Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông huyện Gia Lâm cho biết đã nắm được tình trạng trên nhưng khi xử lý còn nhiều khó khăn do tại khu vực này chưa được cắm biển cấm dừng – đỗ.

Theo quy định, lực lượng chức năng chỉ có chế tài xử phạt đối với phương tiện vi phạm sau biển. Vừa qua, đại diện KĐT cũng đã đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền cắm biển cấm, song tới nay, biển cấm vẫn chưa được bố trí lắp đặt.

“Chúng tôi chỉ có thể phân công tổ công tác đi kiểm soát và nhắc nhở”, ông Sơn nói và cho rằng để vấn đề này được cải thiện, cơ quan chức năng cần nhanh chóng bổ sung biển báo, tạo cơ sở cho các lực lượng liên quan xử lý.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Về lâu dài, các cơ quan liên quan cần giám sát chặt việc quy hoạch, xây dựng các công trình chung cư, đảm bảo hạ tầng giao thông tĩnh của dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu của cư dân.

Trước đó, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Công an thành phố, UBND các quận, huyện thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm xử lý trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.

Sở GTVT được giao nhiệm vụ phối hợp với các quận, huyện thường xuyên rà soát việc phân luồng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, hướng dẫn giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, giảm thiểu tình trạng đỗ xe sai quy định.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, để xử lý dứt điểm tình trạng này, ngoài việc rà soát, lắp đặt các biển báo giao thông để có chế tài xử lý thì công tác quy hoạch giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh cần phải được chú trọng hơn.

“Không làm đồng bộ, không quy hoạch điểm đỗ cho phương tiện thì khó có thể xử lý tận gốc vấn nạn dừng, đỗ phương tiện tràn lan như hiện tại”, TS. Thủy cho hay.

NHỊ HÀ

Theo KDPT