Những ngày Hà Nội vào Thu, không gian như trải dài mà sâu lắng. Màu cờ đỏ tung bay trên đường Hùng Vương trước Lăng Hồ Chủ tịch, từ vùng nông thôn đến hải đảo xa xôi.

Cách đây 78 năm, vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, ngày 2/9 trở thành Ngày quốc khánh của Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng và thấm đẫm niềm tự hào của một dân tộc độc lập.

Ngược dòng lịch sử, tháng 5 năm 1941 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Sau đó, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập và tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Hồ Chủ tịch đã gửi thư kêu gọi đồng bào nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền dưới lá cờ Việt Minh. Sự kiện này đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước, trong đó có đoạn: “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.

Ngày 17/8/1945, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn tung bay trước tiền sảnh Nhà hát lớn Hà Nội, tạo nên sự phấn khích to lớn của quần chúng Thủ đô. Ông Trần Lâm – một trong hai người trực tiếp treo lá cờ đó – kể lại: “Cuộc mít tinh bắt đầu, khi lá cờ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được kéo lên thì tôi và anh Nam cũng mở lá cờ đỏ sao vàng từ trên tầng hai buông xuống. Lá cờ to rộng, sáng chói, nổi bật trên cao. Sự kiện này làm đảo lộn tình thế. Tất cả những người dự cuộc mít tinh đều sững sờ. Trong tay họ đang cầm những lá cờ nhỏ tự nhiên giơ lên vẫy vẫy và hò hét như sấm”.

Với lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi, cuộc khởi nghĩa đã lan rộng từ thành thị đến nông thôn, làn sóng cờ phấp phới bay tựa như “thế nước” dâng trào, cả một dòng người Việt Nam yêu nước tập trung dưới lá cờ. Ở ngoại thành Hà Nội, từ sáng sớm ngày 18/8/1945, cờ đỏ sao vàng công khai phấp phới bay cao. Trưa 18/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thông qua chủ trương kế hoạch khởi nghĩa của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội. Ngay chiều 18/8/1945, trên quốc lộ từ Hà Nội đi các tỉnh, những lá cờ đỏ sao vàng nhanh như cấp số nhân đã được cắm công khai trên ôtô của các đội tuyên truyền xung phong…

Sáng sớm ngày 19/8/1945, cả Hà Nội rực cờ đỏ sao vàng. Các đoàn biểu tình của quần chúng với cờ đỏ sao vàng trên tay như thác cuốn tập hợp thành đoàn biểu tình. Tất cả đều dẫn về hướng Nhà hát Lớn, nơi hai ngày trước đó, vào chiều 17/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng cùng bài hát “Tiến quân ca” lần đầu tiên xuất hiện công khai và trở thành biểu trưng cho ngày Tổng khởi nghĩa 19/8. Dân chúng đoàn kết một lòng tập hợp theo lời kêu gọi của Việt Minh đứng lên giành quyền làm chủ lấy vận mệnh của mình. Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.

Hơn 10 ngày sau lần lá cờ đỏ sao vàng cùng bài hát “Tiến quân ca” xuất hiện công khai đầu tiên ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ấy, cả dải đất chữ S của Việt Nam ta chính quyền đã về tay Nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã thành công. 14 giờ ngày 2/9/1945, trong nắng mùa thu tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, dưới lá cờ đỏ sao vàng – Quốc kỳ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Nhà thơ Xuân Diệu, một nhà thơ lãng mạn, trong phút chuyển mình, đã nói về lá cờ một cách rất hình ảnh: “Chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập, tự do như say men rượu”. Và trong cơn say ngây ngất đó, nhà thơ đã viết nên bản trường ca tuyệt vời với một tinh thần say sưa, sảng khoái, ca ngợi đất nước tự do, ca ngợi Cách mạng Tháng Tám:

“Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo

Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt

Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết

Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay

Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây

Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ

Tất cả vải là một cười thắm đỏ

Tất cả cờ là một cuộc triêu dương!”

(Ngọn quốc kỳ)’

Màu cờ đỏ, ánh sao vàng đã đi vào tâm thức, trái tim mỗi người dân Việt Nam kể từ mùa Thu cách mạng năm 1945. Đó là đại diện cho ý chí, điểm tựa, niềm tin và hi vọng của 100 triệu người dân hôm nay.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta, dân tộc ta đã khẳng định ý chí quật cường, bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ, không khuất phục trước bất cứ khó khăn nào.

Nếu như khát vọng của Việt Nam năm 1945 là khát vọng độc lập, thì sau Cách mạng Tháng Tám là khát vọng về sự thịnh vượng và hùng cường. Ngay sau khi giành được độc lập, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm khát vọng của Người cho thế hệ trẻ Việt Nam: Bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hành trang sau những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là những trang hào hùng về lịch sử cách mạng và những kinh nghiệm cùng bài học sâu sắc về đột phá, đổi mới sáng tạo để vượt lên.

Và trọng trách ấy đã được các thế hệ ngày nay tiếp bước để xây dựng bằng khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Từ năm 1986, đến nay đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đúng vậy, chưa bao giờ đất nước ta hội nhập quốc tế sâu, rộng như vậy. Hãy nhìn những thống kê về xuất, nhập khẩu và nguồn vốn FDI 8 tháng qua để thấy. Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, chiếm 73,7%.

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, trong số đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.

Cần nhớ, đất nước ta và cả thế giới vừa mới bước qua “cơn bạo bệnh” mang tên Covid-19. Thành quả của hôm nay có đôi chỗ chưa trở lại như trước đại dịch, nhưng đó là nỗ lực của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp sau thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn mà đại dịch gây ra. Hàng loạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những quyết sách,chỉ đạo kịp thời của Quốc hội, Chính phủ đã như “thang thuốc bổ” giúp nền kinh tế vực dậy, tăng trưởng mạnh mẽ. Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả.

Điều đó thể hiện bằng số liệu một cách rõ nét: Vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng trưởng tích cực (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái); tổng vốn FDI 8 tháng vượt 18 tỷ USDChỉ số sản xuất các ngành công nghiệp trọng điểm tăng caoSản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng

Những thành tựu về kinh tế- xã hội cũng như vị trí trên trường quốc tế cho thấy thế và lực của đất nước đang đi lên. Điều này là hệ quả tất yếu của một quá trình tích lũy bằng đổi mới kinh tế, phát triển xã hội cũng như tích cực hội nhập quốc tế trong hàng chục năm qua. Đó là hành trình đi lên của khát vọng, hành trình của những nỗ lực không biết mệt mỏi để tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc.

Trong nắng vàng, từ khắp nơi, thành phố cho tới nông thôn, từ đồng bằng cho đến miền núi, từ đất liền hay hải đảo, ở đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng bay rợp trời, ở đâu cũng thấy những khuôn mặt hân hoan rạng ngời, không kể thanh niên mà có cả người già, trẻ em trong ngày Tết Độc lập.

Như đã thành lệ, tất cả mọi người đều tự giác treo cờ Tổ quốc ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Mọi nơi trên dải đất hình chữ S đều được khoác lên tấm áo mới, tấm áo đỏ rực rỡ tinh thần tự tôn dân tộc.

Tình yêu mà người Việt dành cho lá cờ Tổ quốc đã trở thành nét đẹp văn hóa. Và bất kỳ ai từng được trải nghiệm những ngày trong mùa thu lịch sử sẽ có cùng cảm nhận rằng, ở đất nước này, có một tinh thần dân tộc vô cùng to lớn. Tinh thần đó có sẵn trong trái tim mỗi người, như một truyền thống được kế thừa từ đời này qua đời khác.

Trong gió Thu mát lành, cờ Tổ quốc ngời đỏ giữa đất trời. Đi dưới muôn ngàn ánh sao, lòng người như đắm chìm trong hào khí Việt Nam tỏa lan từ mỗi ánh mắt nhìn, mỗi nụ môi cười khi gặp gỡ, từ âm thanh cuộc sống. Tết Độc lập đến với mọi nhà, mọi người trong niềm hân hoan, phấn khởi của một đất nước Độc lập – Tự do – Hạnh phúc!

Theo KDPT