Những tín hiệu vui

Đóng góp quan trọng cho chiều hướng khởi sắc trở lại của hoạt động xuất khẩu là các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy vi tính, dệt may…

Trong tháng 6 có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.

Đáng chú ý, 5/7 nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng dương so với tháng trước. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 37,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 13,2%; dệt may đạt 3 tỷ USD, tăng 4,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,17 tỷ USD, tăng 0,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 3,7%.

2 nhóm hàng chủ lực còn lại trong trạng thái sụt giảm là giày dép với kim ngạch đạt 1,76 tỷ USD, giảm 5,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1,6%.

Hình ảnh những trái sầu riêng trong lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc

Trong xu hướng suy giảm của xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm, một số mặt hàng vẫn có sự tăng trưởng. Cụ thể, sau 6 tháng, xuất khẩu rau quả vẫn ghi dấu ấn với 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Trong đó, 5 loại trái cây chiếm giá trị cao nhất (84%), gồm: sầu riêng (37%), thanh long (19%), chuối (12%), mít (9%), xoài (7%); còn lại là các loại quả như: dưa hấu, dừa, ớt, chanh leo…

Chỉ tính riêng trong tháng 5, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc mang về giá trị đến 319,8 triệu USD, tăng hơn 1.082% lần so với tháng 4 và tăng trên 57.061% so với cùng kỳ năm trước (tức tăng hơn 10 lần và hơn 57 lần); xuất khẩu thanh long đạt 46,5 triệu USD, tăng 82,5%. Điều này cũng cho thấy tính chất mùa vụ của rau quả nên giá trị xuất khẩu biến động lớn trong các tháng.

Đối với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ dù còn khó khăn nhưng đang có những dấu hiệu phục hồi khi mức độ suy giảm khi xuất khẩu sang một số thị trường chính đã bắt đầu chững lại. Nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai và khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường.

Còn đó nỗi lo

Có chiều hướng tăng trở lại trong tháng 6 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hết tháng 6 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 164,68 tỷ USD, giảm 12%.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, những tháng cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất – tỷ giá.

Xuất khẩu, một trong những động tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế.

Nhận định xuất khẩu đã có đà phục hồi, tăng trưởng trở lại song vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đẩy mạnh 8 giải pháp để thúc xuất khẩu trong 6 tháng còn lại của năm.

Trong đó, ông Trần Duy Đông – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: “Chúng tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu, kiến nghị những chính sách tài thêm về khóa tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn. Thứ hai, Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển một số mặt hàng chủ lực của ta”.

Một số giải pháp cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh, như tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam; Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur…). Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo KDPT