web analytics

Nhịp cầu hồi sinh cho nền kinh tế bền vững 31/01/2022

(KDTT) – Hai năm 2020-2021, do tác động của dịch bệnh, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong khó khăn và ở mức thấp. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Muốn vậy, cần thực hiện linh hoạt, hiệu quả cả hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Ảnh minh họa.

Theo đó, nền kinh tế và các doanh nghiệp cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Tiếp tục ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tất nhiên quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Nền kinh tế tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng. Để phục hồi và phát triển kinh tế cần triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách, trong đó tập trung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động khắc phục khó khăn, phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh, chuyển hưởng, thích nghi với hoàn cảnh với sự chuyển dịch kinh doanh của Việt nam và các nước trong khu vực, trên thế giới. Trước hết, phục hồi kinh tế, mở cửa nền kinh tế gắn chặt với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng và chống dịch bệnh.

Nhà nước tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Thứ hai, sử dụng linh hoạt và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là nền tảng quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, có cơ chế huy động thêm nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng và ban hành kịp thời, đồng thời sớm đi vào cuộc sống những văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Thứ tư, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Các doanh nghiệp cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong đầu tư, kinh doanh để khôi phục sản xuất kinh doanh , mở rộng thị trường, đổi mới sản phẩm, dịch vụ… Đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thác hiệu quả không gian tăng trưởng mới và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp. Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu…Khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển trên cơ sở lấy đầu tư công dẫn dắt và áp dụng phương thức hợp tác đối tác công tư. Tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Thứ sáu, quan tâm phát triển văn hóa, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và doanh nhân đóng vai trò quan trọng, không chỉ là động lực mà còn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế bền vững phải đồng bộ và hài hòa với phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, phát triển kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân là văn hóa của sự hội tụ, liên kết, văn hóa làm giàu và vì cộng đồng, vì xã hội. Cần triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; triển khai các giải pháp phục hồi và ổn định thị trường lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh triển khai kịp thời, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Thứ bảy, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị đất nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm thể chế, cơ chế, chính sách và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta tin tưởng rằng, năm 2022 sẽ là những nhịp cầu chắc chắn trên con đường đi tới vinh quang của Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Bạn đang đọc bài Nhịp cầu hồi sinh cho nền kinh tế bền vững tại chuyên mục Kinh tế
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT