web analytics

Quốc hội sẽ xem xét đề án thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội 17/10/2019

(KDTT) – Đề án thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội với mô hình không tổ chức HĐND cấp phường sẽ được Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 8, khai mạc đầu tuần tới. 

Chiều 16/10, Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã ở Hà Nội (chính quyền đô thị).

Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành thí điểm chính quyền đô thị hai cấp ở Hà Nội vì “đây là việc cần thiết, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn”.

Thường vụ thống nhất sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội vào kỳ họp thứ 8.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ thêm chức năng và nhiệm vụ của Chủ tịch phường khi không còn HĐND. “Chủ tịch phường theo đề án chính quyền đô thị phải khác với thiết chế hiện nay. Đây là chính quyền hành chính nhưng là “cánh tay nối dài” của quận ở cấp phường”, ông nói.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng, thí điểm không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội sẽ gọn bộ máy, giảm thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Trả lời những băn khoăn về tên đơn vị cấp phường khi bỏ HĐND, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội nói nếu gọi là Uỷ ban hành chính thì có bất cập là hồ sơ, lí lịch của 5 triệu người sẽ phải thay đổi. Đồng thời, khi lấy ý kiến về đề án thì đa số người dân đồng tình lấy tên Uỷ ban nhân dân phường, nên đề án dùng tên gọi này.

Theo đề án, chính quyền đô thị ở Hà Nội sẽ gồm hai cấp thành phố và quận, cùng cơ quan hành chính cấp phường. Ở nông thôn vẫn duy trì ba cấp chính quyền gồm thành phố, huyện (thị xã), xã (thị trấn). Dự kiến 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND trong nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo VNE