web analytics

Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc: Cuối cùng EU đã thách thức Trung Quốc? 23/04/2019

(KDTT) – Điểm nổi bật của hội nghị Hội nghị thượng đỉnh thường niên EU – Trung Quốc là một loạt tuyên bố cứng rắn của EU đối với Trung Quốc về hợp tác kinh tế. 

Hội nghị thượng đỉnh thường niên EU – Trung Quốc vừa diễn ra vừa qua đã được tạp chí The Diplomat bình luận trong một bài viết ngày 17/4. Theo đó, các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra hài lòng về tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh, trong đó Trung Quốc nhận ra cần phải giải quyết những lo lắng của châu Âu về chính sách công nghiệp của nước này.

Nhưng chiến thắng thực sự dành cho EU nằm ở thời gian biểu cho một số biện pháp mà Trung Quốc nhất trí, cũng như trong sự đoàn kết hiếm thấy của các quốc gia thành viên (EU).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AFP)

Sự đoàn kết này đã cho phép các nhà đàm phán EU đưa ra một biện pháp cứng rắn, thậm chí đe dọa rời bỏ các cuộc đàm phán trong tuyên bố của hội nghị nếu các đối tác Trung Quốc không sẵn sàng thúc đẩy giải quyết một số vấn đề khó chịu lâu nay khiến mối quan hệ Trung Quốc – châu Âu luôn căng thẳng: Chuyển giao công nghệ ép buộc, chính sách công nghiệp dựa nhiều vào trợ cấp và thiếu sự tiếp cận thị trường cho các công ty châu Âu.

Chiến lược này đã hiệu quả với việc Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ vào phút chót để đảm bảo một tuyên bố chung đầy ý nghĩa. Trong tuyên bố đó, Bắc Kinh tái khẳng định ủng hộ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ và cam kết xem xét lại chính sách công nghiệp. Đáng chú ý, tuyên bố cũng nhắc tới vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ để đối lấy việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Sau đó, tuyên bố đưa ra “tia hy vọng” cho những lời chỉ trích lâu nay về những cải cách kinh tế chậm chạp và hời hợt của Trung Quốc.

Những cam kết vẫn tương đối nhỏ này không nên được coi là một sự thay đổi chính sách ở Bắc Kinh. Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong phát biểu với báo chí sau hội nghị, đã nhắc đi nhắc lại quyết tâm cải cách và mở cửa thị trường của Trung Quốc, và rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ yêu cầu các công ty nước ngoài hoạt động ở thị trường nước này phải chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, những cam kết này vẫn mang ý nghĩa chính trị, trong đó chúng phản ánh việc châu Âu làm cách nào có thể gây sức ép thành công để Trung Quốc đưa ra những cam kết mới.

Châu Âu không phải là mặt trận duy nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng về các chính sách kinh tế và công nghiệp của mình.

Châu Âu không phải là mặt trận duy nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng về các chính sách kinh tế và công nghiệp của mình. Những cam kết mà Brussels có được từ Bắc Kinh liên quan đến những lo ngại mà châu Âu chia sẻ với hầu hết các đối tác thương mại của mình, bao gồm Mỹ. Vì thế, việc Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ một phần là do sức ép toàn cầu, chứ không riêng gì châu Âu. Để thực hiện những cam kết cải cách hiện nay và trước đó, việc EU liên kết với Mỹ và các đối tác có cùng chí hướng buộc Trung Quốc giữ lời hứa là hết sức cần thiết. Tương tự, EU và các thành viên của khối này nên triển khai diễn đàn đa phương, chẳng hạn như Hội nghị Á – Âu (ASEM), hoặc các cơ chế hợp tác song phương như Nền tảng kết nối EU – Trung Quốc, để sao chép chính xác những gì có trong tuyên bố chung bao gồm các tiêu chuẩn minh bạch, mua sắm công, thương mại dựa trên luật lệ và chuyển giao công nghệ ép buộc.

Những thời hạn cụ thể trong tuyên bố chung sẽ tạo thêm đòn bẩy cho EU. Cả hai bên nhất trí rằng việc soạn thảo “Hiệp định Đầu tư Toàn diện” sẽ phải được hoàn thành trong 8 tháng tới để có thể ký hiệp định lịch sử này vào năm 2020. Hai bên cũng nhất trí thảo luận về các chỉ dấu địa lý vào cuối năm nay. Đây sẽ là một chiến thắng rõ ràng cho Brussels, vì Trung Quốc lâu nay lưỡng lự ký thỏa thuận vào một thời điểm cụ thể.

Người thua “đau” nhất trong hội nghị thượng đỉnh này dường như là Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chính sách kinh tế bảo hộ và việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc cho đến nay đã thu được những kết quả ít hơn so với biện pháp tiếp cận của châu Âu.

Với việc kết thúc các cuộc đàm phán Mỹ – Trung để giải quyết cuộc chiến tranh thương mại bị hoãn lại nhiều lần, Bắc Kinh đến nay đã không cam kết thực hiện những cải cách cấu trúc kinh tế cần thiết mà Washington muốn thấy. Mối bận tâm của Trump là giảm thâm hụt thương mại đã dẫn đến việc Trung Quốc tự động mua thêm đậu tương và chất bán dẫn nhằm tạo ra sự thiện chí ở Nhà Trắng. Châu Âu vì thế đã hành động dựa trên đánh giá rằng các cải cách kinh tế thực sự sẽ không diễn ra chỉ bởi sức ép riêng của Mỹ.

Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục để mắt tới những gì diễn ra sau tuyên bố chung EU – Trung Quốc hồi tuần trước nhằm đánh giá những biện pháp cải cách mới mà Trung Quốc đã nhất trí để củng cố quan điểm của mình trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung hiện nay.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam