Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý II/2023, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố được duy trì. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản đầu năm. GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97%. Dù vậy, đây là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế trong nước bị ảnh hưởng từ tình hình thế giới.

Sản xuất cánh tà máy bay dân dụng tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long.

Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút được 2,265 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022. Doanh nghiệp thành phố tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ.

Cân đối thu – chi ngân sách thành phố tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm thực hiện được 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm của thành phố đạt 194.656 tỷ đồng, tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 8,8%). Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn huy động tăng 2,28%, dư nợ tăng 3,58%.

Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiểm soát; bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 1,22% – thấp hơn cùng kỳ (tăng 3,25%) và đạt mục tiêu đề ra (dưới 4,5%).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, các ngành kinh tế của thành phố duy trì phát triển, tuy nhiên một số lĩnh vực có xu hướng tặng chậm lại.

Xuất, nhập khẩu suy giảm do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 8,084 tỷ USD, giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 17,1%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 17,386 tỷ USD, giảm 16,3% (cùng kỳ tăng 24,5%).

Sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng (3,28%), tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ (6,31%).

Trong khi đó, du lịch và vận tải hành khách phục hồi mạnh. Tổng khách du lịch tăng 42%, khách quốc tế tăng 7 lần. Số lượt hành khách vận chuyển tăng 25,1% (cùng kỳ giảm 20%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 13,6%); khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 20,8% (cùng kỳ tăng 30,8%).

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 7,0% thì quý III, GRDP thành phố phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn.

Hà Nội tập trung đảm bảo ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát; tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm như đường Vành đai 4; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tăng trách nhiệm người đứng đầu; đưa kết quả giải ngân thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2023…

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Hoàn thành và trình duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện Nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất…

Phương án điều chỉnh giá nước đã được tính toán kỹ, đúng quy định

Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Thanh Tâm cho biết quá trình xây dựng tờ trình điều chỉnh giá nước sinh hoạt; trong đó nêu rõ, phương án điều chỉnh đã được tính toán kỹ, xử lý các vấn đề đặt ra thận trọng và xuất phát từ thực tiễn và các quy định của pháp luật; đặc biệt theo đúng quy định tại Thông tư 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

Thông tin thêm về nội dung này, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết trong 10 năm qua Hà Nội ổn định giá nước. Thành phố tính toán điều chỉnh giá nước từ năm 2019 nhưng chưa thực hiện để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19. Đến năm 2022, thành phố buộc phải điều chỉnh giá nước để đảm bảo chi phí đầu vào và đầu ra, các đơn vị đã nghiên cứu rất thận trọng. Phương án giá đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ cận nghèo, các đối tượng an sinh xã hội. So sánh chi phí mức sinh hoạt dưới 10m3 thì chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Điện Biên.

Theo KDPT