Chưa bao giờ các doanh nghiệp ngành gỗ lại rơi vào tình trạng “ế ẩm” như hiện nay, thậm chí không có đơn hàng. Do khó khăn về thị trường tiêu thụ nên gần một năm qua, các nhà máy sản xuất gỗ trên địa bàn xã Phú Tiến đã phải tạm dừng nhiều dây chuyền sản xuất, hoặc duy trì một số bộ phận với vài chục công nhân hoạt động cầm chừng.

Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhà máy vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống của cho công nhân, người lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 – 10 triệu đồng/người/tháng . Trong bối cảnh khó khăn và thách thức thị trường vẫn còn đó, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ sụt giảm mạnh đến 34,8% trong những tháng đầu năm nay. Nhìn chung sản lượng gỗ quý I/2023 giảm so với cùng kỳ do các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 ở các năm 2020 và 2021.

Doanh nghiệp đầu tư dây truyền khép kín đang “đợi từng đơn hàng”

Công ty TNHH Thương Mại và Chế biến gỗ Dũng Chung đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ, khép kín, bao gồm các công đoạn bóc ván, sấy ván, xếp tấm, ép nguội, ép nóng, chà mặt, dán mặt, cắt cạnh, chà bóng thành phẩm, công suất 3000m3/năm. Hoạt động sản xuất được duy trì tốt và hy vọng sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ là giai đoạn bứt phá, bởi mọi điều kiện sản xuất đã được đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bắt đầu khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty chỉ ký được vài đơn hàng, các khu nhà sản xuất trống huơ trống hoác, sản phẩm tồn kho chất đầy nhà máy. Công ty đã phải cho dừng một số dây chuyền sản xuất do thiếu đầu ra của sản phẩm. Mặc dù Công ty đã ký liên kết trên địa bàn và khu vực lân cận thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng của người dân trong xã Phú Tiến và một số địa phương lân cận, để thu mua làm nguyên liệu sản xuất ván xuất khẩu. Nay thì mọi hoạt động đều bị đình trệ. Hoạt động sản xuất khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gỗ cho người dân tại các vùng nguyên liệu địa phương và vùng lân cận.

Ngành gỗ đang đứng trước nhiều khó khăn

Ông Ngô Đăng Dũng – Công ty TNHH Thương Mại và Chế biến gỗ Dũng Chung cho biết: “Các đơn hàng sản xuất khẩu gỗ của công ty hiện tại chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 30% công suất, rất khó khăn để duy trì việc làm xuyên suốt cho công nhân”. Ông cho rằng, đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong những tháng qua. Theo ông Dũng, “tình trạng này chưa bao giờ xảy ra nên hiện tại doanh nghiệp chỉ duy trì công suất sản xuất khoảng 20-30% so với trước đây, chủ yếu là để giữ chân người lao động giỏi”.

Tình trạng thiếu đơn hàng không chỉ xảy ra tại Công ty TNHH Thương Mại và Chế biến gỗ Dũng Chung, mà hầu hết các các doanh nghiệp trong ngành gỗ đều gặp tình trạng trên, đang rất khó khăn khi đơn hàng sụt giảm kéo dài. Lượng đơn hàng của hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong thời điểm này chỉ đạt khoảng 20-30%.

Thông thường, tháng 3 hàng năm các doanh nghiệp đã nhận đơn hàng để sản xuất cho 6 tháng tiếp theo và nhận các thông tin dự kiến đơn hàng cho đến cuối năm để chủ động trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu gỗ. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chỉ nhận đơn hàng để sản xuất cho 1 – 2 tháng tiếp theo; bên cạnh đó, các chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là chi phí vận chuyển. Vì vậy, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất kém hiệu quả.

Khó khăn vẫn ở trước mắt

Những tưởng dịch Covid-19 qua đi thì nhu cầu thị trường tăng, nhưng thực tế ngày càng khó khăn. Nguyên nhân thị trường khó khăn là do ảnh hưởng của chiến sự Nga – Ukraine khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ giảm, đặc biệt là tại các nước EU và Bắc Mỹ là 2 thị trường chính xuất khẩu các sản phẩm ván gỗ cao cấp .

Năm 2022 lạm phát gia tăng bởi tác động từ chiến sự Nga – Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng chậm đặc biệt ở các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản là các thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp ngành gỗ. Người tiêu dùng ở các quốc gia này thắt chặt chi tiêu, nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ gần như cắt giảm tối đa.

Bước sang năm 2023, hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm càng thêm khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, như Công ty TNHH Thương Mại và Chế biến gỗ Dũng Chung, vẫn chưa ký được đơn hàng nào đi Bắc Mỹ – đây vốn là thị trường chủ lực nên điều này đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất. Hai khu vực thị trường là Mỹ và châu Âu bị sụt giảm đơn hàng mạnh bởi lạm phát tăng cao. Trong khi đó, đơn hàng đi Hàn Quốc, Nhật Bản thì quá rẻ và vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt nên không đủ bù chi phí sản xuất. Thị trường tiêu thụ trong nước không đảm bảo được dây truyền sản xuất.

Bên cạnh các lý do trên, còn có nguyên nhân là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam, cho rằng sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Thị trường trong nước thì chủ yếu là các đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp, đối tác thanh toán chậm nên rất khó sản xuất. Theo đại diện doanh nghiệp ở xã Phú Tiến, thì đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khảo sát tại các nhà máy, chứng thực sản phẩm xuất khẩu sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và hy vọng tới đây, DOC không áp mức thuế chống bán phá giá, từ đó việc đưa sản phẩm trở lại thị trường Hoa Kỳ sẽ thuận lợi hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Tuấn Sơn – Chủ tịch UBND xã Phú Tiến chia sẻ: “Trên địa bàn xã Phú Tiến có nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ và xuất khẩu gỗ vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, thời gian qua, các đơn hàng xuất khẩu gỗ bị cắt giảm lớn, thậm chí có doanh nghiệp từ đầu năm không có đơn hàng phải dừng hoạt động sản xuất. Tỉ lệ xuất khẩu chiếm tới 70% doanh thu của các doanh nghiệp – khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, hàng tồn kho lớn, tiền vốn ứ đọng, khó khăn chồng chất”.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 3-2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu đô la Mỹ, giảm 30% so với cùng kỳ.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đề xuất các bộ, ngành và địa phương ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại. Hỗ trợ thành lập trung tâm thương mại quốc tế có tầm cỡ, quy mô để tổ chức các sự kiện, hội chợ giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực để có thể chủ động giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại. Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của ngành gỗ như: sơn, keo, đinh vít, bao bì, logistic. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung trong nước, rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; có các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: “Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng”.

Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ cần có nhiều nỗ lực để tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường, nắm bắt tốt thông tin, đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm đang có thế mạnh để tăng cường thêm số lượng đơn hàng, tăng doanh thu. Bên cạnh đó, tích cực xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp đối tác và người tiêu dùng, tạo thêm các mối quan hệ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Theo KDPT