Ảnh minh họa

Cơ sở thực tiễn

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về kinh tế, giáo dục thì GDMT có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, GDMT cho học sinh ở các trường phổ thông chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, vì trường phổ thông là nơi đào tạo thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Thực tiễn hoạt động môi trường ở các nước đã chỉ ra rằng: “Sẽ không có đạo luật hoặc một mức thuế nào có thể bắt buộc được các công dân phải tôn trọng môi trường, vì sự tôn trọng tự nguyện chỉ có thể được truyền thụ qua giáo dục”.

Ở Việt Nam, GDMT vì mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ giáo dục quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) bắt đầu ra đời từ năm 1993, đã coi GDMT là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, nêu rõ: Nhà nước “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động BVMT; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác để xây dựng ý thức tự giác, kỷ cương trong hoạt động BVMT”. Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, định hướng giáo dục là phương pháp truyền thụ không chỉ trách nhiệm của nhà trường, của gia đình, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội. Một xã hội học tập không chỉ trên lý thuyết, mà phải trải nghiệm thực tế.

Trong nhiều năm qua, vấn đề GDMT và BVMT đã được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành quan tâm. Việc triển khai các văn bản chỉ đạo, tổ chức dạy học các nội dung có liên quan đến GDMT và BVMT đã thực sự sâu rộng trong nhân dân và học sinh. Ở cấp tiểu học, năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng bộ tài liệu giáo dục BVMT qua các môn học: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Mỹ thuật và Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Cùng với đó, một số chuyên gia cũng đã có những công trình nghiên cứu như: Vị trí và bước đầu định hướng nội dung, biện pháp GDMT ở bậc tiểu học ở Việt Nam của tác giả Phạm Đình Thái; Một số biện pháp nâng cao chất lượng GDMT cho học sinh tiểu học của tác giả Nguyễn Thị Vân Hương; Hai phạm vi của khái niệm GDMT và mục tiêu GDMT ở trường tiểu họcVề phương pháp tiếp cận trong GDMT của tác giả Nguyễn Thị Thấn; GDMT cho học sinh tiểu học qua hoạt động ngoài giờ lên lớp của tác giả Huỳnh Thị Thu Hằng. Các công trình trên đã làm rõ mục tiêu và nội dung giáo dục gắn với môi trương qua trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đã tập trung nghiên cứu làm rõ mục tiêu, phương pháp, hình thức chung khi tổ chức GDMT…

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, định hướng về GDMT từ rất sớm, nhưng trên thực tế, nước ta chưa có nhiều những mô hình khoa học GDMT thực nghiệm được ứng dụng theo đúng nghĩa. Ngày 20/10/2022, tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục – đào tạo. Theo đó, các giờ học lý thuyết quá nhiều, mà mô hình không gian trải nghiệm thực tế cho học sinh lại quá ít, dẫn tới học sinh còn chậm nhận thức trong tư duy vận dụng thực tiễn, chưa chủ động độc lập, linh hoạt trong hành vi, ứng xử. Cùng với đó, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân; các địa phương cũng chưa quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục thực nghiệm trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; chưa có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập…

Tại nhiều địa phương, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng… chính quyền và các cấp luôn quan tâm đến công tác giáo dục – đào tạo, nhiều văn bản, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện. Tại TP Hải Phòng, trong 11 nhiệm vụ ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng đề ra của năm học 2022-2023, có việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; tăng cường xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo… Trước đó, ngày 15/11/2021, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch 254/KH-UBND nhằm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đây là Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”.

Tuy nhiên, để phát triển giáo dục một cách toàn diện, thì hiện nay ở hầu hết các địa phương, chưa có một mô hình trải nghiệm độc lập hay mô hình trải nghiệm liên kết giáo dục được gắn với không gian môi trường sinh thái theo đúng quy chuẩn. Đặc biệt, khu trải nghiệm GDMT có thể đáp ứng mọi cấp học và công tác nghiên cứu về mặt khoa học GDMT thực nghiệm thì hoàn toàn chưa có. Hiện nay, một số trường học gắn với hoạt động trải nghiệm,, phần lớn chỉ đáp ứng được các chuyến đi dã ngoại trong ngày. Chưa thực sự có những sản phẩm mô hình GDMT đặc sắc, còn sự trùng lặp về cả cơ sở vật chất lẫn dịch vụ và ít tính nghiên cứu giáo dục khoa học, khiến học sinh và phụ huynh dễ cảm thấy nhàm chán, đơn điệu, không khơi dậy được tư duy sáng tạo khoa học cho học sinh…

Tiêu chuẩn và phương pháp nghiên cứu GDMT trong cân bằng Kinh tế – Môi trường – Xã hội

Mô hình “trường học thông minh” – Ảnh minh họa

Các tiêu chuẩn được xây dựng đối với từng mô hình dự án, nhưng không nằm trong phạm trù đơn lẻ, mà tạo sự kết nối các không gian văn hóa, địa lý, giáo dục, môi trường, xã hội… trong tổng thể Khu trải nghiệm, nhằm tối ưu hóa các tiềm năng phát triển của con người ở từng giai đoạn lứa tuổi.

Các tiêu chuẩn chung của dự án:

– Tiêu chuẩn 1: Giáo dục gắn với môi trường trường thể hiện được quan điểm giáo dục trong môi trường, thông qua môi trường, vì môi trường.

– Tiêu chuẩn 2: Nội dung, hình thức tổ chức, các hoạt động giáo dục thực nghiệm, khoa học đảm bảo phù hợp, đáp ứng với mọi cấp học và đối tượng nghiên cứu.

– Tiêu chuẩn 3: Nội dung giáo dục của mô hình gắn kết với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và gắn kết với các môn học khác của chương trình GDPT 2018, phù hợp với chính sách giáo dục – đào tạo của địa phương đó.

– Tiêu chuẩn 4: Mô hình giáo dục trải nghiệm góp phần phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, thể chất của người học.

– Tiêu chuẩn 5: Mô hình giáo dục gắn với bảo vệ môi trường giúp cho học sinh hiểu biết được lịch sử, địa lý, văn hóa truyền thống, xã hội, môi trường… của Việt Nam.

– Tiêu chuẩn 6: Kết nối được mô hình hợp tác giáo dục cơ bản từ các trường đạt quy chuẩn giáo dục gắn với mô hình hoạt động thực tế tại khu trải nghiệm. Qua đó, từ tiêu chuẩn chung xây dựng các tiêu chí cụ thể: Tiêu chí “Xanh, Sạch, Đẹp, An toàn”; Tiêu chí: “Giáo dục môi trường gắn với trải nghiệm”; Tiêu chí “Nghiên cứu khoa học giáo dục môi trường”…

Tiêu chuẩn cụ thể:

– Tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp (về môi trường) – An toàn (về thể chất và về tinh thần)

+ Tiêu chuẩn Khu trải nghiệm xanh: Gồm 04 tiêu chí

* Tiêu chí 1: Đảm bảo diện tích theo quy định, được quy hoạch tổng thể và chi tiết do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Tiêu chí 2: Trong khuôn viên có hệ thống cây xanh, cây bóng mát, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh hài hoà và phù hợp với quy hoạch của Khu trải nghiệm. Trong đó, diện tích trồng cây xanh, sân chơi cộng đồng, sân tập thể thao, rèn luyện thể chất, không gian sinh thái thực nghiệm khoa học, thư viện sinh thái, giao thông nội bộ… phải đảm bảo theo quy định.

* Tiêu chí 3: Hệ thống cây xanh, cây bóng mát, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh thường xuyên được học sinh và giáo viên (tham gia trải nghiệm) và nhân viên chăm sóc. Quản lý, xây dựng phương pháp nghiên cứu, giáo dục về bảo vệ môi trường, yêu quý, tôn trọng thiên nhiên.

* Tiêu chí 4: Thường kỳ hằng tháng tổ chức các buổi kết nối ngoại khóa cho học sinh thành phố tham gia trồng cây, thí nghiệm vườn ươm, giáo dục STEM, nghiên cứu nuôi trồng thủy sản… tại khu trải nghiệm; chọn, trồng các loại cây có tán, xanh quanh năm; không trồng cây có nhiều sâu hoặc có vỏ, lá, hoa chứa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

+ Tiêu chuẩn Khu trải nghiệm sạch: Gồm 06 tiêu chí

* Tiêu chí 1: Toàn bộ khuôn viên của Khu trải nghiệm (gồm cả khu vực cổng chính, bên ngoài tường rào), các khối công trình phân khu chức năng đảm bảo luôn sạch sẽ, thông thoáng. Tường của các công trình xây dựng, bàn ghế và các thiết bị, bảng biển phục vụ giảng dạy, rèn luyện, nghiên cứu, tham quan mô hình, khu vui chơi, giao lưu văn hóa văn nghệ… được giữ sạch sẽ; không tự ý viết, vẽ, khắc lên bề mặt của bàn ghế, các thiết bị.

* Tiêu chí 2: Có nơi xử lý rác thải, có thùng đựng rác (loại phù hợp để phân loại rác) được đặt ở vị trí hợp lý, đảm bảo mỹ quan, có nắp đậy; thu gom và phân loại rác hàng ngày, tại nguồn (để riêng từng loại rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế); không vứt rác bừa bãi trong Khu trải nghiệm. Thực hiện đầy đủ Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với hệ thống công năng hoạt động của Khu trải nghiệm.

* Tiêu chí 3: Có đủ nước sạch phục vụ các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy học tập, trải nghiệm rèn luyện kỹ năng, phục vụ chăm sóc vườn bách thảo, vườm ươm thực nghiệm…, sinh hoạt, công trình vệ sinh; có chỗ rửa tay với nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; có hệ thống cống rãnh thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt; có hệ thống thoát nước riêng cho khu vực thí nghiệm, thực hành, bể bơi, phòng y tế, nhà bếp, khu vệ sinh; không có hố đọng nước gây ô nhiễm.

* Tiêu chí 4: Có đủ nhà vệ sinh được đặt ở vị trí phù hợp, đảm bảo an toàn, thuận tiện, luôn được vệ sinh sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường; có biện pháp quản lý, hướng dẫn sử dụng công trình vệ sinh; cán bộ, giáo viên, nhân viên và các đối tượng học tập, nghiên cứu, tham quan trải nghiệm có ý thức chấp hành nội quy sử dụng công trình vệ sinh, thói quen có văn hoá khi đi vệ sinh.

* Tiêu chí 5: Phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện tốt công tác y tế giáo dục; tổ chức tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước tiết kiệm, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Tiêu chí 6: Xây dựng chương trình, kế hoạch các hoạt động bảo vệ, chăm sóc cây xanh; giữ gìn vệ sinh môi trường khu trải nghiệm; thực hiện thu gom rác thải thường kỳ và quan trắc định kỳ.

+ Tiêu chuẩn Khu trải nghiệm đẹp: Gồm 05 tiêu chí

* Tiêu chí 1: Có quy hoạch hợp lý, thiết kế khoa học đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động thực nghiệm giáo dục môi trường, rèn luyện kỹ năng sống, nghiên cứu khoa học trải nghiệm về sinh thái giáo dục đối với mọi cấp học, bảo đảm được sự phát triển dài hạn; sử dụng tài sản, đất và các công trình đúng mục đích; không để diện tích đất thừa, hoang hóa.

* Tiêu chí 2: Không gian khu trải nghiệm được xây dựng phân bố vừa mang tính riêng biệt đối với từng phân khu chức năng, vừa có sự kết nối chung, thể hiện rõ tinh thần vừa học vừa chơi, vừa trải nghiệm vừa nghiên cứu. Các phân khu chức năng trong Khu trải nghiệm có bảng biển hướng dẫn, nội dung giới thiệu theo quy định, tuân thủ quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật.

* Tiêu chí 3: Các thiết kế chi tiết trong từng phân khu chức năng được lắp đặt thiết bị, bài trí khoa học, gọn gàng, thẩm mỹ. Hệ thống pa nô, khẩu hiệu trong Khu trải nghiệm phải có nội dung, hình thức phù hợp với mỗi cấp học và đối tượng nghiên cứu, có ý nghĩa giáo dục môi trường; được treo ở các vị trí phù hợp đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn.

* Tiêu chí 4: Nhân sự tham gia điều hành, vận hành dự án phải am hiểu lĩnh vực giáo dục và môi trường, bảo đảm Khu trải nghiệm thực hiện đúng quy định pháp luật về giáo dục, môi trường và các chính sách, quy định khác có liên quan. Xây dựng quy chế hướng dẫn đối tượng tham gia hoạt động trong Khu trải nghiệm phải có ý thức cao trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; sống gắn bó, hài hoà và tôn trọng thiên nhiên; tích cực tham gia vào các hoạt động văn hoá, bảo vệ môi trường, đảm bảo Khu trải nghiệm là một trung tâm văn hoá giáo dục môi trường thực nghiệm, vừa rèn luyện học sinh về lý tưởng, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống, vừa phục vụ nghiên cứu khoa học về giáo dục gắn với môi trường.

* Tiêu chí 5: Trang phục của cán bộ, giáo viên, nhân viên tại Khu trải nghiệm phải chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ, phù hợp với các hoạt động trong môi trường giáo dục, mang thông điệp bảo vệ môi trường. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử thực hiện theo đúng chuẩn mực.

Tiêu chuẩn Khu trải nghiệm an toàn: Gồm 05 tiêu chí

* Tiêu chí 1: Các phân khu chức năng có cơ sở vật chất, hạ tầng bảo đảm an toàn cho hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thực hành kỹ năng, giảng dạy, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học giáo dục và các hoạt động giáo dục môi trường khác; thường xuyên rà soát đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị, hệ thống chiếu sáng, cảnh quan…

* Tiêu chí 2: Có kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, nội vụ Khu trải nghiệm; phòng chống tệ nạn xã hội; an toàn, phòng chống cháy nổ; an toàn, ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai (mưa bão, lũ lụt,…); phòng chống bệnh, tật học đường; an toàn vệ sinh thực phẩm, nước uống; không để xảy ra ngộ độc, mất an toàn thực phẩm; công khai thông tin của tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm, nước uống cho Khu trải nghiệm. Khu trải nghiệm đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

* Tiêu chí 3: Chủ động các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước, an toàn trong giao thông nội bộ và trong các trò chơi tập thể, rèn luyện kỹ năng thể chất; thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây tai nạn, thương tích (tường rào, lan can, cành cây khô…); thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn trong thực hành giáo dục thực nghiệm.

* Tiêu chí 4: Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa về giáo dục môi trường trong Khu trải nghiệm; có tổ tư vấn tâm lý cho các đối tượng mọi cấp học và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn giáo dục, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy độc lập; định kỳ tổ chức đối thoại giữa các chuyên gia, nhà tâm lý của Hội đồng Cố vấn với học sinh, sinh viên (thuộc các nhà trường hợp tác liên kết) để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, sinh viên, giáo viên.

* Tiêu chí 5: Xây dựng mối quan hệ và thông tin giữa Ban quản trị, chuyên gia, giáo viên của Khu trải nghiệm với gia đình các bậc phụ huynh và xã hội, được duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, tạo nên môi trường trải nghiệm về khoa học giáo dục thực nghiệm an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng ngừa, không để các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội xâm nhập.

Phương pháp nghiên cứu trong giáo dục khoa học thực nghiệm

GDMT và tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh minh họa

Thuật ngữ “Giáo dục môi trường” (Environmental education) đã xuất hiện từ lâu, nhưng chưa có mô hình đúng nghĩa được áp dụng thực tiễn ở Việt Nam. Có thể hiểu, GDMT là quá trình hình thành cho người học những hiểu biết, những tri thức về môi trường và các vấn đề liên quan; là quá trình giúp người học hiểu được mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội bao quanh. Qua đó, GDMT hình thành những thái độ và hành động giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ và cải thiện môi trường, từ đó tạo ra mối liên kết cộng sinh tích cực với các hoạt động có tính ảnh hưởng với kinh tế – xã hội.

Trên cơ sở lý luận về giáo dục môi trường dựa vào trải nghiệm, một dự án Khoa học giáo dục thực nghiệm gắn với môi trường được ứng dụng tại các địa phương, sẽ xây dựng phương pháp nghiên cứu, giảng dạy, rèn luyện kỹ năng, tư duy cho người học và các đối tượng trải nghiệm, nhằm đáp ứng các tiêu chí sau:

– GDMT dựa vào trải nghiệm phải tạo ra quá trình hình thành ở người học những kiến thức, thái độ và hành vi đúng đắn với môi trường dựa trên vốn kinh nghiệm của cá nhân kết hợp với việc sử dụng các giác quan để quan sát, cảm nhận các sự vật và hiện tượng có liên quan.

– Trong quá trình GDMT, phải xây dựng đội ngũ giáo viên, chuyên gia là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để học sinh trải nghiệm, tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu về kiến thức, thái độ và thể hiện hành vi.

– Phương pháp GDMT của dự án đáp ứng đối tượng nghiên cứu ở mọi cấp học, nhưng coi học sinh mầm non, tiểu học là đối tượng trung tâm, làm nền tảng cơ bản để hình thành tư duy, phương pháp ứng xử với môi trường.

Theo KDPT