web analytics

Điện mặt trời: Vừa thừa vừa thiếu 17/05/2020

(KDTT) – Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay tổng số dự án điện mặt trời (ĐMT) đã bổ sung quy hoạch là 135 dự án với tổng công suất là 10.300 MW. Tính đến hết ngày 11/5/2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án ĐMT và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại.

ĐMT hiện đang là một trong những giải pháp để phát triển nguồn năng lượng cho các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, ĐMT cũng đang thu hút các nhà đầu tư nhờ chính sách hấp dẫn: ưu đãi tiếp cận vốn; miễn thuế nhập khẩu thiết bị; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch ĐMT còn nhiều “ngổn ngang” chưa được tháo gỡ dẫn đến tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu.

Hạ tầng không theo kịp “sức nóng” đầu tư

Theo quy hoạch, tổng công suất nguồn điện mặt trời dự kiến phát triển giai đoạn đến năm 2025 là 14.450 MW, đến năm 2030 là 20.050 MW. Hiện tại đã thực hiện bổ sung vào quy hoạch 10.300 MW. Như vậy, giai đoạn đến 2025 cần bổ sung thêm khoảng 4.000 MW (tương ứng 5.000 MWp), giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung thêm khoảng 5.600 MW (7.000 MWp) để thực hiện cơ chế đấu thầu xác định giá điện cạnh tranh.

Việc điều chỉnh mục tiêu quy hoạch phát triển điện mặt trời sẽ được xem xét tổng thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), hiện đang được Bộ Công Thương tổ chức lập và dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm 2020.

Còn theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ tính riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 19 nhà máy điện mặt trời, điện gió với tổng công suất khoảng 670 MW(chiếm 13% công suất đã vào vận hành). Như vậy riêng hai tỉnh này đã tương đương 20%  so với tổng số 92 nhà máy ĐMT trên cả nước. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ các nhà máy ĐMT ở đây phải thực hiện hạn chế công suất phát trong một số thời điểm do quá tải lưới điện.

Bài toán đặt ra ở đây là quy hoạch và lưới điện đồng bộ chưa theo kịp với nhau. Điều này có thể được lý giải bởi việc triển khai xây dựng dự án ĐMT chỉ khoảng 6 tháng, đây là khoảng thời gian rất ngắn so với việc đầu tư xây dựng một trạm biến áp (thường khoảng 2 – 3 năm) và cũng nhanh hơn nhiều so với việc đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện.

Đầu tư phát triển điện mặt trời được hưởng nhiều ưu đãi. (Ảnh minh họa)

Thực tế, do thiếu đường truyền, hiện có rất nhiều dự án ĐMT lớn chưa thể triển khai hoặc hoạt động không hết công suất. Phổ biến nhất ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến cuối năm 2019, Bình Thuận đã đưa gần 1.200 MW ĐMT vào vận hành. Chính vì sự phát triển nhanh, trong khi thủ tục đầu tư lưới điện theo quy trình của nhà nước không theo kịp, dẫn đến tình trạng giảm phát, nhiều nhà máy chỉ đưa được 30 – 40% điện năng lên lưới.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đã báo cáo điều chỉnh bổ sung quy hoạch 15 công trình lưới điện truyền. Bộ Công Thương cũng đã tích cực chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên rà soát quy hoạch nguồn và lưới, khẩn trương thực hiện các công trình lưới điện. Phấn đấu đến hết năm 2020, khi hoàn thành các công trình đường dây 110 kV Tháp Chàm – Phan Rí mạch 2, xây dựng mới trạm biến áp 220 kV Phan Rí, trạm 220 kV Ninh Phước, nâng công suất trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm (đã hoàn thành) sẽ đảm bảo truyền tải hết công suất các dự án điện mặt trời.

Theo quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2020 – 2025 (Quy hoạch VII điều chỉnh), trong một báo cáo vào tháng 02/2020, Viện Năng lượng đã rà soát, đánh giá hiện trạng triển khai, tiến độ vận hành của các dự án nguồn điện đã được phê duyệt. Theo đó, cần nghiên cứu tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện mặt trời do có thể thực hiện nhanh, đáp ứng tiến độ vận hành ngay từ năm 2021.

Giá mua điện mặt trời còn sức hút?

Ngày 6.4 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT trong đó xác định rõ giá thu mua ĐMT. Theo đó, mức giá 1.783 đồng/kWh (7,69 cent) dành cho dự án ĐMT nổi (trên mặt nước), 1.644 đồng/kWh (7,09 cent) với ĐMT mặt đất, 1.943 đồng/kWh (8,38 cent) với ĐMT trên mái nhà. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Theo quyết định này, bên mua điện (là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được EVN ủy quyền hoặc tổ chức cá nhân khác) có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới phát lên hệ thống điện quốc gia phù hợp với quy định về vận hành hệ thống điện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành điện; ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án ĐMT.

Trước đó, để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển ĐMT, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 11 vào tháng 4-2017 trong đó chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải mua toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy ĐMT ở mức giá 9,35 cents (USD)/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh điện, cao hơn nhiều lần giá mua buôn điện từ các nhà máy nhiệt điện than, thủy điện.

Như vậy so với biểu giá mới ban hành lần này, giá mua ĐMT đã được điều chỉnh giảm đi. Tuy nhiên theo một số nhà đầu tư thì bảng giá điện mới mà Chính phủ vừa ban hành là hợp lý vì các dự án ĐMT đang quá tải, tập trung tại một vài khu vực, có phát điện cũng không thể truyền tải được nên cần hạ giá mua xuống để tạm ngưng làn sóng bùng nổ.

Cần điều chỉnh quy hoạch phát triển điện

Mặc dù Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang còn hiệu lực đã bị phá vỡ bởi việc bổ sung tràn lan các dự án điện mới trong khi các dự án điện đã được ghi danh không thể triển khai đúng như tiến độ, kế hoạch. Tuy nhiên trong 2 tháng qua, Bộ Công thương đã liên tục có nhiều công văn đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành. Đáng nói là trước 7.000 MW điện gió đang được đề nghị bổ sung hiện nay, các cơ quan chức năng đã bổ sung tới 4.800 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.

Lý giải về điều này, Bộ Công thương cho biết: theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy hầu hết các nguồn nhiệt điện đều chậm tiến độ 1-2 năm, thậm chí một số dự án bị chậm đến 4-5 năm. Dự báo năm 2023 có thể thiếu trên 13 tỷ kWh điện, trong khi đã phải phát dầu gần 11 tỷ kWhn nếu không triển khai ngay một số giải pháp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời hay tăng cường mua điện từ các nước trong khu vực.

Có thể thấy, trong các năm từ 2020 đến 2023, công suất nguồn nhiệt điện thiếu hụt liên tục tăng. Đến hết năm 2023, công suất nhiệt điện thiếu hụt so với quy hoạch lên tới 12.690 MW. Tình trạng thiếu hụt công suất được cải thiện trong các năm 2024 và 2025. Mặc dù vậy, đến hết năm 2025, tổng công suất nhiệt điện thiếu hụt trong giai đoạn 2020-2025 vẫn còn khoảng 7.250 MW.

Cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 (với dự báo tăng trưởng phụ tải điện như Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh) cho thấy nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2024 là rõ ràng. Lượng điện thiếu hụt sẽ tăng từ 400 triệu kWh năm 2021, lên cao nhất đến 13,3 tỷ kWh vào năm 2023. Năm 2024, sản lượng thiếu hụt giảm còn khoảng 11 tỷ kWh và đến năm 2025 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nếu tiến độ các chuỗi dự án khí – điện đáp ứng tiến độ.

Để đảm bảo không thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025, phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió là một trong những giải pháp có thể triển khai ngay giai đoạn đến năm 2023. Theo báo cáo rà soát tổng thể Quy hoạch điện VII điều chỉnh do Viện Năng lượng lập tháng 02 năm 2020, cần huy động giai đoạn đến năm 2025 dự kiến với 2 phương án là phương án cơ sở và phương án cao. Với phương án cơ sở, ĐMT cần phát triển khoảng 14.450 MW, điện gió khoảng 6.030 MW. Với phương án cao, ĐMT cần phát triển khoảng 20.350 MW, điện gió khoảng 11.630 MW.

Phương án cao được lựa chọn là phương án điều hành để phát triển nguồn điện đủ dự phòng trong trường hợp phụ tải tăng cao, điều kiện khí hậu bất lợi (thủy điện phát thấp do hạn hán kéo dài) hoặc một số nguồn điện khác tiếp tục chậm tiến độ.

Sự phát triển của ĐMT, điện gió là tín hiệu mừng vì cung cấp thêm nguồn điện cho đất nước trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện luôn cận kề. Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” của hai nguồn điện này trong một thời gian ngắn cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần lưu tâm.

Câu chuyện về đầu tư ĐMT, điện gió cho thấy chính sách khuyến khích của Chính phủ dành cho năng lượng tái tạo đã tạo nên diện mạo mới cho hệ thống năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tránh chạy theo phong trào, cần phải tính toán kỹ lưỡng để không rơi vào hoàn cảnh như nhiều nhà đầu tư ĐMT đã mắc phải. Đồng thời, những chính sách đầu tư của Nhà nước cần có sự nhất quán, tránh để lại những khoảng trống về giá như ĐMT thời gian qua. Có như vậy, nguồn lực tư nhân mới mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần giảm bớt nguy cơ thiếu điện.

Theo KDPT