Nhiều khó khăn, thách thức

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, đặc biệt là năm vừa rồi, chúng ta đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở báo cáo đề nghị của các cơ sở y tế toàn quốc, rồi ý kiến phản ánh của người dân cũng như qua quá trình theo dõi, Bộ Y tế nhận thấy những khó khăn, thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.

Tọa đàm “Ngành y vượt khó”

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, khó khăn đầu tiên phải kể đến là nguy cơ dịch COVID-19 vận còn. Các quốc gia trên thế giới đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn xuất hiện những biến chủng mới, có nguy cơ diễn biến phức tạp và khó khăn hơn. Bên cạnh đó, dịch như sốt xuất huyết và nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp… mà chưa rõ nguyên nhân. Cùng với đó là hệ thống y tế còn tồn tại hạn chế chưa giải quyết được ở giai đoạn trước; đồng thời nảy sinh thêm những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là sau COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế vẫn còn những bất cập nhất định, đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công. Nhiều nội dung chưa thể hiện hết được quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 20, 21 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng còn nhiều hạn chế; tỉ lệ tiêm chủng ở một số địa phương, một số khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn cũng chưa đảm bảo theo quy định; tình trạng quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng với quy định còn diễn biến phức tạp. Chất lượng công tác điều hành phục vụ người bệnh tại một số cơ sở vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là với các bệnh viện tuyến cuối, các bệnh viện tuyến Trung ương. Dịch vụ y tế ở các tuyến dưới chưa được nâng lên, trong khi thói quen và tâm lý của người bệnh lúc nào cũng muốn được điều trị tuyến cao hơn, gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; chưa phát huy được hết lợi thế của lĩnh vực y học cổ truyền.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế nhận thấy những khó khăn, thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay

Công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong nước mới dừng ở mức trang thiết bị thông dụng, hàm lượng công nghệ thấp; việc kiểm định trang thiết bị còn chưa được chú trọng đúng mức. Hệ thống xử lý nước thải quá tải, xuống cấp nên kết quả xử lý nước thải đầu ra chưa đảm bảo được yêu cầu. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục triệt để.

Công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhân lực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tê; tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập, đặc biệt là những cán bộ y tế có tay nghề cao, có kinh nghiệm càng gây khó khăn cho công tác nhân sự. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh cũng như phòng bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngân sách nhà nước chi cho y tế, bảo hiểm y tế có tăng nhưng tổng chi bình quân cho đầu người vẫn còn thấp. Kéo theo đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa bền; phương thức chi trả chậm được điều chỉnh và chưa đầy đủ. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để đảm bảo cho hoàn thiện cơ sở vật chất y tế, phục vụ cho chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng còn hạn chế.

Bệnh viện “kêu cứu” vì thiếu vật tư

Theo GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức), năm 2022, BV Việt Đức đã thực hiện hơn 79.000 ca khám chữa bệnh, phẩu thuật, điều trị. Rất đông bệnh nhân phải chờ đợi được khám và điều trị, trong khi đó, việc mua hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách. Không chỉ BV Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như BV Bạch Mai, BV K ở ngoài Bắc, BV Chợ Rẫy ở TPHCM cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh. Đơn cử, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết.

GS.TS Trần Bình Giang: Chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng cho xét nghiệm công thức máu

Cũng theo GS.TS Trần Bình Giang, ở BV Việt Đức, nếu như sử dụng bình thường thì chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng cho xét nghiệm công thức máu. Vật tư tiêu hao cho phẫu thuật của BV Việt Đức cũng chỉ trong một tháng nữa là hết. Như vậy BV Việt Đức “chỉ có thể tiếp nhận” bệnh nhân cấp cứu. “Chính vì vậy, đây là việc “cấp cứu” của “cấp cứu”, rất mong nhận được sự xử lý của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế tới Chính phủ để tháo gỡ sớm. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa, nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được” – GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ.

Ngoài ra, theo GS.TS Trần Bình Giang, nhiều vấn đề khác như tính giá dịch vụ, đấu thầu thuốc tập trung, mua thuốc theo Hiệp định CPTPP, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện… hiện không biết cách nào xử lý để các bệnh viện có thể hoạt động được.

Cũng tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (BV Bạch Mai) cho biết, BV Bạch Mai được thí điểm tự chủ toàn diện, nhưng thực tế giá viện phí vẫn tuân thủ quy định của luật pháp hiện hành, là giá duy nhất bằng giá khám chữa bệnh của bảo hiểm y tế. Ở BV Bạch Mai, hiện tại số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người dân đến khám; số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày.

Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang được thu bằng giá của bảo hiểm y tế. Ví dụ, giá siêu âm ổ bụng cho người bệnh thì các bệnh viện thu giá dịch vụ khám theo yêu cầu từ 110.000-150.000 đồng, nhưng BV Bạch Mai hiện thu chỉ 43.900 đồng; hiện tại không có một cơ chế nào để giúp cho BV Bạch Mai thu giá đúng, đủ. Do vậy, chênh lệch thu chi của Bệnh viện không có, mặc dù Bệnh viện được bệnh nhân rất tín nhiệm, đến rất đông. Từ đó nguồn tài chính để đãi ngộ cho cán bộ nhân viên rất thấp, BV Bạch Mai đã phải dùng đến Quỹ phát triển sự nghiệp, vay Quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Điều đó làm cho thu nhập của người lao động, của các y bác sĩ giảm rất nhiều. Bây giờ một khi có bệnh viện nào mới thành lập, tư nhân hoặc thậm chí kể cả bệnh viện công lập, có những khoa mới thành lập là cán bộ BV Bạch Mai lại rục rịch xin sang đơn vị đó.

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Giá siêu âm ổ bụng ở các bệnh viện thu từ 110.000-150.000 đồng, nhưng BV Bạch Mai hiện thu chỉ 43.900 đồng

BV Bạch Mai đã trải qua 2 cuộc chiến tranh và trong nhiều năm, nhất là trong 3 năm qua, không được đầu tư chút nào về xây dựng nhà cửa cũng như mua sắm thiết bị. Ba năm qua BV Bạch Mai tự chủ toàn diện, do vậy các tòa nhà xuống cấp hết sức trầm trọng. “BV Bạch Mai đang khẩn cấp xin Chính phủ, Bộ Y tế đầu tư khẩn cấp để nâng cấp các tòa nhà này vì không đảm bảo công tác khám chữa bệnh nữa” – PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Về mặt thiết bị y tế, là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất tín nhiệm BV Bạch Mai; người dân cũng như vậy, chuyển lên BV Bạch Mai rất nhiều. Ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, không giống như mọi năm thường bước vào quý II hoặc tháng 2, tháng 3 âm lịch thì số lượng bệnh nhân mới đông. Nhưng năm nay số lượng bệnh nhân tăng đột biến ngay từ mùng 6 Tết. Sau khi đi làm ngày đầu tiên, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú đã là 6.000 bệnh nhân. Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh Bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì BV Bạch Mai không có nguồn ngân sách nào.