, bền vững hơn ở đó đôi bên cùng có lợi về phúc lợi thịnh vượng của con người được trở thành sự thật./.

Tài liệu tham khảo

1. Ambec, S., Cohen, M. A., Elgie, S., Lanoie, P. (2013), The Porter hypothesis at 20: can environmental regulation enhance innovation and competitiveness?, Review of Environmental Economics and Policy, 7 (1), 2-22.

2. Allenby, B. (2006), The ontologies of industrial ecology? Progress in Industrial Ecology”, An International Journal, 3(1), 28-40.

3. Ayres, R. and Ayres, L. (2002), A handbook of industrial ecology, Edward Elgar, Cheltenham, 5(02), 183-184.

4. Barbier, E. (2012), Barbier E.B. (2012) The Green Economy Post Rio+20, Science, 338, 887-888, https://doi.org/10.1126/science.1227360.

5. Barbier, E. B. (2011), The Policy Challenges for Green Economy and Sustainable Economic Development, Natural Resources Forum, 35, 233-245, DOI: 10.1111/j.1477-8947.2011.01397.x.

6. Bartl, A., (2014), Moving from recycling to waste prevention: A review of barriers and enables, Waste Management & Research, 32(9), 3-18.

7. Benoit Norris, C. (2012), Social Life Cycle Assessment: A Technique Providing a New Wealth of Information to Inform Sustainability-Related Decision Making, DOI: 10.1002/9781118528372.ch20.

8. Bina O and La Camera F (2011), Promise and shortcomings of a green turn in recent policy responses to the “double crisis”, Ecological Economics, 70(23), 8-16.

9. Borel-Saladin, J.M., Turok, I.N., (2013), The green economy: Incremental change or transformation? Environ, Environmental Policy and Governance, 23(4), 209-220.

10. Bringezu, S., Moriguchi, Y. (2002), Material flow analysis, in: A Handbook of Industrial Ecology, Edward Elgar Publishing, Inc., Cheltenham, UK.

11. Brammer, S., and Millington, A. (2004), The development of corporate charitable contributions in the UK: A stakeholder analysis, Journal of Management Studies, 41(8), 1411-1434.

12. Chertow, M.R. (2000), The IPAT Equation and Its Variants, Journal of Industrial Ecology, 4, 13-29, https://doi.org/10.1162/10881980052541927.

13. Ehrenfeld, J., and Gertler, N. (1997), Industrial Ecology in Practice: The Evolution of Interdependence at Kalundborg, Journal of Industrial Ecology, 1(1), 67-79.

14. Ekins, P., Sandrine Simon, Lisa Deutsch, Carl Folke and Rudolf De Groot (2003), Ecological Economics, 44(2-3), 165-185.

15. Farley, M., & Kelly, V. (2008), Prostitution: A Critical Review of the Medical and Social Sciences Literature, Women and Criminal Justice, 11, 29-64, https://doi.org/10.1300/J012v11n04_04.

16. Göran Finnveden, Michael Z. Hauschild , Tomas Ekvall, Jeroen Guinée, Reinout Heijungs, Stefanie Hellweg, Annette Koehler, David Pennington, Sangwon Suh (2009), Recent developments in Life Cycle Assessment, Journal of Environmental Management, 91(1),1-21, DOI:10.1016/j.jenvman.2009.06.018.

17. Georgescu-Roegen, N. (1975), Energy and Economic Myths, Southern Economic Journal, 41, 347-381, http://dx.doi.org/10.2307/1056148.

18. Herring, H. (2006), Energy Efficiency – A Critical Review, Energy, 31, 10-20, http://dx.doi.org/10.1016/j.energy.2004.04.055.

19. Hill, J., (2015), Circular Economy and the Policy Landscape in the UK, Taking Stock of Industrial Ecology, DOI:10.1007/978-3-319-20571-7_13.

20. Hoogmartens, R., Van Passel, S., Van Acker, K., Dubois, M., (2014), Bridging the gap between LCA, LCC and CBA as sustainability assessment tools, Environmental Impact Assessment Review, 48, 27-33, DOI:10.1016/j.eiar.2014.05.001.

21. Lorek and Spangenberg (2014), Sustainable consumption within a sustainable economy – Beyond green growth and green economies, Journal of Cleaner Production, 63, 33-44, DOI:10.1016/j.jclepro.2013.08.045

22. Lifset, R., and T.E. Graedel (2002). Industrial ecology: goals and definitions, in R.U. Ayres and L.W. Ayres (eds), A Handbook of Industrial Ecology, Cheltenham, UK and Northampton, MA, USA: Edward Elgar, 3-15.

23. Lombardi, D.R., Laybourn, P. (2012), Redefining industrial symbiosis, Journal of Industrial Ecology, 16, 28-37.

24. Lee, K. H., Bonn, M. A., and Cho, M. (2014), Consumer motives for purchasing organic coffee: The moderating effects of ethical concern and price sensitivity, International Journal of Contemporary Hospitality Management, 27(6), 1157-1180, DOI:10.1108/IJCHM-02-2014-0060.

25. Navarro, M., and Pereira, H. (2012), Rewilding Abandoned Landscapes in Europe, Ecosystems, 15(6), 900-912, DOI:10.1007/s10021- 012-9558-7.

26. Neumayer, E. (2003), Weak versus strong sustainability: exploring the limits of two opposing paradigms, Edward Elgar, Northampton.

27. Nick Hanley, Edward B. Barbier (2009), Pricing Nature – Cost-Benefit Analysis and Environmental Policy, Edward Elgar: Cheltenham, UK.

28. OECD (2009), Education at a glance 2009: OECD indicators, Paris: OECD Publishing.

29. Pizzol, M., Smart, J.C.R., Thomsen, M. (2014), External costs of cadmium emissions to soil: a drawback of phosphorus fertilizers, Journal of Cleaner Production, 84(1), 475-483.

30. Pfeiffer, F., and Rennings, K. (2001), Employment Impacts of Cleaner Production – Evidence from a German Study Using Case Studies and Surveys, Business Strategy and the Environment, 10(3), 161-175.

31. Porter, M.E., and van der Linde, C. (1995), Toward a New Conception of the Environment Competitiveness Relationship, Journal of Economic Perspectives, 9, 97-118, http://dx.doi.org/10.1257/jep.9.4.97.

32. Rennings, K., and Wiggering, H. (1997), Steps towards indicators of sustainable development: Linking economic and ecological concepts, Ecological Economics, 20(1), 25-36.

33. Sterr, A. M. (2004), Attention performance in young adults with learning disabilities, Learning and Individual Differences, 14(2), 125-133, https://doi.org/10.1016/j.lindif.2003.10.001

34. Tukker, A. (2013), Product services for a resource-efficient and circular economy – a review, Journal of Cleaner Production, 97, 76-91.

35. Tzoulas, K., Kalevi Korpela, Stephen Venn, Vesa Yli-Pelkonen, Aleksandra Kaźmierczak, Jari Niemela, Philip James (2007), Promoting ecosystem and human health in urban areas using Green Infrastructure: A literature review, Landscape and Urban Planning, 81(3), 167-178.

36. UNEP (2016), Sustainable Consumption & Production Branch: Resource Efficient and Cleaner, The International Resource Panel.

37. UNEP (2011), Decoupling natural resource use and environmental impacts from economic growth, The International Resource Panel.

38. Wernick, K., Robert Herman, Shekhar Govind, and Jesse H. Ausubel (1996), Materialization and Dematerialization: Measures and Trends, The Liberation of the Environment, 125(3), 171-198.

THS. LÊ THANH SANG
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/tong-quan-ve-kinh-te-xanh-khai-niem-va-cach-tiep-can-thuc-hien-33232.html