web analytics

Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long 22/09/2020

(KDTT ) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được cảnh báo là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Trong đó, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn, sạt lở và lũ lụt là những tác động chính gây tác hại đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ĐBSCL. Vùng này cần phải làm gì để ứng phó và thích nghi với tác động của BĐKH?

Đoạn sạt lở đê biển Tây huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau.

Thiệt hại từ BĐKH

Theo nhận định của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, những năm gần đây tình hình sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng luôn gặp khó khăn. Cụ thể, nhiệt độ tăng cao, tình hình hạn hán đã làm cho nước sông Mê Kông đổ về ít, trong khi nước mặn từ biển xâm nhập ngày càng lấn sâu vào đất liền, kéo dài và gây khô hạn cục bộ. Vào mùa mưa, bão lũ xảy ra nhiều trên diện rộng, kèm theo lốc xoáy, triều cường dâng cao làm sạt lỡ bờ sông, bờ biển đã tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị phá hủy,…

Bến Tre là một điển hình của tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Nguyên nhân là do ảnh hưởng BĐKH khiến lượng nước trên sông Tiền xuống thấp, trong khi thủy triều Biển Đông lên cao, dẫn đến nước mặn xâm nhập ngày càng nhiều vào tỉnh này. Phần lớn diện tích trồng lúa, hoa của tỉnh đều bị nhiễm mặn, khô hạn. Hậu quả là mỗi năm, hạn, mặn đã làm giảm năng suất hàng chục nghìn ha lúa, cây ăn quả với mức thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

TP Cần Thơ cũng đang đối diện với nhiều thách thức từ sạt lở, dông lốc gây thiệt hại lớn về sinh mạng và tài sản. Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, từ 2011 đến năm 2019, thiên tai xảy ra trên địa bàn đã làm 59 người chết, 21 người bị thương; gần 2.000 căn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo; hơn 6,7 km đường giao thông bị sạt lở,…

Khô hạn làm chết nhiều cánh đồng lúa ở huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.

Tại Sóc Trăng, năm nay nước mặn cũng xâm nhập sâu vào đất liền gây thiệt hại cho hơn 20 nghìn ha lúa Đông Xuân, Hè Thu. Ông Lương Minh Quyết Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng, cho biết: Sóc Trăng là tỉnh ven biển ĐBSCL, nằm cuối nguồn sông Mê Kông, từ nhiều năm qua lượng nước từ thượng nguồn đổ về cửa biển rất thấp khiến nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 40 – 80 km. Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu và độ mặn tăng cao đã lan nhanh trên những cánh đồng các huyện: Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Mỹ Tú, TP Sóc Trăng khiến năng suất giảm, chi phí tăng cao. Hơn nữa, do thời tiết thay đổi bất thường làm môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, gây mầm bệnh nguy hiểm cho các đối tượng nuôi. Vụ tôm năm 2019, tỉnh Sóc Trăng có hơn 10 nghìn ha tôm nuôi bị thiệt hại nặng, ước tính hàng trăm tỷ đồng

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển nên phải chịu tác động nặng nề nhất từ BĐKH so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Vào mùa khô năm 2018-2019, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại gần 60 nghìn ha lúa; 64 tuyến công trình bị sạt lở, sụt lún; gần 10 nghìn hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Tổng thiệt hại khoảng 1.200 tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù mới bước vào thời gian đỉnh điểm của mùa khô mà đã hạn, mặn gây thiệt hại hơn 19 nghìn ha lúa, gần 20 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, còn xảy ra 912 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 22 km.

Nhiều tuyến đường ở ĐBSCL bị sụt lún do BĐKH.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các hiện tượng cực đoan của BĐKH như: dông lốc, sạt lở. Điều đáng lưu ý là mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra năm sau cao hơn năm trước và diễn biến phức tạp, khó lường gây không ít khó khăn cho công tác ứng phó của cơ quan chức năng. Năm 2019, dông lốc làm sập, tốc mái gần 220 căn nhà của người dân; sạt lở bờ sông xảy ra 46 điểm, tăng 26 điểm so với năm 2018, làm mất hơn 5,6 nghìn mét vuông đất và nhiều cây cối, hoa màu. Từ cuối năm 2019 đến nay, dù đang là thời điểm của mùa khô, nhưng tình trạng sạt lở đất bờ sông vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là ở địa bàn huyện Châu Thành.

Tại các địa phương vùng lũ ĐBSCL, nhất là đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, tình trạng sạt lở bờ sông cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Các ấp Bình Yên, Bình Thiện và Hòa Bình thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú (An Giang) xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông làm hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp vào cụm dân cư vượt lũ. Ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ sạt lở ven sông Tiền và cù lao Long Phú Thuận. Sạt lở đã cuốn trôi 17 nghìn mét vuông đất ở, đất sản xuất, nhiều hộ dân phải đi sơ tán.

Hệ thống kênh thủy lợi trong vùng ngọt Cà Mau đã cạn kiệt.

BĐKH đã và đang tạo ra những yếu tố bất lợi, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ĐBSCL. Theo các nhà khoa học dự báo, trong tương lai nếu nước biển dâng cao thêm 1 m, sẽ có khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, mất khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương nằm ven biển bị ngập chìm trong nước. Điều này cũng đồng nghĩa với cuộc sống của hàng chục triệu người dân lâm vào cảnh khốn khó. Và ĐBSCL, nơi mệnh danh là vựa lúa lớn nhất cả nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Giải pháp ứng phó và thích nghi với BĐKH

Trước diễn biến ngày càng gia tăng về mức độ khốc liệt của BĐKH, các bộ, ngành và ĐBSCL đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó với hạn, mặn. Bộ NN&PTNT đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương sớm hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, quy hoạch lại vùng trồng lúa và có những chính chính sách để nền nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, thích nghi với BĐKH. Đặc biệt, kết hợp với Viện lúa ĐBSCL tiến hành nghiên cứu, nhân rộng các giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, cung ứng cho nông dân, bố trí thời vụ hợp lý và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo đảm sản xuất đạt thắng lợi.

Sạt lở rừng phòng hộ ở huyện Trần Văn Thời Cà Mau.

Theo đó, tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống dẫn nước, cấp nước, nạo vét kênh mương, ngăn cống, đập trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Đồng thời triển khai hàng loạt các biện pháp chống hạn, mặn; ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn cho nông dân cách bón phân, chăm sóc hoa, cây giống, cây đặc sản phù hợp với điều kiện nắng hạn, xâm nhập mặn; thường xuyên thông báo cho người dân biết tình hình thời tiết, nắng hạn, xâm nhập mặn để giúp người dân chủ động phát triển sản xuất.

Dự án ngọt hóa Gò Công cũng được tỉnh Tiền Giang triển khai sớm nhằm bảo vệ vùng sản xuất 30 nghìn ha lúa. Toàn bộ hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn đã được khép kín, bảo đảm dự trữ, phục vụ nước ngọt cho toàn vùng dự án. Ngoài ra, tỉnh còn có giải pháp cung ứng nước ngọt sinh hoạt cho hơn 300 nghìn dân vùng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn.

Nhiều năm qua, tại các vùng nuôi tôm ở Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng), hàng loạt dự án thủy lợi đã được đầu tư với kinh phí cả ngàn tỷ đồng. Hiện nhiều công trình thủy lợi khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, nâng cấp hệ thống dẫn nước, cấp nước, nạo vét kênh mương, ngăn cống đập trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.

Khắc phục hậy quả sạt lở đất ở huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau.

Tỉnh An Giang đầu tư 114 tỷ đồng xây dựng 193 công trình cống, đập, nạo vét 182 kênh mương nội đồng. Trong đó, huyện Thoại Sơn và Tri Tôn đắp 7 đập để chống xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước tưới cho 50 nghìn ha trồng lúa ở hai huyện vùng núi Tịnh Biên và Tri Tôn.

Ngoài việc đắp 95 đập mới để ngăn mặn và trữ ngọt cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang còn được Trung ương đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn dài hơn 110 km. Tỉnh Bạc Liêu cũng điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ nay đến năm 2025. Theo đó, diện tích sản xuất theo mô hình lúa tôm từ 16 nghìn năm 2000 lên 36 nghìn ha.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những giải pháp ứng phó mang tính cục bộ trong điều kiện hạn hẹp của địa phương. Vấn đề đặt ra, những tác động của BĐKH đối với ĐBSCL là một quá trình diễn ra lâu dài, có thể dự báo trước nhưng để ứng phó kịp thời, hiệu quả, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, nhà khoa học cũng như những động thái tích cực của các ngành, các cấp và của cả cộng đồng để đưa ra những quyết sách đúng nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay việc ứng phó lâu dài với hiện tượng BĐKH và nước biển dâng ở ĐBSCL đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật vừa thiếu, lại yếu về chuyên môn; việc phân cấp quản lý ở địa phương còn nhiều lúng túng, chồng chéo nên chưa có phương pháp phân tích và giải pháp ứng phó cụ thể. Trong khi một số nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác phân tích đánh giá các nguy cơ BĐKH, vì sợ ảnh hưởng đến việc kêu gọi xúc tiến đầu tư ở địa phương.

Đưa nước ngọt vào cứu lúa ở huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng.

Để khắc phục những mặt hạn chế, các địa phương vùng ĐBSCL cần sớm thành lập ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH để đánh giá hiện trạng, nghiên cứu và đề ra những giải pháp khả thi nhằm thích ứng và giảm thiểu các tác động xấu do BĐKH gây ra. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể về tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt công tác ứng phó, thích nghi BĐKH. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hậu quả cũng như giúp họ tìm cách thích nghi và đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt ; giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ hợp lý nhằm từng bước thích ứng điều kiện sinh thái của địa phương. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, chính quyền địa phương và người dân bằng những bước đi, giải pháp cụ thể và thích hợp thì vùng ĐBSCL không chỉ có thể giảm nhẹ tác hại mà còn tận dụng, khai thác những lợi ích do BĐKH mang lại.

Bài và ảnh: ĐỖ NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT