Những năm qua, nhiều nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa đã được ban hành. Cụ thể Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16.7.1998; Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014.
Quốc hội cũng đã ban hành các luật có liên quan đến lĩnh vực này như Luật Du lịch 2017; Luật Kiến trúc 2019; Luật Xây dựng sửa đổi 2020; Luật Điện ảnh 2022, Luật Sở hữu trí tuệ 2022… Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn này, ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm (từ 2016 – 2018) triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp khoảng 3,61% GDP.
Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Bình quân 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Tính riêng năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa. Bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Tuy vậy, ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách. Như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là chưa quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn đối với một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa; cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ.
Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn. Công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa chưa hiệu quả. Các nguồn lực đầu tư cũng chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công tư (PPP) chưa đạt yêu cầu.
Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế, thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một số tác phẩm có biểu hiện “lệch chuẩn”, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, dịch bệnh… Nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cả về số lượng và chất lượng; thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp. Nhiều lĩnh vực chưa chuẩn hóa phương pháp thống kê, thiếu hệ thống theo dõi nên khó đánh giá tình hình phát triển.
Vậy nên, ngành công nghiệp văn hóa phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, ngoài vấn đề về vốn, điều quan trọng là cần nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế nhất là về cơ chế chính sách. Xác định những sản phẩm, dịch vụ cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao. Xây dựng chiến lược phát triển chung và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Và vấn đề đặc biệt quan trọng, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động. Phải đổi mới, đột phá trong cách làm để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.