web analytics

Quý II/2021: 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 06/07/2021

(KDTT) – Sáng nay (06/7/2021), Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng năm 2021; công bố kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

Ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại buổi họp báo.

Ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; đại diện các Bộ, Ngành; đại diện các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. Buổi Họp báo được kết nối trực tuyến tại các điểm cầu các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

TCTK đã công bố số liệu lao động, việc làm quý II và 6 tháng năm 2021; báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam và báo cáo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

Theo báo cáo lao động, việc làm, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II/2021. Theo đó, quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…;  lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 355 nghìn người và tăng hơn 1 triệu người; lực lượng lao động nam tăng 36,3 nghìn người so với quý trước; lực lượng lao động nữ tăng hơn 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý II năm 2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở khu vực nông thôn là 31,8 triệu người; lao động có việc làm ở nữ là gần 23,4 triệu người.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2021 là 57,4%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 48,6%; khu vực nông thôn là 64,5%.

Số lao động sản xuất tự sản tự tiêu quý II năm 2021 là 4,2 triệu người (tăng gần 0,6 triệu người so với quý trước và 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2021 là 2,60%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương là 7,3 triệu đồng; lao động nữ là 6,2 triệu đồng.

Khái quát lại, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý II năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Cụ thể, tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt, ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực; để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội như tệ nạn xã hội, trộm cắp.

Lý giải thêm những băn khoăn về tỷ lệ có vẻ lạc quan hơn so với thực tế, nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2020, trong khi số lao động việc làm vẫn tăng, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, các biện pháp phòng chống dịch lần này đã thay đổi theo hướng khoanh vùng cách ly và nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh.

“Nhưng con số gần 1,8 triệu người có việc làm tăng thêm so với cùng kỳ năm trước không phải là thành quả đáng vui mừng, mà do tăng trên một nền so sánh thấp. So với trạng thái cân bằng bình thường của nền kinh tế (thường tăng thêm khoảng 3,4 – 3,5 triệu việc làm mỗi năm) thì điều này có nghĩa là đã có khoảng 1,7 triệu người bị tước đi cơ hội lao động”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhấn mạnh.

NGUYỄN NGÂN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT