Ngày 18/7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo Bộ TT-TT, Bộ KH-ĐT. Ảnh: VIỆT DŨNG

Động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

Vùng Đông Nam Bộ có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước; là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.

Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.

Theo nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, định hướng thời gian tới, Đông Nam Bộ phát triển trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số…

Trong đó, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng.

Theo Quyết định số 825/QĐ-TTg, ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng.

Hội đồng Điều phối vùng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hội đồng điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Hội đồng cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng của vùng; điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng…

Tại Hội nghị, lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã tham luận đề xuất các chương trình phối hợp, giải pháp phát triển vùng Đông Nam Bộ như: Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại; giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong Vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực.

Hội nghị cũng nghe đề xuất về giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng.

Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistic dọc tuyến vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; các giải pháp kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách đặc thù Đông Nam Bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính; giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn vùng; phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á…

Lấy TP HCM làm đầu tàu

Nhấn mạnh những việc vùng ĐNB cần làm ngay, Thủ tướng lưu ý tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Song song đó, cần xử lý ngay 3 vấn đề gồm ách tắc giao thông, môi trường và nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Ngoài ra, cần tập trung cho công tác quy hoạch vùng. Quy hoạch phải lâu dài, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, nhất là phải phát huy được tối đa tiềm năng, cơ hội, tính cạnh tranh và hóa giải được những mâu thuẫn, yếu kém của vùng.

Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Điều phối vùng chủ động nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách đột phá phát triển vùng ĐNB, thúc đẩy liên kết vùng. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập các quỹ, trước hết là nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng ĐNB. Bộ Tài chính phải hoàn thành đầu việc này trong quý III/2023.

Thủ tướng lưu ý hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐNB cần đồng bộ với hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98, cũng do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban. Tinh thần là lấy TP HCM làm đầu tàu, là trung tâm, hạt nhân của vùng ĐNB.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng với khí thế mới, cách tổ chức mới cùng với tự lực, tự cường của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, Hội đồng Điều phối vùng ĐNB sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đưa vùng ĐNB phát triển thịnh vượng.

Theo KDPT