Người dân quét mã QR để giao dịch khi mua sắm tại chợ truyền thống

Cuộc cạnh tranh giữa chợ truyền thống và siêu thị

Trong những năm gần đây, hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị đã được mở mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước. Tính đến nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có hơn 3000 cửa hàng tiện lợi, hơn 8000 khu chợ và hơn 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. Nếu nhìn trên tương quan này, số lượng mô hình chợ truyền thống vẫn đang áp đảo. Tuy nhiên mô hình bán lẻ hiện đại đang cho thấy sự bứt tốc về số lượng và nhanh nhạy trong cách “đón lõng” lượng khách hàng của chợ truyền thống.

Trong xu hướng tiêu dùng ngày nay, người tiêu dùng có thêm lựa chọn mua hàng từ các siêu thị và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, các chợ truyền thống vẫn đóng vai trò phục vụ rất lớn trong đời sống hàng ngày của người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vì sức mua thấp hơn các thành phố, trong khi hàng hóa cung cấp tại chợ thường rẻ hơn do chi phí tổ chức và quản lý chợ cũng thấp hơn so với siêu thị và trung tâm thương mại.

Sự bùng nổ của công nghệ khiến mọi sinh hoạt của con người tiện nghi hơn cũng đồng nghĩa với việc những đơn vị kinh doanh truyền thống đứng trước nguy cơ cạnh tranh cao do việc khó thay đổi hình thức kịp thời. Nếu trước đây các siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi khá e dè trong việc vận chuyển các mặt hàng tươi sống đến tay người tiêu dùng thì nay thao tác chọn lựa và nhận hàng chỉ còn trong vài chạm màn hình.

Lợi ích của việc chuyển đổi số tại các chợ truyền thống

Hiện nay tại các khu chợ truyền thống trên cả nước, mô hình chuyển đổi số đang dần được thể hiện rõ nét qua việc thanh toán không tiền mặt, quét mã QR qua các tài khoản ngân hàng,… mang lại những tiện ích cho người tiêu dùng.

Việc quét mã QR để thanh toán giúp người dân tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống cũng cảm thấy sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để nhập hàng hóa về bán và thấy rất tiện lợi. Nếu đẩy mạnh triển khai các khu chợ thanh toán không tiền mặt thì công việc kinh doanh, buôn bán sẽ càng trở nên thuận tiện.

Từ năm 2018, chợ Hàn (thành phố Đà Nẵng) đã bắt đầu triển khai dán mã tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng mua sắm tại chợ đều sử dụng khi chọn mua sản phẩm.

Khi khách hàng quét mã tem, mọi thông tin về sản phẩm, tên chủ cửa hàng, địa chỉ đều được thể hiện rõ. Qua đó, người bán phải tăng trách nhiệm nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo đúng giá cả, giữ gìn thương hiệu, uy tín trong quá trình kinh doanh. Khách hàng khi biết được nguồn gốc, xuất sử sản phẩm sẽ có thêm niềm tin và thoải mái khi mua hàng. Các tiểu thương hiện nay cũng khuyến khích khách hàng sử dụng việc thanh toán qua hình thức quét mã, chuyển khoản, đem lại trải nghiệm mới, tiện lợi, nhanh chóng hơn trong quá trình thanh toán.

Việc áp dụng các ứng dụng công nghệ 4.0 tại các chợ truyền thống đã phần nào mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng; giúp khu chợ trở nên hiện đại, văn minh. Đồng thời, đây cũng là cách để công cuộc chuyển đổi số phát triển sâu rộng trong đời sống người dân.