(KDTT) – Trước khó khăn chung của thị trường cùng với hệ lụy từ đại dịch đã khiến bất động sản khó càng thêm khó, trong đó, loại hình shophouse trước đây từng là loại hình đầu tư sinh lời lớn nhưng đến nay, loại hình này đang dần bị “thất sủng”. Tình trạng vắng bóng khách thuê, các căn shohouse trong trạng thái “cửa đóng then cài” làm thị trường ngày càng trở nên ảm đạm hơn.
Theo thông tin từ trang của Metropole Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), các căn shophouse của dự án này được bán cùng với khu căn hộ cuối năm 2018. Shophouse ở dự án này có 2 loại: 2 tầng và 4 tầng với diện tích từ 170m2 đến 360m2. Tuy nhiên, hiện tại có hơn một nửa shophouse ở đây vẫn đang bỏ trống.
Cũng trên trục đường Mai Chí Thọ, nhiều căn shophouse thuộc dự án The Sun Avenue đang dán bảng cho thuê, trong đó có căn dán cả bảng cho thuê hoặc bán. Một môi giới khu vực này cho biết giá thuê shophouse tại khu vực này rơi vào khoảng 30 – 40 triệu đồng/căn tùy theo diện tích và vị trí.
Hay như tại dự án nhà phố The Sol Residence (quận 12, TP.HCM) có quy mô 1 ha, gồm 106 sản phẩm nhà phố liền kề với diện tích sàn 180 – 320 m2 do Công ty Thành Đô làm chủ đầu tư, dù đã bàn giao cho khách hàng hơn 1 năm trước, song đến nay, chỉ vài căn được sửa chữa, đưa vào sử dụng.
Ghi nhận trên các trang rao bán, giá dự án này hiện dao động từ 4,7 đến 5,8 tỷ đồng/căn, tương đương 80 – 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, vì không có cư dân vào ở, nên một số căn trước đây từng mở cửa hàng kinh doanh đã phải “tháo chạy” vì ế ẩm. Do vậy, rất nhiều căn nhà đã có nội thất cơ bản và lắp đặt thang máy, được rao cho thuê, nhưng không tìm được khách thuê.
Tương tự, các căn shophouse dọc theo trục đường Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức) có giá bán 27 – 35 tỷ đồng/căn, giá thuê 30 – 58 triệu đồng/tháng, nhưng cả dãy chỉ lác đác vài căn được khai thác.
Vì sao Shophouse lại vắng khách
Lý giải việc cho thuê shophouse trầm lắng một chuyên gia bất động sản nhận định nguyên nhân chủ yếu có thể do làn sóng cắt giảm nhân sự của nhiều doanh nghiệp lớn dẫn đến việc thu gọn lại không gian làm việc, doanh thu giảm sút. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp điển hình như doanh nghiệp bất động sản giải thể khá nhiều, còn đối với doanh nghiệp nhỏ có lượng nhân sự khá ít, thực hiện chiến lược chi phí cố định thấp, từ đó khiến nhu cầu thuê mặt bằng giảm sút.
Ở góc nhìn chuyên gia khác, nhìn chung với loại hình shophouse phải đáp ứng các tiêu chí như dự án được đầu tư tốt, mật độ dân cư đông, tỉ lệ căn hộ và số lượng shophouse phù hợp thì mới có hy vọng đắt khách.
Ông Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia cho biết, shophouse khối đế chung cư bị ế và bỏ trống là tình trạng phổ biến trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ế hàng loạt của shophouse khối đế chung cư là vị trí không thuận lợi. Đa số các dự án chung cư đặt shophouse ở tầng trệt, gần đường chính hoặc khu vực sầm uất. Tuy nhiên, không phải vị trí nào cũng thuận tiện cho hoạt động kinh doanh. Một số shophouse nằm trong khu vực xa trung tâm, không có sự phát triển hạ tầng hoặc không có mật độ dân cư đủ lớn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, shophouse có khuyết điểm thiếu tính đa dạng trong mô hình kinh doanh cũng là một nguyên nhân quan trọng. Phần lớn shophouse được thiết kế để làm các cửa hàng bán lẻ như quầy hàng, cửa hàng tiện lợi hoặc nhà hàng. Sự tập trung quá nhiều vào các ngành nghề tương tự đã làm mất đi sự hấp dẫn và không đảm bảo sự đa dạng của khu vực.
Thứ ba, một số dự án chung cư không có kế hoạch quản lý tốt cho khu vực thương mại tầng trệt. Các dịch vụ hỗ trợ như bảo trì, vệ sinh hay an ninh không được duy trì đúng mức. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại lớn cũng đóng vai trò quan trọng trong tình trạng ế ẩm của shophouse.
Ông Hà cũng nhận định thêm, một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến tình trạng kinh doanh ế ẩm của shophouse khối đế chung cư là quy hoạch khu chức năng thương mại khối đế bị thừa so với nhu cầu.
Cong theo ông Nguyễn Hồng Hải – Chủ tịch VNO cho biết: “Nhà phố thương mại là một trong những phân khúc thu hút được nhà đầu tư. Tuy nhiên, chi phí mua sản phẩm bất động sản trên ngay từ ban đầu đã rất cao, nên người mua luôn mong muốn bán hoặc cho thuê lại với giá cao để đạt được lợi nhuận từ sản phẩm”.
“Với thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, do kinh doanh ế ẩm, việc trả lại mặt bằng là giải pháp được nhiều người thuê lựa chọn. Mặc dù nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh tại thời điểm này vẫn cao nhưng nhiều chủ nhà không đồng ý giảm giá mặc dù đã để trống trong thời gian dài, điều này làm cho các mặt bằng như shophouse không tìm được khách hàng”, ông Hải nhận định.
Cũng theo ông Hải, với phân khúc nhà phố thương mại, các chủ đầu tư giai đoạn này nên cân nhắc lại giá thuê, giảm tối đa để cầm cự trong thời kỳ khó khăn. Còn muốn bán, nhà đầu tư cũng cần chờ có thanh khoản thị trường hoặc bán với giá hợp lý.