Nhiều tín hiệu tích cực
Theo báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý II/2023 của Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản DKRA (DKRA Group) vừa công bố cho thấy đã có những chuyển biến tích cực về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc.
Theo đó, phân khúc đất nền trong quý II tại thị trường TP HCM và vùng phụ cận ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 867 nền, tăng 2,3 lần so với quý trước. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 44%, tương đương 378 nền, tăng gấp 4,8 lần so với quý I/2023.
Theo DKRA dự báo, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý III/2023 sẽ tiếp tục khởi sắc, dao động ở mức 750 – 900 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Sức cầu chung toàn thị trường dự kiến tăng nhẹ nhưng khó có đột biến và giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý.
Trong khi đó, với phân khúc căn hộ, trong quý vừa qua chào đón 15 dự án mở bán, với nguồn cung mới khoảng 1.826 căn, tập trung chủ yếu tại TP HCM và Bình Dương. Nguồn cung mới tăng 33% so với quý trước nhưng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khoảng 65% nguồn cung mới, tương đương 1.179 căn.
Cùng với đó, báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS về các xu hướng nửa cuối năm 2023 của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy 61% người tham gia khảo sát có dự định mua BĐS trong một năm tới. Trong số đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (40%), sau đó mới đến chung cư (28%) và nhà riêng (21%). Điều đó cho thấy mặc dù thị trường BĐS chưa khởi sắc nhưng người dân và các nhà đầu tư vẫn luôn có nhu cầu mua BĐS trong tương lai gần, không hề lo sợ hay quay lưng như các kênh đầu tư khác.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Novaland – ông Bùi Thành Nhơn cũng khẳng định giai đoạn khó khăn nhất đã qua và hoạt động kinh doanh của Novaland sẽ phục hồi trong quý III/2023.
Với Novaland, ông Nhơn cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển xây dựng dự án, sắp xếp lại ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để tiếp tục bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ngoài ra, tập đoàn đang tiếp tục rà soát các quỹ đất, thoái vốn các quỹ đất chưa được ưu tiên phát triển để giảm nợ và thương lượng, đàm phán thu xếp vốn cổ đông cho các dự án sẽ phát triển trong thời gian tới.
Nhà đầu tư bắt đầu quay lại thị trường?
Khi thị trường bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, mặc dù chưa thực sự rõ nét, nhưng câu hỏi “có nên mua nhà để ở bây giờ hay đợi thêm?” là câu hỏi được đặt ra rất nhiều vào cuối quý II, đặc biệt trong nhiều tuần đổ lại đây.
Theo ông Phạm Lâm – Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), kể từ quý II/2023 nguồn cung mới rất hạn chế, hầu như ít so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung chủ yếu về đất nền, nhà ở thấp tầng với giá ban đầu phổ biến 30-50 triệu/m2 và 50-80 triệu đồng/m2, đây là phân khúc trung cao cấp chiếm phần lớn; còn mức giá 25 triệu/m2 chỉ chiếm đâu đó 2%. Nguồn cung mới còn hạn chế trong quý vừa rồi nhưng lượng giao dịch bắt đầu tăng nhẹ.
Cụ thể, quý II vừa qua, lượng tiêu thụ đạt khoảng 3.704 giao dịch, xấp xỉ 18% tổng cung mở bán mới. Số lượng trên tuy chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đã tăng hơn 30% so với quý 1. Trong đó, lượng thanh khoản liên quan đến chung cư chiếm tỉ lệ lớn hơn so với các loại hình bất động sản khác.
Có thể thấy, nếu với quý 1 thì rõ ràng nhu cầu mua bất động sản đang có những tín hiệu tốt, thị trường lạc quan hơn. Nhu cầu tăng chủ yếu do cơ chế Chính phủ đã thúc đẩy niềm tin người mua, lãi suất ngân hàng bắt đầu giảm, và các doanh nghiệp đưa ra chương trình kích cầu như giảm giá bán, hoặc đưa ra nhiều chính sách thanh khoản có lợi cho người mua như chỉ cần thanh toán 30-40%… để nhận nhà.
Nhu cầu thường tập trung vào các dự án có pháp lý sạch, uy tín chủ đầu tư. Các dự án tập trung vào các chính sách dễ thanh khoản góp phần tạo tín hiệu tích cực hơn cho thị trường trong quý 2, và thời gian tới. Do đó, đây là thời điểm tốt người mua nhà cân nhắc nếu thấy phù hợp với nhu cầu.
Đánh giá về diễn biến thị trường thời gian tới, TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đất Xanh (DXS-FERI), dẫn kết quả khảo sát của DXS-FERI cho thấy niềm tin thị trường sẽ dần quay trở lại từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi các chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng và trở thành động lực thị trường khởi sắc.
Cụ thể, Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp và kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm thêm sẽ tạo đà để lãi suất cho vay giảm mạnh từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ có động thái quyết liệt tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS, thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài…