web analytics

Hàng loạt nguyên liệu đầu vào được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành 26/08/2019

(KDTT) – Thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm với hàng hoá là nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm trung gian, bán thành phẩm nhập khẩu…

Theo phương án cắt giảm thủ tục, danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, giai đoạn 2019 và định hướng đến năm 2021 mới ban hành, các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 2 sẽ cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng loạt mã HS như 3603.00.10 (dây cháy chậm bán thành phẩm; kíp nổ cơ bản); 3603.00.20 (dây cháy chậm); 7308.40.10 và 7308.40.90 (thiết bị dùng cho giàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò); 8402.11.10 và 8402.11.20 (nồi hơi dạng ống nước với công suất hơi nước trên 45 tấn/giờ)…

Danh mục các sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh cắt giảm kiểm tra chuyên ngành có mã HS 4818.10.00 (giấy vệ sinh); 4818.20.00 (khăn tay, giấy lụa lau chùi hoặc lau mặt và khăn lau); 4818.30.20 (khăn ăn)…

Kiểm tra chuyên ngành sản phẩm, hàng hóa nguyên liệu tốn nhiều thời gian của cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Danh mục các mặt hàng cắt giảm kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm có mã HS 1901.10 (các chế phẩm phù hợp dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, đã đóng gói để bán); 2009.90 (nước ép hỗn hợp); 3320.10.10 (chế phẩm rượu thơm, loại dùng để sản xuất đồ uống có cồn, ở dạng lỏng)…

Danh mục các mặt hàng cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành về hiệu suất năng lượng có mã HS 8539.31 (bóng đèn huỳnh quang); 8504.10.00 (chấn lưu dùng cho đèn phóng hoặc ống phóng)…

Theo Bộ Công Thương, tiêu chí cắt giảm thủ tục, danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành là hàng hoá là nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm trung gian, bán thành phẩm nhập khẩu cho các cơ sở sản xuất thực phẩm căn cứ trên việc đánh giá, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm. Hàng hoá là sản phẩm, thiết bị, máy móc mà có biện pháp quản lý khác đảm bảo mục đích quản lý nhà nước và có thể thay thế việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong thủ tục thông quan.

Hàng hoá là sản phẩm, thiết bị, máy móc mà không có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong thủ tục thông quan.

“Việc cắt giảm đảm bảo hiệu quả, mục tiêu quản lý nhà nước trên cơ sở đánh giá vai trò của hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong tổng thể các biện pháp quản lý của nhà nước đối với hoạt động sản xuất, lưu thông, kinh doanh và sử dụng hàng hoá của doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu áp dụng những nguyên tắc quản lý rủi ro để thường xuyên rà soát, đánh giá và kịp thời điều chỉnh danh mục các mặt hàng thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương

Thời gian qua, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Mới chỉ có khoảng 6% mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành; vẫn còn 63/164 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chưa được các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp.

Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, nhưng tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình tại Việt Nam vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4.

“Nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có Danh mục hàng hóa cụ thể phải kiểm tra). Điều này gây bất cập trong thực tế triển khai khi các chủ thể áp dụng sẽ khó khăn trong nhận diện các loại hàng hóa phải được kiểm soát. Một số biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm còn chưa áp dụng theo cơ chế quản lý mới nêu trong khi Nghị định 15/2018. Chưa có sự đồng bộ trong quy trình vận hành giữa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan tới kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng chưa triệt để để triển khai”, ông Vũ Tiến Lộc nêu thực tế.

Theo VOV