web analytics

Thu hút đầu tư trong bối cảnh Covid-19 tại Vĩnh Phúc: “Tiếng lành” tiếp tục “đồn xa” 14/05/2021

(KDTT) – Những ngày này, Vĩnh Phúc đang căng mình chiến đấu với dịch Covid-19, song song biện pháp chống dịch đã và đang được triển khai quyết liệt, việc đảm bảo, phát triển kinh tế trong thời kỳ này cũng là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Toàn hệ thống chính trị đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư, nhằm tạo ra lợi thế mới cho Vĩnh Phúc trong bối cảnh dịch bệnh sẽ còn có thể diễn biến phức tạp và kéo dài.

Ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc.

Toàn lực chống dịch song song với phát triển kinh tế

Với kinh nghiệm dập dịch từ đợt 1 đầu năm 2020, mặc dù đợt dịch lần thứ 2 này tại tỉnh có diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết tâm thần tốc chống dịch, tiếp tục nâng mức cảnh báo cao hơn nữa. Kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch: “ngăn chặn – phát hiện – cách ly- khoanh vùng và dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ. Khoanh vùng dịch tễ tại tất cả các điểm đi/đến/qua/ở của trường hợp mắc Covid-19 và các trường hợp nghi ngờ mắc dịch. Yêu cầu tất cả các Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Kích hoạt bệnh viện dã chiến số 1, trưng dụng Bệnh viện sản nhi cơ sở mới làm bệnh viện dã chiến số 2, chuẩn bị 19 khu cách ly và hơn 6.000 giường, tăng gấp 5 lần công suất xét nghiệm.

Với mục tiêu không để dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân cũng như tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, mọi hoạt động thông thương hàng hóa nhất là hàng hóa thiết yếu vẫn diễn ra bình thường.

Đảm bảo hàng hóa lưu thông qua các chốt kiểm soát.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, là công tác xúc tiến đầu tư. Trong bối cảnh này, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị tác động xấu. Song, với quan điểm không để dịch bệnh ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh, trong thời gian giãn cách xã hội, thậm chí một số địa phương đang thực hiện cách ly, các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn được tiếp tục thực hiện bằng hình thức mạng xã hội zalo, điện thoại hoặc bằng văn bản. Đồng thời thuận lợi hóa các thủ tục cách ly, kiểm tra y tế để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận tìm hiểu thị trường trong tỉnh.

Ða dạng hóa các kênh xúc tiến đầu tư

Trước bối cảnh chuyển biến nhanh của kinh tế trong nước, thế giới và ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo ra sức hấp dẫn mới. Các sở, ngành, cơ quan trong tỉnh chủ động hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư, chủ đầu tư về trình tự, thủ tục, cung cấp thông tin liên quan đến dự án nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, tỉnh thông qua hàng loạt chính sách mới đầu năm 2021 nhằm thúc đẩy xúc tiến đầu tư. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bằng cách sử dụng ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho khoản chênh lệch lãi suất vay mà doanh nghiệp được hỗ trợ, mức hỗ trợ cao nhất một tỷ đồng/ dự án. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được hỗ trợ kinh phí tổ chức.

Vĩnh Phúc điểm đến thành công cho các nhà đầu tư

Toàn bộ công tác đối ngoại của tỉnh đều phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, góp phần thu hút kiều bào Việt Nam đầu tư vào các khu công nghiệp, Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Ðảo 2 và các dự án khác. Trước đây, mỗi năm tỉnh tổ chức 4 đến 6 đoàn xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh chuyển mạnh sang quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư qua kênh ngoại giao, như thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.

Quan hệ giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các tỉnh có thỏa thuận hợp tác đi vào chiều sâu. Ðơn cử, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), sau nhiều năm gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư chung, đã có bốn doanh nghiệp của tỉnh Chungcheongbuk đầu tư vào Vĩnh Phúc và thu được thành công, như các công ty Jahwa Vina, Sewoon Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Chungcheongbuk vẫn thường xuyên trao đổi thông tin thương mại, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vừa trực tuyến vừa trực tiếp tại hai điểm cầu để kết nối cộng đồng doanh nghiệp của hai địa phương.

Xúc tiến đầu tư tại chỗ được tỉnh coi là giải pháp then chốt và bền vững để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư. Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nằm ở chính các doanh nghiệp đầu tư thành công tại tỉnh, tạo nên động lực thu hút các doanh nghiệp khác. KCN Thăng Long III do Công ty Sumitomo của Nhật Bản đầu tư xây dựng hạ tầng là một điển hình về hiệu ứng lan tỏa sự thành công. Rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường của Nhật Bản đã tìm đến KCN kiểu mẫu này. Tại KCN Ðồng Sóc, các nhà đầu tư thứ cấp của Hàn Quốc như Interflex, Young Poong Electronics Vina và Korea Circuit đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác.

Đổi mới để tạo động lực mới

Theo thống kê, có đến 73,3% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.  Không để dịch bệnh chi phối, để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, tỉnh tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính, thu hút lao động, xuất nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp như Honda, Toyota, Piaggio bày tỏ cảm kích trước tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình của các ban, ngành trong tỉnh vì đã giúp họ tháo gỡ khó khăn trong lúc “nước sôi lửa bỏng”.

Năm 2020 và bốn tháng đầu năm 2021, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã giải quyết nhiều phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đất đai, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng. Sở Xây dựng đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định, giảm 10 ngày thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A; giảm năm ngày đối với dự án nhóm B và dự án nhóm C,… Toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã vào cuộc giải phóng mặt bằng, giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án. Môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc hiện nay được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tốt.

Trong điều kiện dịch bệnh, tỉnh đổi mới cách thức vận hành bộ máy xúc tiến đầu tư qua việc đa dạng hóa các kênh xúc tiến đầu tư, như qua internet, qua kênh ngoại giao, giảm trao đổi trực tiếp, tăng trao đổi trực tuyến. Do đó, mặc dù không thể tổ chức các đoàn, các hội nghị, nhưng dòng vốn đầu tư chảy vào tỉnh vẫn tăng. Quý I/2021, tỉnh đã thu hút, cấp mới 8 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 114 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho năm lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 32 triệu USD.

Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực. Ðáng chú ý, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh trong quý I/2021 đạt gần 6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu ngân sách đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ, tín hiệu tốt cho tăng trưởng kinh tế. Ðầu năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư sáu KCN, nâng tổng số lên 15 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó có dự án KCN Sông Lô II với quy mô hơn 165 ha, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa gần 150 ha và Tam Dương I – khu vực 2 quy mô 162 ha,…

Dù dịch bệnh đã và đang diễn ra phức tạp, thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp đang xem Vĩnh Phúc là “mảnh đất lành” để đầu tư hiệu quả. Hơn nữa, khả năng kiềm chế, khống chế dịch bệnh của Vĩnh Phúc trong thời gian qua được đánh giá tốt. Điểm sáng này khiến doanh nghiệp cảm thấy đây là địa điểm có thể duy trì sản xuất, duy trì cung ứng hàng hoá, dịch vụ ngay cả trong giai đoạn khó khăn.

VIỆT AN – NGỌC ÁNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT