web analytics

Dự báo về một số tác động của cuộc CMCN lần thứ 4
Bài 3: Tác động với kinh tế, chính phủ và an ninh quốc gia 24/05/2022

(KDTT) – Với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ cả quy mô lẫn tốc độ, lôi cuốn mọi người, ai cũng có thể tham gia và chịu sự ảnh hưởng. Về tác động của cuộc CMCN lần thứ tư, có quốc gia, vùng lãnh thổ, có tổ chức, cá nhân được lợi nhiều, rất nhiều; bên cạnh thi có nhiều người sẽ bị thua thiệt, thậm chí còn thua thiệt nhiều hơn, dẫn đến bị tụt hậu xa hơn, bị bóc lột nặng nề hơn.

Trước xu thế không thể đảo ngược của cuộc cách mạng này, cả Nhà nước và các doanh nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế. Để có nhận thức đúng đắn để bắt kịp xu thế phát triển chung cho doanh nghiệp, doanh nhân, Kinh doanh và Phát triển khởi đăng tuyến bài “Dự báo về một số tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được trích trong sách: “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm” của tác giả TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Bài 1: Bối cảnh của cuộc CMCN lần thứ 4
Bài 2: Bản chất, xu hướng công nghệ và công nghệ nền tảng trong cuộc CMCN 4.0

Tác động đối với kinh tế và doanh nghiệp

(1) Cuộc CMCN lần thứ tư thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển sang nền kinh tế tri thức, sang xã hội “thông minh”

Các thành tựu mới của KH&CN được ứng dụng, hội tụ để tối ưu hóa quá trình sản xuất, quản lý, tiêu dùng như hạ tầng thông minh, xây dựng thông minh, dây chuyền thông minh, sản phẩm thông minh, quản trị thông minh… Trong quá trình đó, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông chi phí thấp ngày càng mất dần lợi thế. Sản xuất đang dịch chuyển dần từ các nước/vùng có nhiều lao động kỹ năng phổ thông và tài nguyên sang những nước/vùng có nhiều lao động chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ. Các nước đang cố gắng tìm cách chuyển sang phương thức tăng trưởng dựa vào sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Các ngành công nghiệp sáng tạo đã tăng trưởng nhanh hơn các ngành sản xuất và dịch vụ truyền thống. Động lực chính của sự tăng trưởng nhanh này là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nhất là công nghệ đa phương tiện và viễn thông. Công nghệ kỹ thuật số đã mở ra một loạt các phương tiện truyền thông mới, qua đó sản phẩm sáng tạo có thể lan truyền nhanh và rộng rãi trên toàn thế giới.

Về phía cầu, yêu cầu về thay đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững hơn, tiết kiệm hơn và nhân văn hơn đã thôi thúc tăng trưởng kinh tế sáng tạo. Ước tính ngành công nghiệp, đã đóng góp tới 6,4% GDP và là một ngành xuất khẩu hàng đầu.Ở châu Âu, công nghiệp sáng tạo chiếm 6,8% GDP và 6,5% lực lượng lao động; trong đó ở Anh là 9% GDP và lực lượng lao động, ở Đức là 6,1% GDP và 7% lao động… Để có được kết quả đó nhiều nước tiếp tục nỗ lực đầu tư cao cho KH&CN như Phần Lan (3,84% GDP), Hàn Quốc (3,74% GDP), Thụy Điển (3,38% GDP), Nhật Bản (3.26% GDP).

(2) Sự giao thoa và hội tụ các lĩnh vực công nghệ cao đã xóa mờ dần ranh giới giữa các khâu/công đoạn, quy trình sản xuất- đặc biệt là các khâu thiết kế, gia công, lắp ráp và chế tạo ra sản phẩm

Cuộc CMCN lần thứ tư theo dự báo sẽ làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng về tổ chức các chuỗi sản xuất – giá trị. Trong phương thức sản xuất truyền thống, nhà máy được chuyển đến những nơi có chi phí lao động thấp để lắp ráp các linh kiện, chi tiết, còn trong CMCN lần thứ tư, chi phí nhân công các khâu/công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng, dần dần có thể được thay thế hoàn toàn bằng người máy – người máy thông minh hơn và chi phí thấp hơn.

Giá bình quân một người máy hiện nay chỉ bằng một nửa so với năm 1990 nhưng có tốc độ và độ tin cậy lớn hơn nhiều. Ví dụ một  người máy có giá 20.000 USD hiện nay có thể lắp ráp 30000 chiếc Iphone/năm, như vậy giả định một người máy hết khấu hao trong một năm thì chi phí lắp ráp một chiếc Iphone chỉ khoảng 66 cent. Một chi phí rất thấp, thấp đến mức khó có một lao động đơn giản nào có thể cạnh tranh được.

Dựa vào công nghệ người máy thông minh in 3D và IoT thi Các dây chuyền sản xuất trước đây được đặt ở các nước có lao động chi phí thấp, đang và sẽ chuyển dần về các thước công nghiệp phát triển. Sự chuyển dịch này không phải chỉ vì giá nhân công tăng lên mà còn vì các doanh nghiệp muốn đưa sản xuất về gần với khách hàng để có thể phản ứng nhanh hơn với thay đổi nhu cầu, đồng thời đó cũng là mệnh lệnh của các nhà cầm quyền của không ít quốc gia, nhất là Hoa Kỳ.

(3) Sản xuất đạt ở một trình độ rất cao và tối ưu hóa cao đã làm: cho lợi ích kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn

Theo khảo sát của công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC (PricewaterhouseCoopers), 85% công ty Hoa Kỳ và một số nước công nghiệp phát triển vào năm 2020 sẽ thực hiện công nghệ Công nghiệp 4.0” ở tất cả các khâu quan trọng. Các lĩnh vực như giao thông vận tải, sản xuất máy tính, hợp kim và máy móc hiện đang chiếm 10 – 30% giá trị hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc có thể được sản xuất hoàn toàn ở Mỹ vào năm 2020, làm sản lượng kinh tế Mỹ tăng thêm 20 – 55 tỷ USD/năm.

Theo OECD, áp dụng IoT làm giảm chi phí sản xuất tới 18% Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm ở 17 nước OECD trong giai đoạn 1993 – 2007 đã tăng 0,36% điểm nhờ tăng cường sử dụng người máy công nghiệp. Công nghệ in 3D có thể tạo ra những sản phẩm mà các phương thức sản xuất hiện nay không làm được, cho phép sử dụng nhiều loại nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm theo phương thức mà trước đây chỉ áp dụng được nguyên liệu nhựa, giúp giảm phế phẩm, tiết kiệm chi phí, từ đó giảm chất thải và khí thải ra môi trường.

Cuộc CMCN lần thứ tư có tác động đến tiêu dùng sản xuất và giá cả, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn. Ví dụ, những điện thoại thông minh rẻ nhất, với mức giá 10 USD đã có mặt ở châu Phi và châu Á. Dự báo đến năm 2023, 90% nhân loại sẽ sở hữu điện thoại thông minh. Những chiếc điện thoại thông minh để vừa trong túi quần lại có tốc độ xử lý tương đương với các máy tính siêu lớn vài thập niên trước.

(4) Cuộc CMCN lần thứ tư tác động tích cực đến lạm phát

Nhờ những đột phá về công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu, IoT, người máy, ứng dụng công nghệ in 3D, … đã giúp giảm mạnh áp lực chi phí đẩy đến lạm phát toàn cầu nhờ chuyển đổi sang một thế giới hiệu quả, thông minh và sử dụng nguồn lực tiết kiệm hơn.

Theo báo cáo năm 2015 của Boston Consulting Group, doanh số bán robot công nghiệp tăng 23% trong năm 2014 và mức giao hàng có thể tăng đến 400.000 robot/năm đến năm 2018. Dự báo trong thập kỷ tới, mức tiết kiệm bình quân thế giới của giá robot so với mức nhân công sẽ ở mức 10% nhờ vào chi phí sản xuất rẻ hơn của các nhà sản xuất máy móc. Năm 2013, ngành công nghệ in 3D trị giá khoảng 3,1 tỷ USD/năm, tăng 35% so với năm 2012, tốc độ tăng trưởng được dự đoán ở mức cao, khoảng 32%/năm và đạt 21 tỷ USD vào năm 2020

Trong dài hạn cuộc CMCN lần thứ tư sẽ tác động rất tích cực vào sản xuất. Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn.

(5) Tác động đến doanh nghiệp

Dưới tác động của cuộc CMCN lần thứ tư, sẽ có những ngành tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, sự tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp; với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ. Chính vì vậy mà cuộc CMCN lần thứ tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một số tập đoàn lớn vang bóng một thời và thống lĩnh thị trường trong một giai đoạn dài đang bị các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ giai đoạn gần đây vượt mặt. Theo đó, sức mạnh của các doanh nghiệp sẽ thay đổi. Một số ví dụ điển hình là:

(1) Trong lĩnh vực CNTT, các công ty như Google, Facebook… đang tăng trưởng nhanh, trong khi các công ty tiếng tăm khác như IBM, Microsoft, Cisco, Intel hay các tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản đang phải trải qua một quá trình tái cơ cấu đầy khó khăn. Sự sụp đổ của các “ông lớn” như Nokia, Kodak cho thấy nguy cơ mà các công ty phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt lại càng khốc liệt hơn trong thời đại của cuộc CMCN lần thứ tư.

(2) Trong lĩnh vực chế tạo, các công ty sản xuất ô tô truyền thống đang chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ các công ty mới nổi lên nhờ cách tiếp cận mới như Tesla đang đẩy mạnh sản xuất ô tô hiện đại và | tự lái, cũng như Google và Uber (Uber là công ty dịch vụ vận tải và taxi nhưng không có và không quản lý trực tiếp một chiếc ô tô nào mà chỉ dựa vào CNTT, nhưng công ty này có thể điều hành hoạt động hàng chục, hàng trăm triệu ô tô khắp trên thế giới):

(3) Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quá trình tái cơ cấu đang diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu nhân viên do ứng dụng ngân hàng trực tuyến di động và sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp khởi nghiệp từ Silicon Valley cung cấp các dịch vụ tài chính rẻ hơn nhiều cho khách hàng nhờ ứng dụng điện toán đám mây. Ngành bảo hiểm cũng đang chịu sức ép tái cơ cấu dưới tác động của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tương lại sụt giảm nhu cầu bảo hiểm xe cộ khi xe tự lái trở nên phổ biến trên thị trường.

(4) Cuộc cạnh tranh toàn cầu càng trở nên khốc liệt với sự nhập cuộc của nhiều công ty đa quốc gia siêu nhỏ. Những công ty khởi nghiệp bắt đầu chỉ có 3 – 5 nhân viên nhưng đã có bạn hàng khắp trên thế giới đang trở thành một xu hướng rõ nét, nhờ hạ tầng thông tin internet khiến cho việc hiện thực hóa và thương mại hóa một ý tưởng mới trên toàn cầu diễn ra một cách nhanh chóng do chi phí giao dịch giảm mạnh, giúp giảm chi phí và quy mô nhập cuộc.

(5) Vị thế của một công ty, một tập đoàn không hoàn toàn phụ thuộc vào bề dày của công ty, số lượng nhân công, số vốn đầu tư ban đầu… Mười doanh nghiệp lớn nhất hiện nay có doanh thu hàng tỷ USD, tài sản hàng chục tỷ USD nhưng mới chỉ thành lập rất gần đây.

Cuộc CMCN lần thứ tư có bốn tác động chính đối với doanh nghiệp:

1) Kỳ vọng của khách hàng;

2) Nâng cao chất lượng sản phẩm;

3) Đổi mới hợp tác;

4) Các hình thức tổ chức.

Cho dù là người tiêu dùng hay doanh nghiệp, thì khách hàng đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế, tất cả đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thức phục vụ khách hàng.

Sự đổi mới không ngừng và liên tục từ số hóa đơn giản (CMCN lần thứ ba) sang đổi mới dựa trên sự kết hợp, sự tích hợp của các công nghệ cao (CMCN lần thứ tư) đang buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại cách thức, sự lãnh đạo kinh doanh và điều hành cấp cao của chính doanh nghiệp.

Trong tương lai không xa, sản phẩm, con người và máy móc sẽ hoàn toàn có thể giao tiếp với nhau như trên mạng xã hội. Để duy trì tính cạnh tranh, các nhà máy sẽ phải cung cấp các thiết kế tùy chỉnh và có khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng, sử dụng các công nghệ mới để số hóa toàn bộ quy trình, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; hợp nhất mạng lưới sản xuất dùng giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm để nhân viên có thể làm việc thông qua mạng; dùng robot bán tự động làm việc bên cạnh con người để tăng năng suất mà vẫn đảm bảo chất lượng; phân tích dữ liệu thu thập được về khách hàng để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật mới.

Một đặc điểm mới của cuộc CMCN lần thứ tư là số vốn đầu tư ban đầu có thể không lớn, thời gian ngắn nhưng lợi nhuận thu về cao, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ví dụ, trường hợp của WhatsApp, khởi đầu với nhóm nhỏ nhà đầu tư, vốn bỏ ra nhỏ nhưng đến nay được định giá rất lớn. Tháng 02/2014, Facebook đã đồng ý chi 22 tỷ USD cho công ty có 55 nhân viên này. Trong khi đó, hãng hàng không Hoa Kỳ United Continental có giá thị trường cũng chỉ là 22 tỷ USD tính đến tháng 12/2015, nhưng có tới 82.300 nhân viên. Giá trị doanh nghiệp lên đến 400 triệu USD cho mỗi nhân viên như ở WhatsApp là ví dụ về khả năng thu lời lớn từ các mô hình kinh doanh vốn thấp trong tương lai. Ví dụ khác là Airbnb và Uber, với ứng dụng rộng rãi của IoT cho phép các công ty này tiếp cận tốt hơn với từng đơn vị, từ đó có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả của họ trong thời gian thực.

Trong tương lai, nhờ robot, các đơn đặt hàng theo màu sắc, hình dạng và kích cỡ riêng sẽ được thực hiện ngày càng nhiều hơn. Chẳng bao lâu nữa, hầu như tất cả công ty sản xuất ở mọi nơi trên thế giới đều sẽ chịu ảnh hưởng của CMCN lần thứ tư. Chiến lược và cách thức hoạt động của họ sẽ phải thay đổi.

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong cơn lốc đổi mới của cuộc cách mạng công nghiệp CMCN 4.0.

Tác động đối với chính phủ và an ninh quốc gia

Đối với sự điều hành của chính phủ

Khi thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học đang tiếp tục xich, gần nhau hơn thì công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến và cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điều khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

Trước tốc độ thay đổi nhanh chóng và sâu rộng của cuộc CMCN lần thứ tư, các nhà lập pháp và điều hành đang bị thử thách ở một mức độ chưa từng có tiền lệ. Để có thể vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công chúng, lại vừa tiếp tục hỗ trợ cho sáng tạo và phát triển công nghệ, các chính phủ cần phải xây dựng một quy trình quản lý “năng động” giống như việc khu vực tư nhân đang có ứng phó linh hoạt trước sự phát triển của KH&CN và hoạt động của các doanh nghiệp. Nghĩa là các nhà lập pháp phải không ngừng thích nghi với

môi trường mới biến đổi nhanh chóng, đồng thời phải trau dồi ba thân để thực sự hiểu rõ họ đang điều hành cái gì. Các chính phủ Võ cơ quan lập pháp cần có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và công dân của mình.

Đối với an ninh, chính trị và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia

Cuộc CMCN lần thứ tư sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới an ninh của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tới bản chất và cả khả năng xảy ra xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử không thể tách rời với sự sáng tạo và phát triển về công nghệ. Điều đó, khi đã thành quy luật thì những gì có thể xảy ra trong thời gian tới khó thể nằm ngoài quy luật này.

Một số dự báo tác động của cuộc CMCN lần thứ tư tới an ninh, chính trị và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và vùng lãnh thổ, đó là:

(1) Tương quan sức mạnh toàn cầu, trong đó có sức mạnh kinh tế thời gian tới sẽ diễn ra cạnh tranh quyết liệt hơn. Mỹ, các nước phát triển và Nga vẫn ở vị thế thuận lợi hơn để dẫn dắt cuộc CMCN lần thứ tư. Khoảng cách KH&CN và chất lượng thể chế giữa các nước phương Tây, Nga và các nền kinh tế đang nổi với các nước còn lại có một khoảng cách lớn. Nếu các nước đang phát triển không tranh thủ được cuộc CMCN lần thứ tư thì khoảng cách với các nước phát triển đang và sẽ dãn rộng hơn, nguy cơ tụt hậu là không tránh khỏi.

(2) Bảo đảm an ninh số và quyền riêng tư sẽ bị đe dọa. Sự phát triển mạnh mẽ của kết nối internet và phân tích dữ liệu có thể dẫn chiếu đến thông tin nhạy cảm và việc sử dụng những thông tin này có thể vi phạm các nguyên tắc xã hội cơ bản.

(3) Trong môi trường kết nối cao về internet, các chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn về truyền thông với công chúng. Sức ép với trách nhiệm giải trình trong việc ra quyết sách ngày càng lớn đòi hỏi những thay đổi căn bản trong việc xử lý quan hệ với công chúng.

(4) Sức mạnh các quốc gia trở lên quá chênh lệch. Có thể dẫn đến một thời điểm mà trên toàn thế giới, biên giới giữa các quốc gia không còn ý nghĩa lớn như hiện nay. Tất cả trở thành người làm công ăn lương dưới sự điều hành của một số người, một số doanh nghiệp tạo ra công nghệ, dẫn dắt công nghệ, từ đó dẫn dắt thế giới.

Đối với an ninh doanh nghiệp

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường bàn luận là sự tăng tốc của đổi mới và tốc độ của sự đổ vỡ là khó dự đoán, đó là:

Về phía cung, sự ra đời của các công nghệ mới tạo ra những phương thức hoàn toàn mới đáp ứng các nhu cầu hiện tại và phá vỡ đáng kể các chuỗi giá trị công nghiệp hiện có. Sự phá hủy cũng xuất hiện từ những đối thủ cạnh tranh sáng tạo, nhanh nhạy, những người nhờ tiếp cận với các nền tảng kỹ thuật số toàn cầu cho nghiên cứu, triển khai, tiếp thị, bán hàng và phân phối, có thể lật đổ những người đương nhiệm nhanh hơn bằng cách cải thiện chất lượng, tốc độ, hay giá cả đối với giá trị cung cấp.

Về phía cầu, những thay đổi lớn cũng đang xảy ra, như tính minh bạch ngày càng tăng, sự tham gia của người tiêu dùng, và các hình mẫu mới về hành vi của người tiêu dùng (ngày càng được xây dựng dựa trên sự truy cập vào các mạng di động và dữ liệu) buộc các công ty phải thích nghi, phải thay đổi cách họ thiết kế, tiếp thị, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ.

Sự phát triển của các công nghệ nền tảng cho phép kết hợp cả cung và cầu để phá vỡ cấu trúc ngành công nghiệp hiện có. Những nền tảng công nghệ dễ dàng sử dụng với các điện thoại thông minh, tập hợp con người, tài sản, và dữ liệu – do đó tạo ra những cách thức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn mới trong quá trình này. Chúng hạ thấp các rào cản đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tạo ra sự giàu có, làm thay đổi môi trường cá nhân và chuyên môn của người lao động.

Bạn đang đọc bài Bài 3: Tác động với kinh tế, chính phủ và an ninh quốc gia tại chuyên mục Thời sự. Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0369452904 – 0977600308. Hoặc Email: bientap.ide@gmail.com bandientukdpt@gmail.com

Theo KDPT