Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng rằng trong thời gian tới, với sự tác động tích cực từ những quyết sách của Chính phủ, nhiều dự án Bất động sản sẽ được tháo gỡ, tạo nên nguồn cung lớn trên thị trường.

Thiếu vắng nguồn cung mới

Thị trường bất động sản suy yếu kể từ năm 2022 và kéo dài cho tới tận bây giờ khiến cho thị trường luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân.

Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018 (năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Quý I/2023 nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn.

Thị trường đang thiếu vắng nguồn cung mới.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, bên cạnh thiếu hụt nguồn cung, thị trường bất động sản còn sụt giảm nguồn cầu, sụt giảm giao dịch và mất thị trường. Thời gian qua, thị trường bất động sản luôn trong trạng thái thiếu vắng khách hàng bởi sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ và không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Niềm tin vào thị trường bất động sản của khách hàng ngày càng sụt giảm, một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế chung.

Theo giới chuyên gia, việc thiếu nguồn cung mới ra thị trường có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do pháp lý các dự án chưa được tháo gỡ, nhiều dự án trong trạng thái đắp chiếu, chờ phê duyệt. Điều này diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước.

Dự án đắp chiếu, không thể triển khai, nhiều doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, vừa nóng vừa ngộp thở. Trong quý I/2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động.

Theo ông Đính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản là cầu nối giữa các chủ đầu tư với khách hàng. Nguồn thu của các doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc phân phối các sản phẩm bất động sản. Khi thị trường không có sản phẩm, thiếu hụt khách hàng thì đương nhiên các doanh nghiệp bắt buộc bị đặt vào thế khó.

Kỳ vọng nguồn cung mới dồi dào sau loạt dự án được tháo gỡ

Phát biểu tại “Ngày hội Môi giới bất động sản Việt Nam 2023”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, thị trường bất động sản thời gian đã và đang phải trải qua những khó khăn, vướng mắc, trong đó có tình trạng một số sàn giao dịch bất động sản phải thu hẹp quy mô, ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự. Nguồn cung, cơ cấu sản phẩm bất động sản khan hiếm, kém phong phú, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của các sàn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Thứ trưởng cho biết, Tổ công tác đã rất tích cực đến các địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các địa phương sớm phê duyệt các dự án. Các địa phương như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…

“Mặc dù bước đầu kết quả chưa được nhiều, nhưng chúng tôi tin tưởng, trong thời gian tới đây, rất nhiều dự án sẽ được tháo gỡ để tạo nguồn cung lớn”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng kỳ vọng.

Nói về điểm nghẽn thể chế, ông Sinh cũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã sửa đổi ban hành kịp thời. Một số nhóm vấn đề vướng mắc lớn đã được đề xuất sửa đổi và đang trình Quốc hội trong các dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, trong quý II/2023 này, sẽ có nhiều hơn những văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn dự án đang đợi tham gia vào thị trường, cung cấp vào thị trường nguồn cung mới. Nếu thị trường có nhiều hơn nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, nhu cầu đầu tư. Chính phủ tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, ban hành các chính sách đúng và trúng vào các điểm nghẽn, liên tục tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh hợp lý, tiệm cận với khả năng của những người có nhu cầu thực. Có thêm hàng, có dòng tiền, doanh nghiệp có thêm vốn từ các kênh huy động khác, thị trường sẽ có thêm những khởi sắc.

Theo KDPT