Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười phát biểu tham luận tại hội thảo.

Tiềm năng phát triển kinh tế rừng của Đắk Nông

Theo đó, hiện nay tỉnh Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên 650.927 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn (293.039,84 ha), chiếm 45% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Rừng ở Đắk Nông có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm và nhiều cảnh quan đẹp nên Đắk Nông được cho là có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế rừng.

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh Đắk Nông xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; đặc biệt sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai thực hiện Chỉ thị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Chỉ thị và các văn bản khác với mục tiêu khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các Sở, Ban, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện quyết liệt; qua đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh những năm gần đây có những chuyển biến tích cực, cụ thể: tình hình vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp cơ bản được kiềm chế; đa số các vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng; tình trạng phá rừng cơ bản được kiểm soát; số vụ phá rừng và diện tích rừng bị thiệt hại giảm qua từng năm. Công tác phát triển, nâng cao giá trị rừng ngày càng được chú trọng; diện tích rừng trồng hàng năm cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật tại một số địa bàn vẫn xảy ra; công tác phát triển rừng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tỷ lệ che phủ rừng cơ bản đạt chỉ tiêu hàng năm đề ra nhưng còn thấp so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; chưa khai thác tốt tiềm năng kinh tế rừng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp là do đời sống của người dân địa phương, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số sống trong và gần rừng còn quá nhiều khó khăn, dẫn đến người dân phá rừng, lấn, chiếm đất trái phép để lấy đất sản xuất; bên cạnh đó, trong giai đoạn thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên hiện nay, các đơn vị chủ rừng không có đủ kinh phí để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án liên quan lĩnh vực Lâm nghiệp; đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương trong lĩnh vực lâm nghiệp, cũng như ban hành chính sách đặc thù của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Đắk Nông từng bước triển khai chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn mang thương hiệu riêng của tỉnh; tập trung bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh khai thác, phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh, phấn đấu trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế gắn với bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Dòng Liêng Nung (Đắk Nông)

Hành động thiết thực

Qua đó, tỉnh Đắk Nông có một số hoạt động đã triển khai như: Ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 18/08/2022 về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao, có chứng nhận, mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn liền du lịch cộng đồng với lợi thế từ Công viên địa chất toàn cầu có sự đa dạng (gồm du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề,…); chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng trọng điểm như: Cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa, nâng cấp trục đường tỉnh lộ…;

Đối với phát triển kinh tế rừng, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững cho các đơn vị chủ rừng, theo quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định quản lý rừng bền vững; trong đó, tập trung triển khai một số hoạt động kinh tế rừng như: Cung ứng dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng tập trung, trồng nông lâm kết hợp; khai thác du lịch sinh thái; trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng cây đặc sản, cây đa mục đích; khai thác các sản phẩm từ rừng trồng,…

Rừng thông ven Quốc lộ 14 và 28 chạy qua các huyện Đắk Glong, Đắk Song ở tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn

Nguyên nhân của những hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, như: Thu hút đầu tư vào hoạt động nông, lâm nghiệp nghiệp gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức quản lý rừng chưa bền vững; các hoạt động kinh tế rừng mới ở giai đoạn sơ khai bước đầu, kết quả đạt được chưa rõ nét. Theo lãnh đạo tỉnh, một số nguyên nhân chính được xác định như:

Một số cơ sở pháp lý còn bị chồng chéo; chưa thống nhất, đồng bộ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện; hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh còn nhiều hạn chế; chính sách thu hút đầu tư chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Quy hoạch đất đai, lâm nghiệp và các ngành, lĩnh vực chưa tốt, đặc biệt đối với quy hoạch lâm nghiệp thường xuyên bị thay đổi, điều chỉnh nên thiếu tính bền vững; tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra; một số mô hình tổ chức quản lý rừng hoạt động chưa hiệu quả; nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa đảm bảo và đáp ứng nhu cầu thực tế.

Diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cơ bản bị người dân lấn, chiếm để sản xuất, trồng các loài cây công nghiệp, cây nông nghiệp; việc cưỡng chế, giải tỏa gặp nhiều khó khăn; tình trạng người dân thường xuyên chống đối, phá, nhổ cây rừng trồng, tái lấn, chiếm đất, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra.

Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng thấp; đặc biệt là đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trong thời gian đóng cửa rừng mức hỗ trợ của nhà nước 300.000 đồng/ha/năm không đảm bảo để các đơn vị chủ rừng chi trả lương, các chế độ ngoài lương cho người lao động…dẫn đến người lao động không yên tâm công tác, xin nghỉ việc nhiều… ảnh hưởng nhất định đến công tác bảo vệ rừng tại địa phương.

Chỉ tiêu quy hoạch đất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 của tỉnh tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ chưa phù hợp với tình hình thực tế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới, cần được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế tại địa phương.

Vườn Quốc gia Tà Đùng ở huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) có hơn 21.000ha rừng, đất rừng.

4 giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ, phát triển kinh tế rừng

Nhằm phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân; tăng nguồn thu cho các chủ rừng trong giai đoạn đóng cửa rừng hiện nay; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát rừng tại địa phương, tỉnh Đắk Nông đề xuất thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng;…

Thứ hai: Tiếp tục duy trì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện có; phát huy thế mạnh của rừng thông qua hoạt động cho thuê môi trường rừng; từng bước tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, hành lang pháp lý để tiếp cận và tham gia thị trường Carbon… tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế rừng; xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó ưu tiên cho thuê dịch vụ môi trường rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, bảo tồn đa dạng sinh học; thu hút các nhà đầu tư chế biến sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp tục phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu bằng các hình thức đa dạng, thích hợp, như: trồng dưới tán rừng tự nhiên, rừng trồng, diện tích đất chưa có rừng… kết hợp phát triển các loài cây đặc hữu, bản địa có giá trị bảo tồn… với diện tích quy hoạch theo các phương án quản lý rừng bền vững của các đươn vị chủ rừng đã được phê duyệt.

Thứ ba: Thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Dự án…. của Trung ương liên quan lĩnh vực nông lâm nghiệp, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Đề án trồng một tỷ cây xanh;….

Thứ tư: Đối với chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Đắk Nông tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Nông kính đề nghị Ban kinh tế Trung ương quan tâm, có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 giảm từ 292.981 hecta xuống 247.565 hecta theo kiến nghị của UBND tỉnh tại Báo cáo số 901/BC-UBND ngày 27/12/2021.