Thực trạng thể chế liên kết vùng tác động đến tiêu thụ, quảng bá sản phẩm địa phương trong thời gian qua

Trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự liên kết giữa các vùng được đẩy mạnh, tạo động lực trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, diện mạo mỗi vùng từng bước đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đối với các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Theo đó, trong năm 2022, 4 vùng KTTĐ đóng góp gần 75% vào GDP của cả nước. 39 tỉnh, thành còn lại đóng góp khoảng 25,12% vào GDP cả nước.

Ảnh minh họa.

Xét về tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022, vùng KTTĐ phía Nam đóng góp cao nhất, khoảng 37,75%. Cùng với đó, vùng KTTĐ Bắc Bộ xếp thứ hai, đóng góp khoảng 26,82%, vùng KTTĐ miền Trung đóng góp khoảng 5,35% và vùng TKTĐ vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 4,95%.

Nhìn từ góc độ thị trường trong nước, các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã đạt được những kết quả như: Các địa phương trên cả nước đã và đang triển khai nhiều Chương trình, đề án từ cấp quốc gia, cấp vùng đến địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid, qua đó, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa; tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, bền vững, đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông để phục vụ thị trường nội vùng cũng như cả nước.

Các địa phương cũng đã tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại như quy hoạch chợ chợ, quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại, quy hoạch trung tâm logistics, quy hoạch trung tâm hội chợ, triển lãm…, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại để tạo cơ sở phát triển thương mại nội địa nói riêng và kinh tế – xã hội của vùng nói chung, đẩy mạnh liên kết vùng.

Hạ tầng thương mại đã được củng cố, có sự chuyển biến dần phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập. Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bước đầu đạt kết quả tích cực qua sự phát triển các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các khu vực tập trung sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo ngành hàng nông sản.

Hệ thống hạ tầng thương mại đã từng bước góp phần hình thành nên kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường…. phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử,…). Tỷ trọng về số lượng hệ thống thương mại hiện đại trong hệ thống hạ tầng thương mại nói chung gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Một số giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng, qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.

Trên tinh thần tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 -2030, cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp phát hoàn thiện thể chế liên kết vùng nhằm thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho địa phương, cụ thể như sau:

Một là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về liên kết vùng. Việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về liên kết vùng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành, các chính sách cụ thể… sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý và tiền đề để thúc đẩy phát triển liên kết vùng, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bình ổn thị trường.

Hai là thực thi Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các định hướng và giải pháp liên quan đến việc đẩy mạnh liên kết vùng như: hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng được một số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Ba là xây dựng và ban hành các quy hoạch trong đó có quan tâm đến liên kết vùng để phát triển thương mại nội địa. Các địa phương trong Vùng cần xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh bám sát định hướng, quy định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

Bốn là đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 08/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, với những giải pháp nêu ra tại Đề án sẽ góp phần hoàn thiện thể chế liên kết vùng, thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho các địa phương.

Năm là có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung – cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.

Cần có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiêp đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương.

Sáu là đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, hướng dẫn các đơn vị sản xuất cung ứng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp. Tăng cường các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Phối hợp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương nhằm quản lý, hỗ trợ phát triển thị trường trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Liên kết vùng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường trong nước, đặc biệt trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho các địa phương. Nhận thức rõ điều này, các tỉnh, thành phố đã nhận thức được vai trò của việc thúc đẩy liên kết vùng nhằm đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vục nói chung và thương mại, dịch vụ nói riêng nhằm phát huy thế mạnh, quảng bá, kết nối cung – cầu sản phẩm, hàng hóa lợi thế của các địa phương trong việc phát triển thị trường nội địa nói riêng và kinh tế – xã hội của Vùng cũng như cả nước nói chung.

Theo KDPT