web analytics

Kinh tế tư nhân và vai trò trong phát triển nền kinh tế 03/07/2023

(KDTT) – Theo Báo cáo Kinh tế tư nhân: Thực trạng và tiềm năng phát triển do Tổng cục Thống kê phát hành, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, kinh tế tư nhân còn góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa

Khái niệm về kinh tế tư nhân

Khu vực tư nhân có thể được định nghĩa là những thực thể của nền kinh tế thuộc sở hữu của khu vực riêng tư bao gồm các hộ gia đình, các công ty tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân. Ở Việt Nam, tại Đại hội X, Đảng ta nêu rõ: “Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều loại hình kinh tế: kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Như vậy theo quan điểm của Đảng thì kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (TLSX) tồn tại dưới các hình thức DNTN, công ty TNHH, CTCP và các hộ kinh doanh cá thể.

Theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương , chủ thể của loại hình kinh tế tư nhân là các chủ sở hữu tư nhân như: các hộ kinh doanh cá thể, các hộ tiểu chủ, các chủ tư nhân, các nhà tư bản, các tập đoàn tư bản… với các loại hình kinh doanh tương ứng như hộ sản xuất, kinh doanh cá thể (hộ nông dân, hộ tiểu – thủ công nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ…), chủ trang trại, hộ tiểu chủ, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân tư bản (tư bản trong nước và tư bản ngoài nước), tập đoàn tư bản.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2020), khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nhưng Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, các hộ kinh doanh (do một cá nhân làm chủ hoặc một nhóm người làm chủ), bao gồm cả hộ có đăng ký và hộ chưa đăng ký.

Như vậy, khái niệm sở hữu rất quan trọng để xác định khu vực tư nhân. Về cơ bản, quyền sở hữu liên quan đến việc chiếm hữu tài sản, nơi chủ sở hữu thực hiện quyền và kiểm soát tài sản. Tài sản có thể là đất đai, bất động sản, trí tuệ, tài chính hoặc phi tài chính,… Quyền sở hữu bao hàm trách nhiệm đối với các hành động liên quan đến tài sản mà quyền của họ thường được pháp luật bảo vệ.

Vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế đất nước

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam. Năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân trở thành nhân tố quan trọng khi chiếm 38,6% GDP và chiếm 42,81% trong năm 2020. Giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực kinh tế tư nhân chiếm 38,26% tổng vốn đầu tư cả nước và tăng lên 42,7% trong giai đoạn 2016-2020.

Trong những năm qua, cơ cấu nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực, thực chất hơn nhờ sự đóng góp của kinh tế tư nhân trong các ngành, lĩnh vực với số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng chủ yếu. Trong 5 năm 2016- 2020, trung bình có 585,9 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số vốn sản xuất kinh doanh đạt 24.204,5 nghìn tỷ đồng. Về mặt giá trị, vai trò của khu vực tư nhân không chỉ đóng góp vào số lượng tổng đầu tư trong nước mà còn có khả năng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Khu vực tư nhân trong nước đang dần khẳng định vị thế và là động lực chính cho kết quả tăng trưởng đáng khích lệ của Việt Nam.

Kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Trong đó, thuế và các khoản thu khác là nguồn thu ngân sách chính của Nhà nước nhằm đảm bảo các chi tiêu cho Chính phủ và các dịch vụ công, đồng thời thuế là công cụ của Nhà nước điều tiết sản xuất và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng giữa các loại hình kinh tế, ngược lại trách nhiệm của các đơn vị kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh qua các năm đã tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao an sinh xã hội.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 80% lao động đang làm việc trong nền kinh tế với mức thu nhập ngày càng cải thiện. Trong 2 năm 2019 và 2020, số doanh nghiệp thành lập mới đã tạo gần 2,3 triệu việc làm mới. Điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp tư nhân bảo đảm cho phần lớn lực lượng lao động trong nền kinh tế có việc làm, thu nhập, được bảo đảm các điều kiện tối thiểu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đồng thời giúp cho người lao động, các nhóm yếu thế trong xã hội bảo đảm được sinh kế ổn định, kể cả trong điều kiện có rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.

Như vậy, khu vực kinh tế tư nhân góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động. Ngoài việc tạo công ăn việc làm, do những đòi hỏi để đứng vững trong cạnh tranh, các doanh nghiệp tư nhân phải luôn tìm những biện pháp tổ chức lao động, quản lý có hiệu quả nhất, vì vậy kỹ thuật lao động được thực hiện rất nghiêm ngặt. Chính điều này đã góp phần vào việc đào tạo nên đội ngũ lao động có kỹ năng và tác phong công nghiệp. Đồng thời thông qua quá trình này, khu vực kinh tế tư nhân cũng được xem là nơi đào tạo, rèn luyện các chủ doanh nghiệp lớn trong tương lai và là cơ sở kinh tế ban đầu để phát triển các doanh nghiệp lớn.

(Còn nữa)

“Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2022” do TS Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê chỉ đạo biên soạn. Trong đó, Báo cáo Kinh tế tư nhân: Thực trạng và tiềm năng phát triển đã đưa ra nhiều số liệu thống kê về kinh tế tư nhân, nêu bật vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam của kinh tế tư nhân.