web analytics

Tỉnh Hòa Bình cảnh báo rủi ro trong hoạt động huy động vốn của Công ty BĐS Nhật Nam 08/09/2022

(KDTT) – Ngày 30/8/2022, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 7327/VPUBND-KTTH, về xử lý nội dung liên quan đến Công ty CP đầu tư thương mại bất động sản (BĐS) Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế (ANKT), an ninh trật tự (ANTT).

Công ty Nhật Nam Trụ sở chính 54 Ngô Thị Thu Minh, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM, người đại diện pháp luật là bà Vũ Thị Thúy.

Cụ thể, tại Công văn số 7327, ngày 30/8/2022 của Văn phòng của UBND tỉnh Hòa Bình gửi các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh Hòa Bình thông tin về việc xử lý nội dung liên quan đến Công ty Nhật Nam có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về ANKT, ANTT.

Xét đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 221, ngày 22/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau: Căn cứ thông báo của Cục ANKT, Bộ Công an tại Công văn số 518/ĐK, ngày 4/8/2022 có nêu: Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thúy, Mai Thanh Tùng (chồng Vũ Thị Thúy), Vũ Đức Tại có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT), đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về ANKT, ANTT. Hiện nay, công ty này thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều NĐT tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 – 7%/tháng, tương đương 60 – 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi BĐS).

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các NĐT sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho NĐT, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy (giám đốc) để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các NĐT, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các NĐT, vi phạm Luật Quản lý thuế. Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó, Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho NĐT sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANKT, ANTT.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở TT&TT, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp Công an tỉnh thực hiện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty Nhật Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; rà soát các cá nhân: Vũ Thị Thúy (giám đốc), cổ đông góp vốn: Mai Thanh Tùng, Vũ Đức Tại có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền, cảnh báo đến NĐT, người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, tránh gây thiệt hại về kinh tế, phức tạp về ANKT, ANTT.

Chia sẻ với báo chí, một nhà đầu tư cho biết, Công ty Nhật Nam từng hứa sẽ trả lãi từ 92-144%/24 tháng, tùy theo chương trình tham gia. Lưu ý rằng đây chỉ là ước tính sơ bộ, con số thực tế còn cao hơn đáng kể, bởi lẽ trước đó doanh nghiệp dự kiến chi trả số tiền gốc và lãi đều đặn qua từng ngày, từng tuần.

Không chỉ Hòa Bình, mới đây, công an huyện Bảo Yên (Lào Cai) cũng ban hành văn bản với nội dung tương tự, cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia góp vốn với Công ty BĐS Nhật Nam.

Thông báo của Công an huyện Bảo Yên, tỉnh Lào cai về hoạt động của BĐS Nhật Nam.

Nhìn chung, mức lãi suất mà Nhật Nam đã và đang đưa ra cho các gói huy động vốn là rất “khủng khiếp”, thậm chí có dấu hiệu “bất thường”, khiến không ít người tỏ ra hoài nghi về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này.

Phân tích phương thức huy động vốn của Công ty Nhật Nam với báo chí, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Công ty Nhật Nam cam kết chi trả lợi nhuận cho NĐT với mức rất cao (68-92% – PV), bản chất là trả lãi cho nhà đầu tư cao hơn rất nhiều lần lãi suất huy động vốn hiện tại của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, việc huy động vốn đã được hợp thức hóa bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh nên rất khó xử lý. Trên thực tế, khoản “phân chia lợi nhuận” mà bản chất là lãi Nhật Nam trả cho nhà đầu tư còn cao hơn mức họ quảng cáo, bởi nhà đầu tư đã được trả cả gốc và lãi theo ngày, tuần, tháng. Số tiền gốc sau mỗi kỳ trả đã giảm xuống. Nếu tính lãi theo số tiền gốc giảm, lãi cũng sẽ giảm, nhưng Nhật Nam giữ một khoản chi giống nhau và đều cho người đầu tư. Đây là cách thu hút người đầu tư của Nhật Nam, bởi lợi nhuận đã là rất cao nhưng người đầu tư còn nhận thấy mình được lợi hơn cả mức này.

Bên cạnh đó, ông Khoa cũng cho rằng, nếu chuỗi nhà hàng, khách sạn và hàng loạt bất động sản đúng giá trị như lời quảng cáo, Công ty hoàn toàn có thể thế chấp để vay vốn từ các ngân hàng. Bởi, lãi suất vay ngân hàng bình quân chỉ từ 9-11%/năm, nguồn vốn lại ổn định, không bị hao hụt liên tục theo ngày, tuần, tháng do phải trả cho người đầu tư như phương án trên.

“Thêm nữa, trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 như hiện nay, hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư bất động sản đang rất khó khăn. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao Nhật Nam không vay vốn ngân hàng hoặc các nguồn vốn khác lãi suất thấp mà chỉ tập trung huy động vốn của người đầu tư với khoản lãi phải trả rất cao?” – ông Khoa hoài nghi.

PV

Theo KDPT