web analytics

Ổn định kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam. 17/05/2019

(KDTT) – Mới đây tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp” do viện Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị “Ổn định kinh tế & cạnh tranh doanh nghiệp”. Ảnh: Duy Khánh.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh chủ trì hội nghị. Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Ban giám sát tài chính quốc gia, các chuyên gia kinh tế… và hàng trăm đại biểu đại diện cho các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan truyền thông báo chí Trung ương, địa phương.

Theo ban tổ chức, nhằm đánh giá và đưa ra giải pháp, chính sách đảm bảo vấn đề kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập, hội nghị thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phát triển và cạnh tranh doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế phát triển ổn định.

Trong đó, những chủ đề chính được đưa ra như: Ảnh hưởng CMCN 4.0 đến hệ thống tài chính Việt Nam; Giải pháp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay; Hành lang pháp lý ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua Chuyển đổi số; Kinh tế Nền tảng; Năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Giải pháp về Quản trị doanh nghiệp được hội nghị bàn thảo sôi nổi.

Trước đó, trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng năm 2018, nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung – cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển; Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt hơn 7% so với năm 2017 – mức tăng trưởng cao nhất 11 năm qua; Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp được thành lập mới tăng mạnh; Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước tăng cường; Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện…

Theo KDPT