web analytics

Ngành dệt may dự báo khó đạt mục tiêu xuất khẩu 21/08/2021

(KDTT) – Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, doanh nghiệp dừng sản xuất. Ngành dệt may hiện đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có và dự báo khó có thể đạt con số xuất khẩu năm 2021 như dự kiến là 39 tỷ USD.

Khó khăn đè nặng

Báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng lao động tạm thời không thể đi làm của tập đoàn đã lên tới trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam. Bên cạnh gánh nặng về trách nhiệm với người lao động, doanh nghiệp dệt may có thêm rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với các khách hàng.

Theo bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch Covid-19 đang bùng phát ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.

Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”.

Thông tin từ VITAS cho hay, dệt may Việt Nam đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vắc-xin cho ngành vẫn thấp.

Nhìn nhận nửa cuối năm 2021, tăng trưởng ngành dệt may có thể chậm lại do đợt bùng phát dịch Covid-19 ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.

Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Hoa Kỳ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay, vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là tiêm vaccine cho công nhân.

Một trở ngại khác của ngành dệt may Việt Nam chính là chi phí logistic tăng cao. Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM.

Thách thức những tháng cuối năm

Trong kịch bản tích cực, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8 này, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 chỉ đạt từ 32-33 tỷ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm. Số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65%.

Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý 3/2021. Tuy nhiên, theo VITAS, cơ hội về cuối năm sẽ vẫn có do hiện nhiều nhà máy may của Ấn Độ phải đóng cửa, hoặc chỉ hoạt động 50% công suất để ngăn chặn các ca lây nhiễm Covid-19 mới. Ngành dệt may của Myanmar đối mặt cùng lúc 2 vấn đề lớn là số ca nhiễm Covid-19 tăng và tình hình chính trị bất ổn.

Với bối cảnh này, Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng rằng những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp dệt may như TNG, May Sông Hồng (MSH) hay Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh… có thể hưởng lợi vì các nhà máy của họ đang được đặt tại Thái Nguyên, Nam Định và Huế, những nơi nằm ngoài tâm dịch hiện tại.

Theo VnDirect, TNG và MSH ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể nhờ các đơn hàng FOB dịch chuyển từ Ấn Độ và Myanmar trong quý II. Và sự gia tăng đơn hàng do gián đoạn nguồn cung ở thị trường Ấn Độ và Myanmar sẽ đóng góp lần lượt 20% và 15% vào doanh thu của TNG và MSH năm nay.

Trước đó, hồi đầu năm nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã nhận được đơn hàng, tăng trưởng liên tục sau thời gian dài trải qua khó khăn năm 2020, ngành dệt may đã đặt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD, đây là mức kế hoạch cao tương đương với năm 2019, nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm.

QUỲNH ANH

Bạn đang đọc bài Ngành dệt may dự báo khó đạt mục tiêu xuất khẩu
tại chuyên mục Thị trường.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT