web analytics

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Doanh nhân với nghĩa đồng bào 13/10/2021

(KDTT) – 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra biết bao đau thương, mất mát, xáo trộn cuộc sống của cả đất nước. Với mỗi doanh nhân, trách nhiệm, áp lực của họ cũng tăng lên khi vừa phải đảm bảo sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp, vừa tham gia phòng, chống dịch. Trong bối cảnh đó, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; lá lành đùm lá rách”, tấm lòng thơm thảo của những doanh nhân, doanh nghiệp trên khắp cả nước hướng về đồng bào đã lan tỏa bao điều tốt đẹp. Họ cùng cả dân tộc thắp lên ngọn lửa sưởi ấm lòng người khó khăn, tiếp thêm động lực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Hàng hóa, nhu yếu phẩm của nhân dân, doanh nghiệp Nghệ An đã cập cảng Bến Nghé ủng hộ nhân dân miền Nam.

 

Dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay cũng là lúc tình hình dịch bệnh đã và đang được kiểm soát sau một thời gian căng thẳng.

Trong trường ca “Đất nước hình tia chớp”, tác giả Trần Mạnh Hảo đã viết: “Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/ Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/ Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/ Chọn vùng tâm bão để sinh con”. Những câu từ đó đã phần nào khắc họa nên dáng hình của đất nước, đi cùng với đó là sự thử thách dành cho dân tộc Việt. Ngàn đời nay, con Lạc, cháu Hồng đã luôn luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họaVì vậy, ngay từ buổi bình minh lịch sử, chúng ta ý thức được rằng, muốn tồn tại và phát triển phải dựa vào nhau như khóm tre, chung sức, đồng lòng, cố kết dân tộc. Trải qua các cuộc đấu tranh chống chọi với tự nhiên và địch họa, nhân dân ta luôn hiểu thấu triết lý, ý nghĩa của tình đồng bào, đã tạo nên một đặc trưng văn hoá nổi bật của Việt Nam: tư tưởng yêu nước thấm sâu và bao trùm mọi lĩnh vực. Tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau là những đức tính được hun đúc, sợi chỉ đỏ xuyên suốt truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để rồi trải qua bao khó khăn, hoạn nạn, trong thử thách của chiến tranh, địch họa, người Việt Nam luôn và đều có những sáng tạo không ngừng để hướng về tương lai tốt đẹp.

Và đến nay, dịch Covid-19 lại càng củng cố thêm giá trị nhân văn đó trong mỗi con người Việt Nam, trong đó có các doanh nhân dân tộc. Mặc dù trong 9 tháng của năm 2021, Việt Nam đã có hơn 90 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng có 10 ngàn doanh nghiệp rút lui, ngừng kinh doanh hoặc phải giải thể, tăng hơn 24% so với năm 2020. Khó khăn là tình trạng chung không kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ, gia nhập thị trường mới hay có lịch sử lâu dài. Bất kỳ doanh nghiệp nào nằm trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hay chuỗi vận chuyển cho nền kinh tế không ít thì nhiều đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng càng khó khăn, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, quân dân gắn kết, tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia càng lan tỏa.

Chia sẻ về những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nhân nói riêng trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (Huba) cho biết, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam đã tạo nên cuộc khủng hoảng chưa từng có trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Ở mặt trận kinh tế, các doanh nghiệp phải vật lộn với hàng loạt vấn đề để có thể duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, cũng không ít doanh nhân ngậm ngùi chấp nhận đóng cửa nhà máy.

“Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng trong suốt nhiều tháng qua, doanh nghiệp, doanh nhân TP Hồ Chí Minh luôn xác định: Chỉ khi xã hội được an toàn thì doanh nghiệp mới an toàn sản xuất và phát triển được. Do đó, doanh nghiệp đã dốc hết sức mình, mang phần lớn các nguồn lực còn lại để chung tay cùng Thành phố chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, cộng đồng”, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.

Rất khó kể hết sự những đóng góp của các lực lượng, thành phần trong cuộc chiến chống dịch, nhưng mỗi cá nhân khi xông pha ra mặt trận tuyến đầu đều không từ nan gian khó, hiểm nguy.

Không chỉ đóng góp tiền của, trang thiết bị phục vụ tuyến đầu chống dịch, nhiều doanh nhân còn trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện, tận tay đi trao từng suất cơm, phần nước, túi thuốc cho F0 chỉ với mong muốn góp phần tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu và người dân Thành phố vượt qua đại dịch…

Từ tháng 5/2021, tại trụ sở Bộ Y tế, khi Quỹ vắc-xin mới được thành lập, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thường xuyên tiếp nhận tài trợ của các doanh nghiệp. Kỷ lục trong buổi sáng ngày 28/5, có 8 đơn vị, doanh nghiệp trao tặng 185 tỷ đồng cho Quỹ.

Các doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vắc-xin Phòng Covid-19.

 

Ngay từ những ngày đầu của dịch Covid-19, là một doanh nghiệp ở mảng dịch vụ, sự tham gia chủ động của Vietjet đã thể hiện quyết tâm hỗ trợ cộng đồng của người đứng đầu hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam. Hàng nghìn chuyến bay được khẩn trương thực hiện, trong đó rất nhiều chuyến bay không tải một chiều đưa người dân Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… về Việt Nam. Khách quốc tế cũng được giải tỏa về nước, không ai bị kẹt lại.

Các tập đoàn khác trong nước cũng chung tay đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và triển khai nhiều hoạt động cấp bách để đẩy lùi dịch bệnh. Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Masan, Thaco… đều là những doanh nghiệp tầm cỡ của Việt Nam nhanh chóng có động thái tương trợ Chính phủ và cộng đồng nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

“Mọi đóng góp lớn lao hay bé nhỏ đều không kém phần trân quý. Tất cả đã và đang kết nối tình người, kết nối “một vòng tay lớn”, toàn dân một lòng vì công cuộc chống dịch. Đó cũng chính là triết lý sống cho đi mà không mong nhận lại điều gì”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank chia sẻ.

Rồi các ổ dịch lớn, nhỏ xuất hiện, các “làn sóng” dịch bệnh xô nhau, nhưng cùng cả nước, các doanh nghiệp vẫn đồng lòng, chung sức với Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch. Trong gần hai năm qua, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tại Việt Nam không hề ít, những doanh nghiệp còn tồn tại cũng rơi vào cảnh “lao đao”. Nhưng cùng với “lời hiệu triệu” của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần “lá lành đùm lá rách” có truyền thống nghìn đời tiếp nối, đây là lúc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình với Tổ quốc không chỉ bằng số thuế đóng hằng năm mà là vì sự bình an của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh nội lực chiến thắng bất kỳ kẻ địch nào, kể cả Covid-19 đang khiến thế giới ngoài kia điêu đứng.

Nhìn lại lịch sử, cách đây 76 năm, khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời, đối diện với thù trong giặc ngoài, bủa vây khốn khó, các nhà tư sản dân tộc khi ấy đã đứng lên cùng dân tộc, người góp của, kẻ góp công mà kiến thiết, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Ngày nay, doanh nghiệp Việt đã vững vàng hơn, ưỡn ngực đón sóng cả, lại một lần nữa chung tay góp sức, “chia lửa” cùng Nhân dân và Chính phủ đẩy lui “giặc” Covid-19. Ngẫm lại, sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp có gì khác là Hội tụ-Làm giàu-Kiến quốc? Lúc này đây cần lắm sự hội tụ, kiến quốc của doanh nghiệp, để ngày mai khi nhịp sống trở lại bình thường, làm giàu hẳn cũng chưa muộn.

Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, doanh nghiệp này đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng với các trang thiết bị cho phòng chống dịch. “Cộng đồng doanh nghiệp cam kết nỗ lực hết mình, mang hết “Tâm-Tài -Trí –Tín” để đóng góp xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phòng chống dịch Covid-19”, bà Nguyễn Thị Nga khẳng định.
“Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…”.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ như vậy tại cuộc gặp mặt của doanh nhân với Thủ tướng Chính phủ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) được tổ chức gần đây.

Trong quá trình phát triển của đất nước, cùng với những thành tựu sẽ luôn có không ít khó khăn, thách thức đan xen và tinh thần đoàn kết dân tộc vẫn là sức mạnh nội sinh cần thiết. Với cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang “nóng” từng ngày, cùng với các giải pháp, chiến lược trong chống dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ, ngành y tế thì tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái sẽ góp thêm sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh, để nhân dân cả nước trở về với cuộc sống bình yên, an toàn.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã và đang thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, đồng hành vượt qua mọi khó khăn như câu chuyện lịch sử Tuần lễ vàng 76 năm trước; quyết duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững cơ đồ, vị thế mới của đất nước, thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và khát vọng của dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
DUY KHÁNH
Bạn đang đọc bài Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10:
Doanh nhân với nghĩa đồng bào
 chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com
Theo KDPT