web analytics

Không để “gót chân A-sin” cản trở KH&CN phát triển 10/05/2021

(KDTT) – Sau gần 35 năm đổi mới, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thể hiện rõ vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lực cản nếu Việt Nam không biết tận dụng cơ hội để tham gia vào tiến trình vận động của cuộc đua này. Nhận thức rõ sự khó khăn, mới đây tại cuộc họp về định hướng nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Để Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải có những đột phá mới để KH&CN trở thành sức mạnh, động lực thực sự”.

Quy hoạch lại một cách chỉn chu 

KH&CN Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều thành tựu trong nghiên cứu, điều tra, góp phần tạo luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường. KH&CN gắn bó với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực.

Giai đoạn 2015 – 2020, năng suất lao động được nâng lên thể hiện qua chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP (tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 – 2015 lên 44,46% giai đoạn 2016 – 2019), tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

Ba khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN tăng, thể hiện qua tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp là 52/48 so với tỉ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 13/4. -Ảnh: VGP

KH&CN ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực… Thực tiễn được chứng minh qua đại dịch Covid-19. Bên cạnh các biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị dịch Covid-19 đã được đẩy mạnh. Trong đó phải kể đến: Bluezone – ứng dụng cảnh báo và truy vết khi có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19; ứng dụng thiết bị thở Oxy lưu lượng cao HFNC trong điều trị Covid-19; phát triển thành công bộ Kit thử trong việc chuẩn đoán bệnh nhân mắc Covid-19, phần mềm khai báo y tế Ncovi.

Hoặc việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, như là làm việc trực tuyến thay vì phải trực tiếp gặp mặt, học hành và hội họp bằng hình thức online, kinh doanh qua mạng, hoặc sử dụng ví điện tử và thẻ tín dụng khi thanh toán thay thế tiền mặt,…

Như vậy, việc xác định các nhân tố tác động nói chung, vai trò của KH&CN nói riêng đến tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Còn nhớ, khi bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều… Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Thực tế cho thấy, bên cạnh chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, vai trò của KH&CN còn được cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong chỉ đạo, định hướng của người đứng đầu đất nước.

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về định hướng nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2025 đã nêu cụ thể: “Xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài hai Viện Hàn lâm: Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Khoa học xã hội Việt Nam, hai Đại học Quốc gia: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu trực thuộc bộ, ngành…, cần đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp”.

 “Qua cơn gió cả mới biết cây cứng mềm”

Thực tế có thể nhìn thấy, hành trình toàn cầu hóa khiến cho các sản phẩm KH&CN của nước ngoài, đặc biệt là của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước khiến cho nền KH& Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, nó làm nảy sinh các vấn đề tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp – những lĩnh vực mà nước ta đang ở trình độ phát triển rất thấp so với họ.

Sự chênh lệch về trình độ phát triển KH&CN quá lớn trong một sân chơi có sự cạnh tranh gay gắt khiến cho sự thua thiệt và yếu thế luôn nằm về phía các nhà KH&CN Việt Nam. Chẳng hạn sự thống trị của giống lúa lai Trung quốc trên thị trường giống lúa trong nước là bằng chứng rõ nhất về những thách thức của nền KH&CN Việt Nam cho dù các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam tạo ra không thua kém gì về chất lượng.

Ngoài ra, đầu tư để phát triển KH&CN tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước – một con số quá thấp so với nhu cầu của hoạt động KH&CN; trong khi các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển KH&CN, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3 – 5% ngân sách. Rõ ràng sự chênh lệch về vốn đầu tư cho KH&CN cũng đã là một thách thức lớn cho nền KH&CN Việt Nam.

Bên cạnh các biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị bệnh Covid-19 đã được đẩy mạnh. Ảnh: TTXVN

Ở đây cần nhìn thấy, các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng thông qua việc ứng dụng KH&CN, chứ không cạnh tranh bằng kỹ năng, nguồn nhân lực phổ thông giá rẻ, vì vậy KH&CN phải đi trực tiếp vào xây dựng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, góp phần tạo ra các sản phẩm có hàm lượng sáng tạo cao để tăng tính cạnh tranh. Điều này có nghĩa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ cho quốc gia nào tận dụng được những yếu tố, điều kiện thuận lợi của nó. Ngược lại, nếu quốc gia bị gạt ra bên ngoài tiến trình vận động của nó thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là thách thức, thậm chí là lực cản dẫn tới sự tụt hậu.

Nhìn nhận rõ những khó khăn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Bộ KH&CN phải chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc từ nhiều năm nay, trước mắt tập trung một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm”.

Rõ ràng, con đường để Việt Nam tiếp tục phát triển trong thế giới đang có nhiều chuyển biến là cần đổi mới tư duy phát triển, coi trọng KHCN, coi trọng sức sáng tạo của người dân, coi trọng sự tương tác của nền kinh tế thị trường hoạt động dưới sự điều hành của Nhà nước pháp quyền và sự tham gia rộng rãi của người dân, tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ trong cả thể chế kinh tế và chính trị, gắn bó tốt với kinh tế thị trường hiện đại, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mọi người, mọi tầng lớp, không để ai bị gạt ra ngoài trong quá trình phát triển.

Và để KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất, cần thiết phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho KH&CN, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, nhất là cơ chế tài chính nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học, đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý hoạt động KH&CN để giảm thủ tục hành chính đối với các nhà khoa học, tổ chức KH&CN. Có như vậy nền KH&CN Việt Nam mới không lạc lõng và tụt hậu so với thế giới.

Tóm lại, trong nền kinh tế không ngừng biến đổi, việc xác định được các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng. Nền kinh tế phát triển tốt hay không là phụ thuộc vào các yếu tố như: Nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, trình độ KH&CN, trong đó yếu tố KHCN giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải xây dựng cơ chế Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, để tháo gỡ vướng mắc quy trình, thủ tục liên quan đến các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong khoa học, tin các nhà khoa học thay vì quản lý theo hướng chống thất thoát. Công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu để chính các nhà khoa học và cộng đồng giám sát (giám sát ngang hàng).

Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý vốn ngân sách Nhà nước dành cho khoa học và công nghệ theo tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thống nhất, liên thông, minh bạch, công khai tất cả yêu cầu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Có cách tiếp cận mới, toàn diện về sản phẩm quốc gia do Bộ KH&CN làm đầu mối, trong đó đặc biệt chú trọng tiêu chí là sản phẩm trí tuệ của Việt Nam, công nghệ của Việt Nam. Hình thành những đầu bài lớn, công nghệ lõi, dự án lớn về khoa học cơ bản, đặt hàng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các đại học lớn để thực hiện các sản phẩm, công nghệ trọng điểm quốc gia.

Ngoài ra, Bộ KH&CN phải phối hợp với Bộ Tài chính, xây dựng cơ chế hạch toán tài chính đối với doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ, có cơ chế để các doanh nghiệp tăng cường lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, cũng như tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế về tín dụng, nguồn vốn, thuế, đất đai, hỗ trợ tiếp cận thị trường… nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up), để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo…

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT