web analytics

Tín dụng xanh – Đường băng vừa mở 28/01/2024

(KDTT) – Trong khoảng một thập niên trở lại đây, tín dụng xanh đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng và được dự báo sẽ tiếp tục xu thế này trong thời gian tới.

Tín dụng xanh: “Trẻ” nhưng “khỏe”

Hành trình hiện thực hóa mục tiêu xanh của Việt Nam đang đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Khu vực công không đáp ứng đủ con số đó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng “0” trong giai đoạn 2021-2050, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD ngoài vốn ngân sách nhà nước, tương đương với 2,2% GDP. Việc huy động nguồn lực lớn như vậy là bài toán không hề đơn giản. Trong bối cảnh đó, tài chính xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng là một chìa khoá cho tương lai.

Trên thực tế, thị trường tín dụng xanh đã có những bước phát triển đáng kể và trở thành kênh dẫn vốn chính cho các dự án đầu tư xanh trong giai đoạn qua. Theo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt 23%/năm. Tính đến ngày 30/9/2023, có 45 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng ấn tượng song với tổng số chưa đầy 600 nghìn tỷ đồng tín dụng xanh được các ngân hàng cung cấp đến nay (4,4% tổng dư nợ), cách khá xa mục tiêu 10% vào năm 2025, có thể thấy nguồn vốn xanh vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Võ Quốc Khánh
Ông Võ Quốc Khánh – Phó Tổng giám đốc Công ty EY Việt Nam.

Ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty EY Việt Nam đánh giá, “room” tín dụng xanh của Việt Nam vẫn còn rộng mở. Nguyên do là các ngân hàng mới bắt đầu câu chuyện tín dụng xanh trong 5 năm gần đây và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xanh trong thời gian qua tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân tín dụng toàn nền kinh tế, điều này cho thấy quy mô tín dụng xanh sẽ còn lớn hơn nữa.

Mặt khác, vị chuyên gia cho biết, tín dụng xanh hiện tập trung chủ yếu ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực khác như giao thông, vận tải, vật liệu xây dựng, bất động sản, xử lý chất thải… cũng có nhu cầu chuyển đổi xanh lớn. Nguồn cầu mạnh mẽ chắc chắn sẽ thúc đẩy quy mô tín dụng xanh tăng trưởng trong tương lai.

Mở rộng đường băng

Sự phát triển mạnh mẽ của tín dụng xanh trong những năm qua xuất phát từ nhiều nguyên do, đặc biệt là những nỗ lực về thể chế, chính sách của Chính phủ. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định, trong những năm gần đây, Chính phủ (mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước) đã có những cố gắng lớn trong việc xây dựng cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc xác định các lĩnh vực, dự án được cấp tín dụng xanh, các tiêu chí đánh giá dự án xanh, các hình thức cấp tín dụng xanh, tạo cơ sở phát triển nguồn vốn và giải ngân tín dụng xanh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 05/5/2015 về triển khai tín dụng xanh trong hệ thống các tổ chức tín dụng; Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 về hoạt động ngân hàng xanh; Thông tư số 06/2022/TT-NHNN ngày 31/03/2022 quy định về phát hành trái phiếu xanh. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: khuyến khích các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu xanh, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia các chương trình hợp tác tài chính xanh…

Mặc dù đã có những nỗ lực như vậy, song cho đến nay, các vướng mắc về chính sách cũng như rào cản thực tiễn đối với tín dụng vẫn còn rất nhiều.

Nguyễn Bá Hùng
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng ADB.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất là, chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh. Đây cũng là lý do các tổ chức tín dụng chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh.

Thứ hai là, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu. Điều này gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng; khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Thứ ba là, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn. Việc này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Thứ tư là, sự hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

Cuối cùng là, các kênh huy động vốn dài hạn cho dự án xanh chưa thực sự phát triển như thị trường trái phiếu xanh, gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Để giải quyết các rào cản nêu trên, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, biện pháp cần thiết nhất và đầu tiên là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương thích với thông lệ, chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch.

Hai là, dựa trên chiến lược phát triển xanh, cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Đi đôi với đó cơ chế khuyến khích rõ ràng để tạo động lực phát triển tài chính xanh, như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng xanh…

Ba là, cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn ưu đãi và nâng cao năng lực, tích luỹ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh và tài chính xanh, từ đó góp phần phát triển thị trường tài chính xanh trong nước sâu rộng hơn.

Thứ tư là, Chính phủ nên đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Đây là kênh tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang hoạt động xanh nhanh hơn và ở quy mô lớn hơn…/.