web analytics

Tích cực tuyên truyền và phổ biến phương án ứng phó với thiên tai 17/07/2020

(KDTT) – Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa ban hành Văn bản số 1061/PTTH&TTĐT về việc tuyên truyền và phổ biến Sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai. Đây là văn bản hỗ trợ giúp người dân và các cơ quan chuyên môn có thêm thông tin, chủ động ứng phó với tình trạng thiên tai ngày càng diễn biến bất thường như hiện nay.

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi và cao nguyên, phần còn lại là vùng đồng bằng; hệ thống sông, suối dày đặc, với trên 3.200km bờ biển và vùng lãnh hải. Dân số gia tăng, nền kinh tế đang phát triển, đô thị hóa nhanh chóng là thuận lợi lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, song đó cũng là thách thức không nhỏ trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện ở nước ta.

Trong những năm gần đây, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế – xã hội và áp lực gia tăng về dân số, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Với sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai, trong đó có nhiều trận thiên tai xuất hiện liên tiếp trong năm, cường độ lớn, phạm vi rộng, trái quy luật và có xu thế gia tăng cả về mức độ nguy hiểm, tính cực đoan và chu kỳ lặp lại, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái.

Trong Sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai có các hướng dẫn để phòng, chống về các loại thiên tai phổ biến ở Việt Nam như: Mưa lũ, sạt lở, bão, hạn hán,… Sổ tay là tài liệu tham khảo thiết thực để triển khai xây dựng phương án ứng phó đối với các loại hình thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do các thiên tai gây ra, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta đã xảy 16 loại hình thiên tai, trong đó có 186 trận giông, lốc, mưa lớn ở hơn 43 tỉnh, thành phố; trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, tình hình mưa đá và giông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 1 cơn bão trên Biển Đông; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc bắt đầu có mưa lũ cục bộ…

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng. Cụ thể, thiên tai đã làm 1.765 ngôi nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 9.210 con gia súc, gia cầm chết; 879 tỷ đồng do giông lốc, mưa đá; 2.500 tỷ đồng do hạn hán, xâm nhập mặn; 4 tỷ đồng do thiên tai khác gây ra.

Theo KDPT